Luật rừng cho phép phá rừng?
- Phạm Thị Hương Giang và bạn
- •
Nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý chuyển đổi 156ha đất rừng thông cổ thụ cho Tập đoàn FLC thực hiện dự án sân Golf tại Gia Lai không hề trái pháp luật. Vì chính quyền xếp rừng thông cổ thụ đó vào loại: Rừng sản xuất (!)
Khoản 3, Điều 6, Nghị Định 52/2020/NĐ-CP về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân gôn cho phép sử dụng đất Rừng sản xuất làm sân Golf. Với điều kiện phải trồng rừng thay thế hoặc đóng một khoản tiền thay thế khu rừng bị khai thác để làm sân Golf.
Theo Nghị định 05/VBHN- BNNPTNT Quy định Chi tiết thi hành một số điều Luật Lâm nghiệp thì Rừng sản xuất là rừng đạt tiêu chí về rừng tự nhiên, rừng trồng (bao gồm rừng tự nhiên kiệt quệ).
Nghị định là một phần của Luật, cả hai Nghị định trên đều được ký vào năm 2020. Thậm chí, văn bản hợp nhất Nghị định 05/VNHN-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn được ký vào ngày 26/10/2020, thời điểm bão đang giày xéo miền Trung tàn khốc. Nghị Định được ký vào thời điểm đó lẽ nào người ký không phát hiện kẽ hở gây đau thương trong tương lai?
Đáng ra, Rừng sản xuất phải là rừng trồng tạo thu nhập kinh tế bằng cây ngắn hạn hoặc cây công nghiệp như keo, tràm, xà cừ khai thác gỗ, hoặc rừng được được trồng theo quy hoạch sản xuất…
Chứ tại sao lại là rừng đạt tiêu chí về rừng tự nhiên? Rừng đạt tiêu chí về rừng tự nhiên thì đó đã là Rừng tự nhiên. Nếu rừng tự nhiên bị kiệt quệ thì phải trồng lại và kỷ luật luôn cán bộ quản lý. Anh quản lý ra sao mà để rừng tự nhiên kiệt quệ. Đằng này, khi rừng tự nhiên kiệt quệ thì chuyển nó thành rừng sản xuất rồi bứng nó luôn. Điều này có khác gì, nhà hư không sửa lại mà đập nhà bán xà bần, bán luôn đất lấy tiền đi oánh bài?
Chuyển đổi 155ha rừng thông làm sân Golf ở Gia Lai: Sẽ không phá một cây nào?
Luật Lâm nghiệp có kẽ hở “giết rừng”, Nghị định của Luật Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn có kẽ hở “ăn rừng”. Đến cả Luật còn không bảo vệ được rừng trên giấy thì làm sao bảo vệ rừng trên thực tế.
Tại sao Luật lại có kẽ hở cho tư duy ăn tàn phá hại như vậy?
Rừng thông cổ thụ ở Gia Lai do ai trồng hay nó vốn dĩ đã có như thế? Đồi cỏ hồng do ai trồng? Hay bao đời nay vẫn hồng đúng mùa? Vậy tại sao có thể xếp một khu rừng với những tán thông tuyệt đẹp trăm năm tuổi vào dạng rừng Sản xuất để cấp cho doanh nghiệp? Rồi đây, sân Golf sẽ tràn lan, cây rừng sẽ bị khai thác kiệt quệ thêm nữa để làm sân Golf khi người ta thích khu rừng nào, người ta sẽ định nghĩa đó là Rừng sản xuất.
Tại sao, Nguyên Thủ tướng không nhìn ra kẽ hở của Luật để có điều chỉnh phù hợp, để trình Quốc hội xem xét sửa chữa Luật. Có lẽ ông bận nhưng lẽ nào ông không phân biệt được cây thông cổ thụ với rừng tràm?
Chúng tôi, “Sống Foundation”, đang triển khai dự án Forest Symphony để trồng mới và tái tạo rừng tự nhiên. Dù đã ký kết với các tỉnh để chung tay trồng rừng trong đó có sự tham gia đóng góp của cộng đồng, đối ứng từ ngân sách của tỉnh và công sức của những người dân bản địa. Nhưng biết đâu một ngày đẹp trời ai đó lại xếp những cánh rừng này vào Rừng sản xuất để bị bứng hoặc cưa trụi hay không? Vì như quy định mới hiện nay về rừng sản xuất thì rừng sản xuất là rừng trồng và cả rừng đạt tiêu chí rừng tự nhiên. Vậy trồng rừng làm chi nữa? Trồng cho các doanh nghiệp cưa, chặt để làm sân golf, resort à?
Trong quá khứ từ trước tới nay, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn đã trồng lại được bao nhiêu khu rừng tự nhiên để thay thế cho số rừng bị khai thác rồi? Hay các vị chỉ biết định giá với giá rẻ mạt?
Rồi đây, FLC sẽ trồng một rừng thông cổ thụ với diện tích tương đương hoặc tăng gấp 3 lần theo quy định, hay FLC sẽ đóng một khoản tiền nhỏ để thay thế cho việc trồng rừng?
Tương lai sẽ đi về đâu khi Luật – Nghị Định hở mà Lãnh đạo không nhận ra, Quốc hội vẫn thông qua? Dân ở đâu? Nước ở đâu trong tận cùng những kẽ hở mang đầy tính lợi ích nhóm?
Khi tôi viết những dòng này, tôi đang cùng team Hạnh phúc xanh của mình đang khảo sát trong Rừng Quốc gia Núi Chúa để chuẩn bị cho một chiến dịch trồng rừng mới. Và suốt từ tháng 5/2019 đến ngày hôm nay, team chúng tôi đã đi khảo sát mấy chục chuyến từ Kontum, Sóc Trăng, Ninh Thuận, Quảng Bình, Huế… để chuẩn bị cho các dự án trồng rừng. Những hình ảnh dưới đây là chuyến đi khảo sát đầu tiên của chúng tôi ở Kontum. Các bạn sẽ dễ dàng nhận ra nhà văn Nguyên Ngọc là một trong những thành viên của chuyến đi đó. Chính sự day dứt của nhà văn – nhà văn hoá – nhà Tây Nguyên học này về sự biến mất của những cánh rừng, những ngôi làng, những nền văn hoá đã khiến tôi đau đáu.
Tôi và đồng đội của mình đã tự hứa với nhau sẽ trồng lại những cánh rừng trên khắp đất nước này. Tôi viết chương trình Hạnh Phúc Xanh và dự án Forest Symphony với mong muốn chúng ta sẽ cùng nhau liên tục trồng rừng trong vòng 70 năm, với hi vọng khi ấy những cánh rừng sẽ trở lại.
Nhưng chúng ta không thể chỉ vất vả gây quỹ từng đồng, cặm cụi trồng rừng mà không ngăn chặn những hành động phá hoại đê tiện của những kẻ có quyền, có tiền.
Bởi vì chính sự thỏa hiệp của ta tạo nên xã hội của ta!
Đây là sự thật mà người ta chỉ thấy khi quan sát và chiêm nghiệm cuộc đời và chiều sâu của trái tim con người. Xã hội vững chắc là do được xây dựng trên những nền tảng luân lý đạo đức rõ ràng – trộm cắp là sai, dối trá là sai, tham nhũng là sai, phá hoại di sản thiên nhiên và văn hoá là sai. Nếu ta mù mờ, thỏa hiệp, về các nguyên tắc luân lý đạo đức, thì đó như là xây cầu bằng đất bùn.
Nếu chúng ta không cương quyết vạch rõ chiến tuyến với điều sai xấu như thế, và chúng ta bắt đầu cho cái sai là đúng, hay là chấp nhận được, thì chính ta sẽ sống như bèo dạt mây trôi, không có nền tảng chắc chắn nào cả để mà đứng vững, và xã hội của ta sẽ luôn tồi tệ, mục ruỗng.
Và vì thế, tôi mong rằng chúng ta vẫn luôn nỗ lực từng ngày để cùng nhau trồng lại những cánh rừng giữ đất, giữ nước. Chúng ta không vì những sự phá hoại của người khác làm mất đi những ước mơ tử tế và tốt đẹp của mình. Nhưng không chỉ thế, chúng ta cần lên tiếng để những kẻ làm sai phải dừng lại, hiểu và sửa chữa lỗi lầm của mình. Chúng ta không thể để cho những kẻ có quyền tạo ra luật rừng để phá rừng, giết chết sự sống và tương lai của chính chúng ta và các thế hệ con, cháu của chúng ta!
Đồng tác giả: Phạm Thị Hương Giang và bạn
(Phạm Thị Hương Giang, có tên thường gọi là Jang Kều, là Người sáng lập và điều hành dự án Nhà Chống Lũ – tiền thân của Quỹ xã hội Sống Foundation)
Đăng theo Facebook Jang Kều với sự đồng ý của tác giả. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.
Xem thêm bài viết của cùng tác giả:
Từ khóa FLC phá rừng làm sân Golf rừng thông huyện Đắk Đoa phá rừng ở Gia Lai dự án sân Golf Đắk Đoa