Vài điều lặt vặt về phép lịch sự dễ thương của đàn ông Anh
- tôn nữ tường vy
- •
Mình thường quan sát những cái rất nhỏ nhặt. Ví dụ mình sẽ khó chịu khi ai đó để ngửa vá trong tô canh, ăn mà nhai hở miệng, tạo tiếng động, hoặc đứng dậy đi mà không đặt sát ghế vào bàn.
Sau vài tháng sống ở Anh, đây là vài điều mình quan sát và cảm thấy dễ chịu từ nhiều người đàn ông Anh. Vài điều tương đối phổ biến chứ không hẳn chỉ dành cho giới nào hay nước nào.
– Khi đi thang cuốn, nếu bạn đứng trước mình (dù lên hay xuống) thì luôn đứng xoay về phía mình chứ không đưa lưng về phía mình. Bạn sẽ nói một chút gì đó, hoặc không nói gì nhưng nhìn mình mỉm cười, thỉnh thoảng quay ra sau ngó chừng nào hết thang để quay lại đi tới trước. Tự nhiên mình cảm động hết sức với hành động này. Thấy như được tôn trọng từ một điều nhỏ nhất mình không nghĩ tới.
– Đi thang bộ, nếu lên thì bạn đi sau, nếu xuống thì bạn đi trước. Một là để nếu con gái mặc váy ngắn thì không bị dòm ngó, mà mình không thuộc loại này nên lý do chỉ có thể là thứ hai, nếu lỡ mình có bất cẩn vấp té thì cũng đỡ được. Khoảng cách vừa phải là cách 1 bậc thang – không quá gần để… té theo, cũng không quá xa để không đỡ được. Đỡ thế nào? An toàn nhất là mình vịn vai bạn. Nếu lỡ đứng hơi xa thì bạn đưa tay ra nhưng vòng khuỷu tay 90 độ, chắc chắn hơn là giơ tay thẳng.
– Khi đi bộ trên vỉa hè, mình thường nhường đường cho người đi ngược chiều nên đôi lúc đi chậm lại sau bạn. Và bạn thì luôn phát hiện ngay khi để lọt mất mình nên hay dừng lại dòm ra sau. Khi nào mình chạy lên ngang bằng thì bạn mới đi tiếp.
– Khi đi ăn thì luôn tắt điện thoại. Xem giờ bằng đồng hồ đeo tay. Nếu không có đồng hồ đeo tay thì xem điện thoại cũng được, nhưng phải cất trong túi, không để lên bàn. Cơ mà mình thấy đàn ông mang đồng hồ đeo tay trông hay hay hơn.
– Không để cùi chỏ lên bàn. Cẳng tay thì được, nhưng cùi chỏ phải ở ngoài mép bàn.
– Khi xé giấy ăn, giấy chùi bếp thì xé đúng chỗ răng cưa. Xé toẹt nham nhở cho nhanh đối với mình là ẩu.
– Chỉ dùng điện thoại cho việc gì liên quan tới người đó trong thời gian gặp. Có lần bạn dẫn mình đi mua áo khoác. Mình đang ướm ướm thử thử cân nhắc thì thấy bạn làm gì đó trên điện thoại. Mình hơi khó chịu. Nhưng lát sau bạn đưa điện thoại cho mình xem, bảo kiểu này không có size XS ở cửa hàng nhưng mua online trên web của họ có đây này.
– Đưa đồ một cách gọn gàng. Có lần mình vào nhà vệ sinh, để lại khăn choàng và điện thoại. Lúc mình ra, bạn đứng chờ sẵn, đưa điện thoại trước, bảo là cất điện thoại vào túi áo đi đã rồi mới rảnh hai tay để quấn khăn.
– Luôn đến trước mở cửa cho mình đi qua rồi mới đóng. Nếu còn ai đi ngay sau mình thì cũng giữ cửa luôn cho người đó. Và thường nếu nhiều người vào cửa, thì một người đến sau sẽ giữ giùm cửa cho người kia được đi.
– Luôn mở cửa xe ô tô, taxi trước. Nếu phụ nữ mặc váy, bạn sẽ vào trong ngồi trước, phụ nữ sẽ ngồi gần cửa để khỏi phải di chuyển lui vào trong. Nếu xe chỉ có tài xế và hai người, bạn sẽ để phụ nữ ngồi ghế sau, bạn lên ngồi cùng tài xế. Vị trí cùng tài xế là chỉ dấu cho sự bình đẳng, ngồi ghế sau (vị trí an toàn) là quan hệ chủ – tớ, cao – thấp. Ngồi cùng tài xế là để tôn trọng họ.
– Luôn nói “please”, “would you mind”, “could you please”, “Excuse me”, “I’m sorry”, “thank you”. Ở Anh, ai cũng xin lỗi “sorry” qua lại. Như truyện cười sau:
Ăng Lê 1: Sorry, are you in the queue?
Ăng Lê 2: Oh, no I’m not, sorry!
Ăng Lê 1: Oh, sorry!
– Khi mình giúp làm gì đó, bạn nói “Thank you” (cảm ơn) kèm thêm “so kind of you” (em tử tế quá), hoặc “Thank you for your help” (cảm ơn em vì đã giúp anh). Không nói “thank you” trống không nếu đang có thời gian và sự giúp đỡ đó có ý nghĩa một tí.
– Khi mình cảm ơn một người đã dẫn mình đi một đoạn và chỉ đường, người đó cười, nghiêng đầu chào, tay nhấc nhẹ cái mũ bê rê lên và nói “My pleasure” (không có chi).
Khi ở Anh, mình hình thành 3 thói quen. Cái đầu là thích nghi văn hóa bản địa. Hai cái sau là tự nhiên hình thành, vì mình nghĩ có thể nó sẽ khiến người khác vui vẻ.
– Luôn nói “please” (làm ơn) khi hỏi hoặc nhờ. Đây là điểm vô cùng đặc trưng của người Anh. Nếu không nói từ này, họ sẽ thấy mình bất lịch sự.
– Nói “thank you for your work” (cảm ơn vì đã làm việc này) khi đi ngang công nhân vệ sinh đường phố.
– Cúi người cảm ơn tài xế khi đi qua đường.
Theo Facebook Tôn Nữ Tường Vy, sinh viên Thạc sĩ tại Viện Giáo dục, University College London
Xem thêm:
Từ khóa Văn hóa ứng xử kỹ năng giao tiếp phép lịch sự đàn ông Anh