Năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua có sự cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, với khoảng cách còn rất xa so với các nước trong khu vực, việc tăng năng suất lao động của người Việt trong tương lai thực sự là ‘bài toán’ cần được đầu tư lớn.

nang-suat-lao-dong
Mặc dù là sản phẩm xuất khẩu chủ lực nhưng ngành dệt may là một trong những nhóm ngành có năng suất lao động thấp. (Ảnh sưu tầm)

Theo báo cáo được công bố ngày 28/12/2016 của Tổng cục Thống kê, năng suất lao động xã hội của toàn nền kinh tế Việt Nam năm 2016 theo giá hiện hành ước tính là 84,5 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 3.853 USD/lao động). Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2016 ước tính tăng 5,31% so với năm 2015.

Xét theo khu vực kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có năng suất lao động thấp nhất với 32,9 triệu đồng/lao động; tiếp đến là khu vực dịch vụ với 103,5 triệu đồng; cao nhất là khu vực công nghiệp và xây dựng với 112,0 triệu đồng/lao động.

Năng suất lao động rất thấp so với các nước trong khu vực

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2015, năng suất lao động của toàn nền kinh tế Việt Nam là 79,3 triệu đồng/lao động (khoảng 3.657 USD/người). Mặc dù đã tăng thêm 6,4% so với năm 2014 (theo giá so sánh năm 2010) nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

So với Singapore, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 4,4% (tương ứng mỗi người Singapore làm việc có năng suất bằng 23 người Việt cộng lại). So với các nước khác trong khu vực, năng suất lao động của người Việt cũng chỉ bằng 17,4% của Malaysia; 35,2% của Thái Lan; 48,5% của Philippines và bằng 48,8% của Indonesia.

Trong khi chênh lệch tương đối giữa năng suất lao động của Việt Nam với các nước trong khu vực được thu hẹp thì khoảng cách tuyệt đối lại có xu hướng tăng lên.

Năm 1994, năng suất lao động của Singapore gấp 29,2 lần năng suất lao động của Việt Nam (tính theo sức mua tương đương – PPP) thì đến năm 2013, khoảng cách này chỉ còn gấp 18 lần. Khoảng cách giữa năng suất lao động của Malaysia và Việt Nam giảm từ 10,6 lần xuống còn 6,6 lần; với Thái Lan: giảm từ 4,6 lần xuống còn 2,7 lần,…

Tuy nhiên, khoảng cách tuyệt đối lại tăng lên đáng kể. Năm 2013, theo một nghiên cứu của ILO, năng suất lao động của Việt Nam ở mức thấp nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Trong giai đoạn 1994 – 2013, khoảng cách giữa năng suất lao động của Singapore và Việt Nam tăng từ 62.052 USD lên 92.632 USD; giữa Malaysia và Việt Nam tăng từ 21.142 USD lên 30.311 USD, với Thái Lan: tăng từ 7.922 USD lên 9.314 USD,…

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nếu giả định Việt Nam và một số nước vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng năng suất lao động trung bình như trong giai đoạn 2007 – 2012 thì phải đến năm 2038 Việt Nam mới bắt kịp năng suất lao động của Philippines và đến năm 2069 mới bắt kịp năng suất lao động của Thái Lan.

Chuyển dịch cơ cấu ngành chậm cùng tư duy sản xuất nhỏ lẻ và hạn chế trong đổi mới sáng tạo

Theo TS. Lâm, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam vẫn còn chậm. Các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ mang tính chất “động lực” hay “huyết mạch” của nền kinh tế như tài chính, tín dụng còn chiếm tỷ trọng thấp.

Tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản còn lớn, chủ yếu là lao động giản đơn, có tính thời vụ, việc làm không ổn định, nên giá trị gia tăng tạo ra không cao.

Tại Hội nghị thúc đẩy cải tiến, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công thương tổ chức ngày 9/12/2016 tại Hà Nội, ông Nguyễn Phú Cường – Vụ trưởng Vụ Khoa học – Công nghệ cho hay, theo kết quả tính toán năng suất của các ngành công nghiệp do Bộ Công Thương thực hiện, những ngành công nghiệp có năng suất lao động cao gồm năng lượng, thép, hóa chất, cơ khí chế tạo, năng lượng, điện, điện tử – tin học (từ 450 triệu đến trên 1 tỷ đồng/người/năm). Trong khi đó, nhóm ngành có sản phẩm xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày lại có năng suất lao động thấp, bình quân chỉ đạt 76 triệu đồng/người/năm.

Theo báo cáo của Viện năng suất Việt Nam, trong 8 ngành kinh tế đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của đất nước, ngành năng lượng có mức giá trị gia tăng cao nhất với trên 350 ngàn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng ngành khoảng 6,4%/năm. Đây cũng là ngành có năng suất lao động bình quân cao với khoảng 1 tỷ đồng/người lao động.

Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Khoa học – Công nghệ cũng chỉ ra rằng năng suất cao ở các nhóm ngành trên chủ yếu dựa vào lợi thế khai thác tài nguyên sẵn có và gia tăng đầu tư; trong khi đó việc tăng năng suất nhờ đóng góp của đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học, phương thức quản lý hiện đại trong các ngành này còn hạn chế.

Đặc biệt, theo Vụ trưởng, yếu điểm của Việt Nam nằm ở tư duy kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ. Theo thống kê, có tới 96% các doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng hấp thụ công nghệ, đổi mới sáng tạo được xem là “vùng trũng nhất” so với thế giới với trên 80% có trình độ công nghệ được đánh giá ở mức trung bình và thấp.

Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng khác cần được bàn tới trong việc tăng năng suất lao động là chất lượng nguồn lao động. Trong báo cáo tình hình kinh tế – xã hội cuối năm của Tổng cục Thống kê, dân số Việt Nam năm 2016 ước tính là 92,70 triệu người (tăng 1,08% so với năm 2015).

Trong đó, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động khoảng 47,7 triệu người, tỷ lệ thất nghiệp: 2,3%, số lao động trong độ tuổi lao động đã qua đào tạo năm 2016 ước tính chỉ đạt 20,6%. Mặc dù vậy, yêu cầu về năng lực chuyên môn, các kỹ năng và kinh nghiệm làm việc thực tế tại các doanh nghiệp đang cho thấy mức độ lãng phí rất lớn nguồn lao động đã qua đào tạo này khi theo các báo cáo của Viện Khoa học Lao động&Xã hội 2016, số người có trình độ đại học, cao đẳng chuyên nghiệp có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất.

Những “bước ngắn” trong chuyển dịch cơ cấu ngành, việc chậm chạp trong thay đổi tư duy sản xuất, nhu cầu nguồn vốn lớn cho đổi mới công nghệ và những hạn chế về chất lượng nguồn lao động khiến việc tăng năng suất lao động của Việt Nam cần có những chiến lược đầu tư lớn cả về nguồn lực con người, tài chính,… và những cải cách thể chế để có thể tạo ra những bước đột phá trong tương lai.

Lam Ngọc

Xem thêm: