Nhiều lãnh đạo dầu khí bị bắt; Sẽ xét xử vụ Trịnh Xuân Thanh trong Quý I/2018; Đề xuất phương án thứ 4 giải quyết điểm nóng BOT Cai Lậy; Vụ Mường Thanh “Phải chăng củi này ướt mà không khởi tố được, không cháy được?”; Bộ TN&MT ngừng quy định ghi tên thành viên gia đình trong sổ đỏ;  Điều tra bổ sung vụ cựu PGĐ Sở TN&MT tham ô hàng chục tỷ đồng,… là tin tức thời sự nổi bật tuần qua.

Nhiều lãnh đạo dầu khí bị bắt

dinh la thang
Ông Đinh La Thăng.

Theo quyết định khởi tố bị can số 522/C46 và lệnh bắt tạm giam số 134/C46 ngày 8/12/2017 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, ông Đinh La Thăng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đại biểu Quốc hội khóa XIV bị khởi tố, tạm giam để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu Khí quốc gia Việt Nam (PVN) từ 2009 – 2011.

Ông Thăng bị cáo buộc cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự); lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280 Bộ luật Hình sự), gây thiệt hại 800 tỷ – không thể thu hồi vì ký thỏa thuận góp vốn vào OceanBank.

Ông Thăng còn bị cáo buộc đã cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản (Điều 278 Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan đến Dự án Nhiệt điện Thái Bình II.

Đồng thời, Cơ quan điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam và lệnh khám xét ông Nguyễn Quốc Khánh (57 tuổi, trú tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) – nguyên tổng giám đốc PVN để điều tra về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ông Thăng và ông Khánh, ông Đinh Mạnh Thắng (55 tuổi, em trai ông Đinh La Thăng) – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại dầu khí Sông Đà cũng bị cơ quan điều tra (Bộ Công An) bắt tạm giam để điều tra về hành vi tham ô tài sản.

Sẽ xét xử vụ Trịnh Xuân Thanh trong Quý I/2018

trinh xuan thanh
Sẽ xét xử vụ Trịnh Xuân Thanh trong Quý I/2018. (Ảnh: laodong.vn)

Ngày 4/12, Chánh án TAND Hà Nội Nguyễn Hữu Chính đã trình bày báo cáo công tác tòa án tại kỳ họp thứ 5, HĐND TP. Hà Nội.

Theo báo cáo, TAND thành phố sẽ phối hợp với Viện kiểm sát cùng cấp và các cơ quan liên quan tập trung đưa ra truy tố xét xử theo thẩm quyền vụ án Trịnh Xuân Thanh và vụ góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương trong Quý I năm 2018.

Đề xuất phương án thứ 4 giải quyết điểm nóng BOT Cai Lậy

BOT 2
BOT Cai Lậy. (Ảnh: Thiện Nhân)

Ngày 9/12, ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết Bộ GTVT có công văn hỏa tốc yêu cầu Vụ Đối tác công – tư (PPP), Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Công ty TNHH Quốc lộ 1 Tiền Giang, Ban quản lý dự án 8, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT phối hợp triển khai kết luận yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 4/12/2017.

Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiên cứu các phương án xử lý, đề xuất giải pháp, phân tích ưu, nhược điểm đối với 3 phương án. Cụ thể:

Phương án 1: Giữ nguyên trạm như hiện nay, có biện pháp bổ sung (nếu cần thiết) để đảm bảo việc thu giá dịch vụ;

Phương án 2: Xây dựng thêm trạm trên tuyến tránh, thu giá dịch vụ hoàn vốn đầu tư cho cả tuyến tránh và phần đầu tư trên quốc lộ 1 hiện hữu;

Phương án 3: Di dời trạm hiện nay về đặt trên tuyến tránh, nhà nước hoàn trả phần kinh phí đầu tư trên quốc lộ 1 hiện hữu, có thực hiện điều tiết phân luồng giao thông. Trường hợp phương án tài chính không hiệu quả, phải tính toán kinh phí cần thiết nhà nước hỗ trợ để đảm bảo khả thi về tài chính.

Ngoài 3 phương án trên, ông Huyện còn cho biết Tổng cục Đường bộ đề xuất thêm phương án thứ tư: Trạm BOT Cai Lậy vẫn đặt ở vị trí hiện tại và thực hiện thu phí đủ số vốn 300 tỷ đồng mà nhà đầu tư bỏ ra để nâng cấp cải tạo quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Cai Lậy, sau đó thực hiện di dời trạm về tuyến tránh. Sau khi trạm thu phí được di chuyển về tuyến tránh, phân luồng xe tải từ quốc lộ 1 đi vào tuyến tránh và các phương tiện nộp phí trên tuyến tránh này.

Với phương án này, các chuyên gia giao thông cho rằng “sòng phẳng” hơn, thời gian thu phí ngắn hơn và giới hạn rõ ràng về tuyến đường, mức phí, loại xe cụ thể.

Vụ Mường Thanh: Phải chăng ‘củi này ướt’ mà không khởi tố được, không cháy được?

kim văn kim lũ
Dự án khu đô thị Kim Văn-Kim Lũ, một trong những dự án của Tập đoàn Mường Thanh có sai phạm. (Ảnh: FB Kim Văn Kim Lũ)

Ngày 6/12, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5 của HĐND TP. Hà Nội, các đại biểu (ĐB) chất vấn Giám đốc Công an thành phố liên quan đến những sai phạm của Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên (Tập đoàn Mường Thanh)do ông Lê Thanh Thản làm chủ.

ĐB Nguyễn Hoài Nam – Trưởng ban Pháp chế HĐND đặt vấn đề – thanh tra thành phố đã kiến nghị công an thành phố từ tháng 8/2016 về việc điều tra các sai phạm tại doanh nghiệp trên và hứa báo cáo nhanh với Bộ Công an và đồng thời hứa sẽ tiến hành khởi tố sớm.

Vậy, xin Giám đốc Công an thành phố cho biết lý do gì cho đến thời điểm này chưa khởi tố được vi phạm về xây dựng, phòng cháy chữa cháy (PCCC) của doanh nghiệp tư nhân Thanh Thản, gần đây cơ quan cảnh sát PCCC tiếp tục đưa 13 tòa nhà liên quan đến doanh nghiệp này chưa thực hiện được an toàn PCCC” – ĐB Nam chất vấn.

Bổ sung phần chất vấn về việc chưa khởi tố những sai phạm tại doanh nghiệp Xây dựng số 1 Điện Biên, ĐB Hoàng Huy Được (Ba Vì) cho biết câu chuyện này đã được các đại biểu “xới lên” từ 2 kỳ họp của HĐND thành phố.

Sự xới lên như thế dẫn tới dư luận trong cử tri mà chúng tôi chẳng biết trả lời thế nào. Đó là phải chăng “củi này ướt” mà không khởi tố được, không cháy được? Vì vậy dẫn tới lòng tin của cử tri về pháp chế xã hội chủ nghĩa trong việc mọi hành vi vi phạm đều phải tuân thủ pháp luật. Đề nghị giám đốc công an thành phố thông tin thêm về vấn đề này”.

Trước câu hỏi của hai ĐB, ông Đoàn Duy Khương – Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết đây là vụ việc xảy ra có nhiều tình tiết, nhiều nội dung cần tập trung nhiều lực lượng, biện pháp để xác minh điều tra làm rõ. Ngoài ra, đây là doanh nghiệp tư nhân lớn, có hơn 20.000 lao động ở trên 40 tỉnh, thành, nên điều tra, xác minh phải thận trọng, vì quá trình xử lý sẽ tác động đến khách hàng, người dân đã mua và đang ở trong các chung cư, ảnh hưởng đời sống người lao động đang làm việc.

Tôi khẳng định không có việc “củi ướt” hay “củi khô”. Cơ quan điều tra luôn thượng tôn pháp luật, chấp hành nghiêm chỉnh các trình tự thủ tục pháp luật, thận trọng, khách quan” – Giám đốc Công an TP. Hà Nội nói.

Bộ TN-MT: Ngừng quy định ghi tên thành viên gia đình trong sổ đỏ

Bo-TN-MT
Bộ TN&MT ngừng quy định ghi tên thành viên gia đình trong sổ đỏ. (Ảnh: Kim Long)

Bộ TN&MT vừa ban hành Thông tư số 53/2017/TT-BTNMT quy định ngưng hiệu lực thi hành Khoản 5 Điều 6 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9 quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành luật Đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai từ ngày 5/12 đến thời điểm có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về vấn đề này. Thông tư 53 có hiệu lực kể từ ngày 5/12.

Trước đó, những quy định của Thông tư 33 vấp phải sự phản đối của dư luận và các chuyên gia khi đa phần cho rằng chính sách mang tính vá lỗ hổng này có thể còn tạo thêm nhiều thủ tục và rào cản khác về vấn đề sở hữu vốn là hạn chế lớn nhất của thị trường bất động sản.

Trả hồ sơ, điều tra bổ sung vụ cựu PGĐ Sở TN&MT tham ô hàng chục tỷ đồng

phan minh nguyet cuu pho giam doc so nnptnt ha noi
Ông Phan Minh Nguyệt – cựu Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội.

Ngày 6/12, TAND Hà Nội đưa ông Phan Minh Nguyệt(55 tuổi, quê Quảng Bình) – cựu Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội và 5 đồng phạm ra xét xử tội “Tham ô tài sản, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”và “Cố ý làm trái các quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo HĐXX, căn cứ kết quả xét hỏi tại phiên tòa, do xuất hiện một số tình tiết mới nên tòa quyết định trả hồ sơ vụ án hình sự đối với bị cáo Phan Minh Nguyệt. Tòa yêu cầu cơ quan điều tra điều tra bổ sung, đánh giá làm rõ một số hành vi của các bị cáo; kết luận điều tra và cáo trạng còn thiếu lời khai của nhiều người có liên quan.

Bé gái 23 ngày tuổi bị sát hại: Tử vong do bị ngạt

nghi pham pham thi xuan vu sat hai be gai hon 20 ngay tuoi 2
Bà Phạm Thị Xuân tại cơ quan công an. (Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa)

Chiều ngày 6/12, Công an tỉnh Thanh Hóa có thông tin bước đầu về nguyên nhân bà Phạm Thị Xuân (SN 1952, ngụ huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) nghi sát hại cháu nội 23 ngày tuổi là con gái của anh Lê Hữu Thuận và chị Phạm Thị Thanh Huyền (ngụ khu phố 1, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn).

Theo cơ quan điều tra, nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu bé là: “ngạt cơ học do cản trở đường hô hấp trên”.

Cũng trong 6/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với bà Phạm Thị Xuân(quê xã Vũ Lăng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) về tội giết người theo Điều 93 Bộ Luật Hình sự.

Bên cạnh đó, các sự kiên: Bắt nguyên Tổng giám đốc Công ty xổ số Đồng NaiĐắk Nông chi sai tiền tỷ là do… chưa đọc kỹ văn bảnBOT Cần Thơ – Phụng Hiệp đề xuất giảm giá 7-15% tất cả các loại vé; Sở NN Quảng Trị đề nghị công bố tình trạng khẩn cấp nguy cơ vỡ đập Triệu Thượng 2Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông tiếp tục lùi tiến độ 11 tháng; Hà Nội sắp xây dựng thành phố thông minh hơn 4 tỷ USD; Thanh tra toàn diện bán đảo Sơn Tràvà khu đô thị quốc tế Đa Phước,… tiếp tục là những vấn đề thời sự đáng chú ý diễn ra trong tuần qua.

Minh Hợp

Xem thêm: