3 lý do vì sao bạn lôi cuốn hơn mình nghĩ
- Thu Anh
- •
Có khi nào bạn thấy thiếu tự tin về ngoại hình hay bất cứ điểm nào khác trên cơ thể mình… và tự cho phép mình đánh giá thấp sự lôi cuốn của bản thân?
Thực tế là trong con mắt những người yêu thương chúng ta, chúng ta lại hoàn hảo hơn mình nghĩ. Họ thực sự không cố gắng để khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn trong khi bản thân còn nhiều thiếu sót; mà thực ra là bởi chúng ta đã tự đánh giá thấp mức độ lôi cuốn của bản thân.
Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận ra một điểm mâu thuẫn về phương diện tâm lý này: mặc dù trong một số hoàn cảnh chúng ta có thể lý tưởng hóa bản thân mình, thậm chí tự mãn, và ‘ảo tưởng’ rằng bản thân mình cuốn hút hơn so với thực tế (theo nghiên cứu của Epley và Whitchurch, 2008), nhưng chúng ta lại thường đánh giá thấp độ hấp dẫn của bản thân.
Dưới đây là 3 lý do vì sao bạn lôi cuốn hơn mình nghĩ:
1. Vóc dáng và ngoại hình
Phái đẹp thường hay chú trọng đến ngoại hình, bởi vậy, họ thường có xu hướng dùng dáng vóc, diện mạo làm thước đo sự hấp dẫn của một người. Dường như đây đã trở thành tiêu chí chung của phụ nữ trên khắp thế giới.
Năm 2010, Swami và cộng sự đã thu thập dữ liệu nghiên cứu phụ nữ ở 26 nước phân bố tại 10 khu vực địa lý khác nhau để tìm ra câu trả lời về vóc dáng và ngoại hình lý tưởng nhất trong mắt của phái đẹp. Nhìn chung, bất kể nền văn hóa nào, phụ nữ thường cho rằng người có vóc dáng nhỏ sẽ lôi cuốn hơn, trong khi thực tế đàn ông không hẳn có suy nghĩ vậy.
Theo nghiên cứu của Cohen và Tannenbaum năm 2010, những người đồng tính nữ (lesbian) và những người lưỡng tính (bisexual) cho rằng phụ nữ mập mạp sẽ hấp dẫn hơn so với người có thân hình mảnh khảnh. Điều thú vị là phụ nữ và những người đồng tính nữ hoặc lưỡng tính đều cho rằng đàn ông thích phụ nữ có vòng một to hơn (nghiên cứu của Furnham năm 2006 và nghiên cứu của Cohen và Tannenbaum năm 2001), nhưng thực tế không nhiều đàn ông nghĩ như vậy.
Điều này nói lên rằng phụ nữ đồng tính, lưỡng tính hay dị tính có xu hướng đánh giá bản thân khắt khe hơn.
Theo nghiên cứu của Kurzban và Weeden năm 2005, mặc dù vóc dáng và ngoại hình của người đàn ông không quá quan trọng như đối với phụ nữ, nhưng tỷ lệ vòng eo và ngực lại có ảnh hưởng lớn tới mức độ hấp dẫn của họ. Bởi lẽ, phụ nữ có xu hướng bị hấp dẫn bởi đàn ông với thân hình chữ V và điều này cũng không giống nhau ở các nước. Ví dụ, khác với phụ nữ Anh, phụ nữ Hy Lạp đánh giá đàn ông với thân hình chữ V mạnh mẽ hơn.
2. Các yếu tố khác ngoài hình thể
Chúng ta cũng có xu hướng khắt khe hơn, hay chính là đánh giá thấp sự lôi cuốn của vóc dáng và ngoại hình của bản thân so với người khác giới.
Theo nghiên cứu của Swami năm 2012 và Fugere năm 2015, nửa kia hoặc những người thân quen có xu hướng đánh giá cao mức độ lôi cuốn của chúng ta hơn so với những người lạ, bởi lẽ họ hiểu rõ về con người chúng ta, tôn trọng chúng ta, nên họ thấy chúng ta hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, nửa kia cũng đánh giá cao sự hấp dẫn của chúng ta hơn chính bản thân chúng ta tự đánh giá mình. (Kniffin và Wilson năm 2004).
Một lý do khác là nửa kia thấy chúng ta hấp dẫn hơn bởi vì anh ấy/cô ấy không đánh giá sự lôi cuốn của chúng ta chỉ bằng vẻ đẹp hình thể hay khuôn mặt. Ví dụ, dù là đàn ông hay phụ nữ, thì đức tính vị tha, tốt bụng sẽ khiến họ trở nên vô cùng cuốn hút và ấn tượng (Moore năm 2013), hay sự sáng tạo ở đàn ông cũng thường khiến họ trở nên ấn tượng và cuốn hút hơn trong mắt phụ nữ (Haselton và Miller năm 2006).
3. “So bì là bức tử niềm vui”
“So bì là bức tử niềm vui”, một câu nói nổi tiếng của Mark Twain, và quả thực, chúng ta có thể đánh giá thấp bản thân khi đem so sánh mình với những người khác. Nghiên cứu chỉ ra rằng khi chúng ta xem ảnh của những người xinh đẹp, chúng ta không chỉ thấy bản thân mình không đẹp lắm mà còn có thể thấy lòng tự trọng của mình cũng bị tổn thương (Cash 1983; Little và Mannion 2006).
Việc so sánh này cũng có hai mặt. Một là, có thể chúng ta tự cảm giác bản thân kém hấp dẫn hơn khi đem so sánh hay đối chiếu với người khác (Little và Mannion 2006). Nhưng mặt khác, có thể có hiệu ứng ngược lại: những người phụ nữ không nổi bật trong ảnh có thể sẽ nhận ra và chỉnh trang bản thân hơn để có ngoại hình ưa nhìn hơn.
So sánh bản thân mình với những người khác trên mạng xã hội hay các phương tiện truyền thông cũng khiến chúng ta cảm thấy hoài nghi về độ hấp dẫn của bản thân.
Việc chúng ta nhận ra những cách mà chúng ta thường tự đánh giá thấp mức độ lôi cuốn của bản thân là rất trọng yếu. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng mặc dù chúng ta có xu hướng đánh giá cao bản thân ở một số hoàn cảnh nhất định, tuy nhiên khi cảm thấy không tự tin về bản thân, chúng ta lại không nhận thấy rằng những người khác cũng có yếu điểm tương tự như thế (Kruger, 1999).
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta thể hiện cho bản thân thấy sự hiểu biết và lòng tốt của chính mình như khi chúng ta thể hiện nó ra với những người mà chúng ta thương yêu? Hãy nhớ rằng chúng ta luôn hoàn hảo và tuyệt vời theo cách riêng mà chúng ta đang có.
Theo Psychology Today
Thu Anh
Xem thêm:
Từ khóa Giá trị bản thân Ngoại hình tự tin nhìn lại bản thân