Phụ huynh của hàng ngàn học sinh đã được yêu cầu không cấp điện thoại thông minh cho con em mình cho đến khi các em ít nhất được 14 tuổi, trước mối lo ngại rằng một số em đang sử dụng thiết bị này tám tiếng mỗi ngày. Nhiều trường học hiện đã cấm điện thoại thông minh trong khuôn viên ở trường, nhưng một địa phương tại Vương quốc Anh cho rằng mình là nơi đầu tiên áp dụng chính sách toàn quận, khuyến cáo phụ huynh không cho con cái sử dụng điện thoại thông minh cả ở nhà.

pokemon 1553995 1280 image

Việc sử dụng điện thoại di động hiện đã bị cấm tại các trường học ở Monmouthshire, miền nam xứ Wales, nhưng trước số lượng báo cáo về nạn bắt nạt trên mạng ngày càng gia tăng và lo ngại việc sử dụng điện thoại tại nhà ảnh hưởng đến học tập, các trường học đã tiến thêm một bước nữa.

“Chúng tôi đã nhận được báo cáo về việc học sinh online lúc 2 giờ, 3 giờ, thậm chí 4 giờ sáng,” ông Hugo Hutchinson, hiệu trưởng trường trung học Monmouth, cho hay.

“Chúng tôi nhận được rất nhiều báo cáo về các vấn đề liên quan đến sức khỏe, cũng như các trường học khác, [mà nguyên nhân là] do hoạt động trên mạng xã hội trực tuyến vào cuối tuần hoặc trong lúc lẽ ra các em phải đang ngủ.”

Ông Hutchinson nói rằng các trường học đã xây dựng những quy định “mạnh” về việc sử dụng điện thoại, nhưng rốt cuộc cũng phải thừa nhận rằng phần lớn thời gian của trẻ là ở ngoài trường học, nơi các em vẫn có thể sử dụng điện thoại thông minh một cách không kiểm soát.

Dù giáo viên tại Monmouthshire thừa nhận họ không thể buộc phụ huynh không cấp điện thoại thông minh cho con em dưới 14 tuổi, các trường đã có một “bước tiến táo bạo” khi đưa ra khuyến nghị rõ ràng về việc cha mẹ nên làm gì trong chính tư gia của mình.

Một số địa phương khác tại Vương quốc Anh, như St Albans, Belfast và Solihull (miền Tây Midlands), cũng đã từng khuyến cáo phụ huynh không nên mua điện thoại thông minh cho trẻ dưới 14 tuổi.

“Tôi lo con trai mình sẽ cảm thấy bị gạt ra ngoài”

Tuy nhiên, Monmouthshire cho rằng mình là quận đầu tiên ở Vương quốc Anh mà tất cả giáo chức tiểu học và trung học, thuộc cả trường công lẫn tư, đều đồng lòng khuyến cáo không nên cấp điện thoại thông minh cho hơn 9.000 học sinh dưới 14 tuổi.

Một trong những phụ huynh nhận được lời khuyên không nên cấp điện thoại thông minh cho con là cô Emma, người cho biết mình từng cảm thấy “như là người mẹ tồi tệ nhất thế gian” sau khi liên tục nói với cậu con trai 12 tuổi Monty rằng cậu bé không được phép sử dụng điện thoại.

“Thằng bé cảm thấy bị bỏ rơi,” cô nói.

“Cháu ngồi trên xe buýt đưa đón đến trường mà không có điện thoại, trong khi tất cả các bạn đều đang dán mắt vào điện thoại. Thằng bé thấy điều đó khá khó khăn. Tôi nghĩ đối với bé trai, việc chơi điện thoại chủ yếu là để chơi game,” cô Emma chia sẻ thêm.

Bà mẹ ba con này lo ngại về những gì con mình có thể tiếp xúc trên mạng và mức độ “gây nghiện” của các thiết bị, nên đã tặng Monty một chiếc “điện thoại cục gạch”, thuật ngữ để chỉ những dòng điện thoại đời cũ, chỉ có chức năng gọi và nhắn tin, không kết nối internet.

Vì ý nghĩ phải cấp điện thoại thông minh cho Monty khi bước vào trung học từng là một trong những “nỗi sợ hãi lớn nhất” của cô, nên cô Emma và nhiều phụ huynh khác cho biết họ cảm thấy nhẹ nhõm khi các trường học đang chủ động hơn.

Các trường học hy vọng sự can thiệp của giáo viên sẽ hỗ trợ cho những phụ huynh đang lo lắng rằng nếu từ chối không cấp điện thoại thông minh, đồng nghĩa với việc con em họ sẽ bị “bỏ rơi”.

Tuy nhiên, một số người khác lại lại cho rằng con mình sử dụng điện thoại mà không gặp bất kỳ vấn đề gì.

Ông Nicholas Dorkings cho biết cậu con trai sắp lên cấp hai vào tháng 9 của ông đã được cấp điện thoại thông minh từ năm lên tám.

“Cháu lúc nào cũng sử dụng điện thoại,” ông Dorkings nói.

“Nó [điện thoại thông minh] giống như một [phương tiện] giúp con bình tĩnh lại, hay [một thứ gì đó để dùng] khi buồn chán. Cháu không dùng điện thoại quá nhiều, vì cháu nó giống một đứa trẻ thích xem tivi hơn. Cháu nó không rút điện thoại ra khỏi túi cứ năm phút một lần, nó có thể để điện thoại xuống [mà không bận tâm],” ông Dorkings chia sẻ.

Ông Nicholas thừa nhận hiểu lý do vì sao các trường học lại muốn can dự, nhưng cho rằng điện thoại thông minh nay đã trở thành phương tiện giao tiếp thiết yếu trong đời sống của giới trẻ.

Lớp tiểu học của cô bé Lili, 11 tuổi, là một trong những lớp đầu tiên được nhà trường gửi thư về chính sách mới, đề nghị phụ huynh cân nhắc lựa chọn “điện thoại cục gạch” nếu họ cảm thấy cần cho con em sử dụng khi di chuyển đến trường.

“Hầu hết trẻ em quanh đây đều có điện thoại thông minh”

Bé Lili cho biết bé cảm thấy độ tuổi “14 đến 15” là thích hợp nhất để một đứa trẻ bắt đầu sử dụng điện thoại thông minh, vì đến lúc đó các em có thể [đủ nhận thức hơn] để nhận biết liệu những gì chúng đọc được trên mạng có “là không đúng sự thật” hay không.

“Chúng em phát hiện rằng cứ bốn học sinh thì có một em từng bị bắt nạt trên mạng trong trường – điều đó thật kỳ lạ,” cô bé lớp sáu chia sẻ.

“Điều đó là không đúng, lẽ ra không nên có chuyện mọi người bị bắt nạt trên mạng, vì tụi em còn quá nhỏ,” bé Lili nói thêm.

Bạn cùng lớp của Lili, cô bé Morgan, cho biết em đã từng có điện thoại thông minh nhưng đã quyết định không dùng nữa sau khi được tìm hiểu thêm [về tác hại] của chúng trong trường.

“Hầu như trẻ nào quanh đây cũng đều có điện thoại thông minh,” bé Morgan, 11 tuổi, nói.

“Các bạn lúc nào cũng dán mắt vào điện thoại. Khi đến chơi nhà một số bạn bè, [thay vì vui chơi], các bạn chỉ chăm chú vào màn hình điện thoại và nhắn tin. Trước đây em từng dùng điện thoại để lướt web, nhưng rồi cũng thấy chán – mà khi không dùng điện thoại em cũng chán. Cuối cùng em quyết định ngưng lướt web để đọc sách hoặc chơi nhún nhảy trên tấm bạt lò xo,” cô bé 11 tuổi cho hay.

Điện thoại có đang bị cấm tại các trường học ở Vương quốc Anh không?

Tại Bắc Ireland, các trường học được khuyến cáo hạn chế học sinh sử dụng điện thoại; tại Scotland, giáo viên được ủng hộ ban hành lệnh cấm điện thoại; trong khi tại xứ Wales, hiệu trưởng được khuyên rằng không nên cấm điện thoại thông minh “hoàn toàn”.

Tại Anh, Ủy viên phụ trách thiếu nhi cho rằng việc cấm điện thoại nên là quyết định của hiệu trưởng, nhưng nhấn mạnh rằng phụ huynh mới là người “có thực quyền” để định hình cách con em họ sử dụng điện thoại khi dành nhiều thời gian hơn cho chúng ngoài giờ học.

Vì vậy, giờ đây, mọi phụ huynh của toàn bộ hệ thống trường công và tư tại Monmouthshire sẽ lần lượt nhận được thông báo chính thức về chính sách mới cấm điện thoại thông minh của quận trong vài tháng tới.

“Mọi người đã nghiện điện thoại thông minh”

“Đây không phải chỉ là vấn đề của nhà trường. Đây là vấn đề của toàn cộng đồng và xã hội,” ông Hutchinson – hiệu trưởng trường trung học Monmouth với 1.700 học sinh – nhấn mạnh.

“Cũng như các trường học khác, chúng tôi đang chứng kiến các vấn đề sức khỏe tâm thần gia tăng mạnh. Nghiện điện thoại thông minh, nghiện mạng,” ông Hutchinson nhận định.

“Chúng tôi có những học sinh trung bình sử dụng điện thoại từ sáu đến tám giờ trực tuyến mỗi ngày ngoài giờ học. Chúng tôi đã nhận được báo cáo về những học sinh online lúc 2 giờ, 3 giờ, 4 giờ sáng. Nên tác động đến ngày học, lên việc học, lên khả năng tiếp thu và thậm chí là tương lai của các em một cách thực sự sâu sắc,” ông Hutchinson nói thêm.

Để thể hiện tinh thần đồng hành cùng con trai Monty và khuyến khích hai cô con gái nhỏ, vợ chồng cô Emma anh Kev đã quyết định từ bỏ điện thoại thông minh trong [một ngày mỗi tuần].

“Chúng tôi trải qua 24 tiếng không dùng điện thoại – điều này thật ra khá khó khăn. Đôi khi chúng tôi cũng [sơ suất]. Nhưng lần đầu tiên làm vậy, tuy có hơi lo lắng, tôi lại cảm thấy như vừa có một khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi. Bọn trẻ cũng rất thích điều đó vì tất nhiên chúng [đóng vai trò nhắc nhở] chúng tôi bỏ điện thoại xuống,” cô Emma chia sẻ.

Thiên Vân (theo BBC)