Bí quyết trang điểm: 5 bước ‘touch-up’ tối ưu cho giới văn phòng
- Minh Nguyên
- •
Bạn từng phân vân không biết mang theo những món đồ trang điểm nào đến sở làm? Hoặc từng không biết xử lý thế nào khi cần ‘re-apply’ kem chống nắng nhưng vẫn đang có lớp trang điểm trên mặt?… Nếu đây đều là những vướng mắc chưa được giải khai thì bạn có thể thử nghiệm 5 bước ‘tân trang’ đơn giản sau đây.
Làm việc trong môi trường máy lạnh sẽ khiến da khô đi nhanh chóng. Bên cạnh đó, da cũng biểu hiện sự tương tác của nó đối với các thành phần làm đẹp mà bạn thoa lên nó trước đó. Vì vậy, lớp trang điểm cũng không còn được như lúc đầu. Đây là lúc bạn cần ‘touch-up’.
Cần thiết nhất là bạn phải hiểu về làn da của mình. Chẳng hạn, phải biết đích xác mình thuộc loại da nào (dầu, khô, thường, hỗn hợp, mụn, kích ứng, nhạy cảm,…) đồng thời phải hiểu rõ phản ứng của nó thông thường như thế nào. Cũng cần biết khoảng thời gian sau bao lâu thì lớp điểm trang không còn đẹp nữa… Hiển nhiên, với mỗi biểu hiện bề mặt da khác nhau sẽ cần có hướng xử lý khác nhau. Tuy nhiên, thông thường sẽ có 5 phần chính yếu như sau:
1. Làm sạch bề mặt
Biểu hiện thông thường dễ thấy nhất là sau một khoảng thời gian cả mặt bị bóng lên do lớp dầu dưới da tiết ra. Cũng có người chỉ bị bóng ở phần chính giữa mặt hoặc vùng chữ T… Trong trường hợp này, đầu tiên cần lấy sạch lớp dầu dư này đi. Có thể dùng khăn giấy hoặc giấy thấm dầu chuyên dụng (blotting paper). Với khăn giấy, hãy dùng tay vò thật nát rồi chậm nhẹ nhàng lên bề mặt da theo thứ tự từ giữa mặt ra ngoài và đừng bỏ sót vùng cánh mũi. Việc vò nát sẽ giúp lớp khăn giấy mềm ra do đó dễ dàng đi vào các góc nhỏ của gương mặt và thấm hút tốt hơn.
Thao tác đúng là chặm chứ không nên kéo hay miết. Vì sao? Vì lớp trang điểm lúc này đang khá lỏng lẻo do dầu dư tiết ra đã phá vỡ phần nào kết cấu ban đầu. Do đó, phải tránh những thao tác khiến lớp nền này lung lay hơn nữa.
Nếu da không bị đổ dầu, thay vào đó, thấy xuất hiện những nếp nứt quanh vùng mắt hoặc vùng khoé cười,… thông thường đây là biểu hiện của da khô. Khi này, bạn cần làm liền những đường đứt gãy đó. Hãy dùng một cây cọ nhỏ.
Mục đích của chúng ta khi này là xóa nhòa sự đứt gãy của các vết nứt này. Do đó, thao tác là di cọ nhẹ nhàng qua lại tại các đường nứt này. Tốt nhất là dùng cọ được làm từ sợi tổng hợp hoặc nếu dùng mút thì tốt nhất là miếng mút không hoàn toàn khô mà nên dùng ở trạng thái được làm ướt và vắt ráo bề mặt.
2. Cung cấp nước lại cho da
Sau khi xử lý bề mặt, lúc này đã thích hợp để tưới tẩm lại cho da. Để không làm hư hao đến lớp trang điểm mà vẫn có thể cung cấp độ ẩm hiệu quả cho da, hãy sử dụng những chai xịt khoáng hoặc tonner. Một số thương hiệu uy tín có những sản phẩm xịt khoáng dạng du lịch, rất tiện lợi để mang theo khi đi ra ngoài.
Với những sản phẩm dạng xịt, cách thực hiện đúng là để xa cách mặt khoảng 2 gang tay rồi xịt một lớp thật đều và mỏng lên mặt. Vì sao? Bởi vì nếu để gần hơn thì lực tạo ra sẽ quá mạnh và sẽ có thể phá vỡ lớp trang điểm hiện tại. Hơn nữa, khi đó tia nước không phun ra dưới dạng hạt sương li ti, mà rất có thể đọng lại thành giọt và làm ướt mèm lớp phấn son. Đây là điều cần tránh khi ‘touch-up’.
Trong trường hợp bạn thích dùng tonner hơn, hãy đổ chúng ra lòng bàn tay vừa đủ, rồi đặt lòng bàn tay áp nhẹ nhàng lên da mặt từ trong ra ngoài. Bạn cũng có thể vỗ nhè nhẹ sau đó để giúp lớp tonner này ăn chặt vào da hơn.
3. Thêm và bớt
Trong lúc đợi cho da mềm trở lại do đã được cấp nước, bạn hãy soi gương và xem xem cần ‘tân trang’ lại những chỗ nào trên gương mặt. Thông thường có một số khả năng xảy ra như sau.
Nếu lớp nền bị bong tróc, bạn cần dùng một loại che khuyết điểm có chứa nhiều chất dưỡng ẩm để trám vào những chỗ bị nhăn da (thường ở quanh mắt, khoé miệng hoặc cánh mũi,…) hoặc những chỗ bị bong tróc.
Nếu lớp nền đã bị xỉn màu, bạn có thể dặm một ít foundation thật mỏng trở lại, chủ yếu là khu vực giữa gương mặt. Foundation này có thể là sản phẩm kem nền ban đầu bạn dùng, hoặc là foundation dạng nén (compact foundation). Nhưng nhớ là hãy thật tiết chế khi dùng để không làm cho lớp nền bị dày lên.
Với những vùng mụn bị tấy đỏ, hãy dùng một loại che khuyết điểm có kết cấu chắc để đặt lên, như vậy, nó sẽ dễ dàng kết nối với lớp nền.
4. Tô màu
Phần tiếp theo tạm gọi là ‘tô màu’ vì màu sắc sẽ giúp gương mặt lấy lại sự tươi tắn tức thì. Vì vậy, đừng ngần ngại thoa một ít má hồng và son môi trở lại. Khi lớp nền đang còn khá mềm và được dặm lại bởi foundation/che khuyết điểm thì bạn hoàn toàn có thể dùng má hồng kem lúc này. Lý tưởng nhất là chọn má hồng kem và son trong cùng một sản phẩm để tiện lợi cho việc ‘touch-up’. Không giới hạn ở đây, bạn có thể tô lại màu cho chân mày hay mắt nếu cần thiết.
5. Cố định mọi thứ và tái chống nắng
Cuối cùng là phần cố định lại lớp nền vừa được tân trang xong. Có lẽ, bạn đang nghĩ đến một loại phấn phủ thông thường bạn vẫn quen dùng. Hãy thử làm cách mới nhé.
Thị trường hiện này đã có những sản phẩm phấn phủ vừa có khoáng vừa có chống nắng spf. Thương hiệu Peter Thomas Roths là một trường hợp điển hình với sản phẩm phấn phủ thông minh có độ chống nắng lên đến spf 45 dành cho da thường và spf 30 dành cho da dầu.
Chỉ với một bước làm này, bạn đã đạt được 2 mục tiêu: một là phủ phấn để ‘khoá’ những chỗ vừa được ‘touch-up’ bằng che khuyết điểm hay foundation; hai là cung cấp lại khả năng chống nắng cho da mà không ảnh hưởng đến lớp điểm trang. Trong trường hợp bạn phải ra bên ngoài (đi họp, gặp gỡ khách hàng, đi ăn trưa,…) để tăng thêm khả năng chống nắng cho da, hãy phủ một lớp mỏng lên toàn mặt trước khi tiếp xúc với ánh nắng nhé.
Minh Nguyên
Xem thêm:
Từ khóa trang điểm công sở Bí quyết trang điểm dân văn phòng