Cách người Trung Quốc cổ đại kiểm soát sâu bệnh
- Ngọc Chi
- •
Tất cả mọi người đều biết rằng thuốc trừ sâu rất độc hại, nhưng chúng ta cần phải ăn và không phải ai cũng dư dả để mua được thực phẩm sạch đắt đỏ. Thuốc trừ sâu làm tăng năng suất cây trồng và hiện được coi là thứ cần thiết để duy trì nguồn cấp lương thực cho con người. Vậy phải làm sao đây?
Hiện nay các nhà khoa học đang tìm kiếm các chất sinh học thay thế cho thuốc trừ sâu. Nhưng 1.700 năm trước, nông dân Trung Quốc thời xưa đã sử dụng một thứ hữu cơ, không hóa chất, không ô nhiễm, và có thể tự động tái chế để kiểm soát sâu bệnh gây hại – đó chính là KIẾN! (Trớ trêu thay, ngày nay Trung Quốc lại sử dụng thuốc trừ sâu hóa học nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào).
Để bảo vệ cây trồng, nông dân Trung Quốc cổ đại đã chuyển các đàn kiến vàng (tên khoa học là Oecophylla smaragdina) từ tự nhiên sang vườn cây của họ. Việc này được ghi lại lần đầu tiên trong một cuốn sách giáo khoa về thực vật học “Plants of the Southern Regions” (tạm dịch: Các loại thực vật miền Nam) do tác giả Ji Han viết vào khoảng năm 304 sau Công nguyên. Ông gọi chúng là kiến cam. Thậm chí sau này còn xuất hiện những người trung gian thu mua tổ kiến trong rừng và bán lại cho nông dân.
Kiến vàng là loài động vật đáng ngạc nhiên! Chúng sống trên cây và tự làm tổ bằng lá cây. Mỗi cây có thể có đến một trăm tổ, mỗi tổ chứa hàng nghìn con kiến.
Để làm tổ mới, kiến thợ tìm kiếm những chiếc lá phù hợp. Sau khi chọn được, một kiến thợ sẽ đứng trên mép của chiếc lá, nhấc người lên, dùng hàm cắn vào một chiếc lá liền kề và kéo nó xuống để gặp chiếc lá đầu tiên. Các kiến thợ khác cũng cùng tham gia, xếp thành một hàng kiến để kéo những chiếc lá lại với nhau. Nếu khoảng cách giữa những chiếc lá quá lớn so với tầm với của một con kiến thì con kiến này sẽ trèo lên lưng con kiến khác để có thể vươn xa hơn. Nếu cần thiết, một cái thang kiến sẽ hình thành để kéo dài khoảng trống bằng cách con này dùng hàm cắn vào lưng của con kia.
Khi các mép lá được nối lại với nhau, những con kiến khác sẽ nhẹ nhàng mang ấu trùng từ tổ cũ sang. Ấu trùng kiến vàng, giống như con tằm, có thể tạo ra tơ từ tuyến nước bọt của chúng. Một sợi tơ dính, chắc được tạo ra từ chiếc vòi trên đầu ấu trùng. Ấu trùng được mang dọc theo các mép lá để các tơ dán chúng lại với nhau, giống như sử dụng súng bắn keo. Do đó kiến vàng còn có tên là ‘kiến thợ dệt’.
Khi đã ở trong ‘ngôi nhà’ mới an toàn, cộng đồng kiến mới bắt đầu sinh sôi nảy nở. Kiến chúa đẻ trứng, chúng phát triển thành ấu trùng rồi nhộng. Từ nhộng xuất hiện kiến thợ. Những con kiến thợ lớn hơn rời tổ để kiếm ăn. Kiến kiếm ăn là những kẻ săn mồi rất hung dữ và tính lãnh địa rất cao: chúng tấn công và giết các côn trùng khác, mang xác về tổ làm thức ăn. Làm như vậy, kiến vàng sẽ dọn sạch khu vực xung quanh cây ký chủ của các loài côn trùng khác, những loài có thể gây hại cho cây. Những con kiến nhỏ hơn có xu hướng ở gần nhà để chăm sóc ấu trùng và thu thập mật do bọ gần đó tiết ra.
Những người Trung Quốc xưa hẳn đã nhận thấy rằng những đàn kiến vàng có lợi cho cây chủ. Khi trồng các loại cây họ cam quýt và xoài, họ đã đưa những tổ kiến vàng vào vườn cây ăn quả của mình. Phương pháp này đã lan sang các nước khác ở Đông Nam Á, nơi nó vẫn đang được sử dụng cho đến ngày nay.
Các quan sát khoa học hiện đại đã xác nhận rằng cây có kiến vàng cho quả nhiều hơn, chất lượng hơn và ít bị sâu bệnh phá hoại lá hơn.
Tất nhiên, cái gì cũng có mặt trái! Kiến vàng lấy một phần dinh dưỡng từ lớp mật do bọ tiết ra, chúng ăn nhựa ngon ngọt của cây chủ. Tuy nhiên, về tổng thể, sự hiện diện của các đàn kiến vàng có lợi cho cây ăn quả.
Nhưng đó không phải là tất cả!
Kiến vàng, đặc biệt là ấu trùng có rất nhiều protein và axit béo được con người sử dụng làm thực phẩm. Thật vậy, ở nhiều nước chúng được coi là một món ăn ngon đến nỗi ấu trùng kiến vàng có giá đắt hơn cả thịt bò. Kiến được thu hoạch bằng cách tạo một lỗ hổng trên tổ và thả côn trùng rơi vào tổ. ‘Bữa ăn’ sẽ khiến kiến thợ thoát ra ngoài và để lại ấu trùng. Trứng kiến cũng thường được dùng làm gia vị.
Kiến vàng cũng được sử dụng trong Y học cổ truyền Trung Quốc để ngăn ngừa bệnh thấp khớp. Ở Ấn Độ, kiến được nhúng vào dầu bôi ngoài da để chữa bệnh thấp khớp, bệnh gút và các bệnh ngoài da khác.
Kiến vàng là một trong số ít những lựa chọn tốt thay thế cho thuốc trừ sâu hóa học đã được chứng minh. Trong số 30 triệu loài côn trùng ngoài kia, cần phải có những loài khác được phát hiện và sử dụng để thay thế thuốc trừ sâu.
Từ khóa Nông nghiệp hữu cơ Kiến vàng Kiểm soát sâu bệnh Trung Quốc cổ đại thuốc trừ sâu