Công việc kinh doanh càng suôn sẻ thì càng cần phải “cảnh giác” điều này
- Trúc Nhi
- •
Nhiều doanh nhân “lật thuyền trong rãnh nước nhỏ”, thậm chí đuối nước, lại là người từng bơi rất giỏi trong biển kinh doanh. Công việc kinh doanh càng suôn sẻ thì càng cần phải đặc biệt chú trọng cảnh giác, sẽ rất đáng tiếc nếu để “thành công cản trở thành công”.
Làm ăn suôn sẻ thuận lợi là một chuyện rất may mắn, nhưng xét ở một khía cạnh khác mà nói, nó cũng có thể đưa đến điều bất lợi, khiến cho người ta ngủ quên trên sự thành công của mình. Luôn giữ cho mình sự tỉnh táo và cẩn trọng như đang đi trên băng mỏng, không chỉ để vượt qua được lòng tham và sự bốc đồng, mà còn để cho bản thân luôn giữ vững ý chí tiến thủ. Câu chuyện chia sẻ dưới đây là một minh chứng cho sự bất lợi khi để “thành công cản trở thành công” này.
Nhiều năm về trước, ở một thị trấn phồn hoa nhỏ, có hai nhà hàng của nhà họ Triệu và nhà họ Trần.
Thị trấn nhỏ này mặc dù sầm uất nhưng cũng không lớn, hai nhà hàng cùng mở ra đương nhiên sẽ có sự cạnh tranh. Khi ấy công việc buôn bán của ông Triệu rất thuận lợi, khách hàng đến với nhà hàng của ông luôn được tiếp đãi thân thiện chu đáo, khiến cho họ cảm thấy như đây là nhà của mình vậy. Hơn nữa với đầu bếp giỏi, thức ăn làm ra rất ngon, giá cả lại phải chăng, khiến cho nhà hàng của ông Triệu cứ như thế làm ăn lên như diều gặp gió.
Bởi vì là một trấn nhỏ nên lượng khách hàng dù sao cũng có hạn, mà đa phần lại đều thích tới quán của ông Triệu. Ông Trần cũng đã nghĩ đến rất nhiều biện pháp nhưng tình hình không có tiến triển tốt đẹp, khách khứa vắng teo, công việc kinh doanh trở nên rất khó khăn. Một thời gian sau vốn kinh doanh bắt đầu hao hụt, hơn nữa còn thua lỗ nặng đến mức ông Trần lâm vào cảnh nợ nần và bắt buộc phải đóng cửa nhà hàng rồi rời khỏi thị trấn nhỏ này.
Bấy giờ chỉ còn lại nhà hàng của ông Triệu, công việc làm ăn ngày càng tốt hơn. Có giai đoạn trong thị trấn mọc ra một số nhà hàng khác, có chỗ còn lớn hơn cả của ông. Nhưng ông không hề lo lắng, ông cứ ở trong cái vòng tròn an toàn ấy, không cần phải làm bất cứ một phương án hay chiến thuật kinh doanh nào mới cả. Có thể là do khách hàng đã quen ăn ở nhà hàng của ông, cũng có thể là một nguyên nhân nào đó mà việc làm ăn cứ ngày càng tốt đẹp, các nhà hàng khác dần dần rút lui và chỉ có mình nhà hàng của ông Triệu là tiếp tục duy trì việc kinh doanh một cách rất thuận lợi. Ông trở thành một người giàu có số một trong thị trấn, cuộc sống trở nên rất thoải mái.
Nhiều năm sau, một doanh nhân nước ngoài rất thành đạt đã đến thị trấn, người này bắt tay vào việc đầu tư và thành lập doanh nghiệp tại đây. Và người dân trong thị trấn vô cùng kinh ngạc khi biết rằng doanh nhân nước ngoài đó chính là ông Trần, người đã từng phải bỏ đi khỏi thị trấn năm xưa. Hóa ra sau khi rời đi, ông Trần vẫn tiếp tục nỗ lực vật lộn và không từ bỏ ý chí vươn lên của mình, trải qua muôn vàn thất bại, cuối cùng ông cũng trở thành một doanh nhân nổi tiếng với khối tài sản khổng lồ.
Vào dịp nọ, có cơ hội ngồi lại với đối thủ cạnh tranh năm xưa, ông Triệu xúc động tâm sự: “Tôi luôn nghĩ rằng ông đã thất bại, mà thực tế đúng là khi đó ông quả thực đã bị tôi đánh bại. Không chỉ riêng ông mà rất nhiều chủ nhà hàng khác trong thị trấn đều đã bị tôi đánh bại, nhưng tại sao hiện tại ông đã là tỷ phú, còn tôi vẫn là một ông chủ nhỏ trong trấn nhỉ?”
Ông Trần nói: “Quả thực, ông rất giỏi kinh doanh, lại rất có phúc phận và may mắn, nên mỗi khi so tài với đối thủ, ông đều giành được chiến thắng. Tuy nhiên, chính thành công nhỏ này lại khiến ông mất đi sự cảnh giác và tinh thần cầu tiến. Khi mà luôn sống vô lo vô nghĩ, không có quá nhiều áp lực, thì tự nhiên sẽ không có động lực để tiếp tục làm việc chăm chỉ, chính thành công nhỏ đã ngăn cản ông đạt được thành công lớn hơn. Vậy thì ông vẫn mãi là một ông chủ nhỏ.”
Trong câu chuyện trên, ông chủ Triệu chắc chắn không phải là kẻ thất bại trong mắt những người bình thường khác, số tiền ông kiếm được hẳn là không hề nhỏ, nhưng dưới góc độ của một doanh nhân, ông chủ Triệu khó có thể được coi là một doanh nhân thành đạt. Ít nhất không phải là một ông chủ lớn thành công. Nguyên nhân là do công việc làm ăn quá thuận lợi nên không đề cao cảnh giác, không nghĩ tới thành công sẽ ngăn cản thành công lớn hơn.
Nhiều doanh nhân “lật thuyền trong rãnh nước nhỏ”, thậm chí người đuối nước lại là người bơi rất giỏi trong biển kinh doanh, nhưng bởi vì mất cảnh giác và mất đi tinh thần dám nghĩ dám làm, mà để cho thành công cản đường thành công, không thể trở thành một ông chủ giỏi thực sự.
Từ khóa Bài học kinh doanh cảnh giác thành công cản trở thành công kinh doanh suôn sẻ