Giữ gìn sự khiêm nhường và quay về với sự cao quý của bản thân
- Ngọc Chi
- •
Trong khi đánh giá hoàn cảnh xung quanh để tìm ra nguyên nhân của sự tức giận và thất vọng của bản thân theo cách thức bị động, thì hướng vào nội tâm giúp chúng ta sáng tỏ vấn đề một cách chủ động. Lối sống hiện đại ngày càng tập trung vào lợi ích và thể diện của bản thân. Sự ích kỷ này có thể là nguồn gốc dẫn đến sự thất vọng và tức giận do không đạt được điều mình muốn. Tuy nhiên, những gợi ý dưới đây sẽ giúp chúng ta quay về với sự khiêm nhường – vốn là nguồn gốc của sự cao quý.
Sâu thẳm bên trong mỗi người đều muốn trở nên tốt đẹp. Nhưng khi phát hiện những điểm không mấy hoàn hảo của bản thân, chúng ta thường có xu hướng tạo ra một hình tượng để che đậy những khuyết điểm đó. Nhiều người chọn giữ vẻ ngoài kiêu căng, ngạo mạn, thay vì giữ gìn một trái tim lương thiện, thuần khiết. Và lâu dần, họ càng ngày càng trở nên cáu kỉnh.
Đến khi nhận thấy mình đã đi lạc mục tiêu xa như thế nào, họ có thể trở nên chán nản và cảm thấy mình vô dụng – một thái cực ích kỷ khác. Trong trường hợp này, sự khiêm nhường có thể giúp ích vì nó khiến chúng ta cảm thấy mình không cao hơn, cũng không thua kém người khác.
- Mời quý vị xem video: Giữ gìn sự khiêm nhường và quay về với sự cao quý của bản thân
Khiêm nhường là gì?
Khiêm nhường hay khiêm tốn là một phẩm chất đáng quý của con người. Người khiêm nhường không tự cao tự đại, không khoe khoang về bản thân, luôn kính trên nhường dưới và tôn trọng người khác. “Khiêm nhường” có nguồn gốc từ từ ‘humus’ trong tiếng Latinh, có nghĩa là đất – luôn ở dưới thấp nhưng nâng đỡ và nuôi dưỡng vạn vật, trường tồn qua thời gian.
Khiêm nhường là đức tính quan trọng của những bậc trí giả và các lãnh tụ tinh thần, những người hiểu rằng chấp trước vào bản thân là một trở ngại lớn cho sự thăng hoa về tinh thần. Tại sao sự khiêm nhường lại quan trọng như vậy?
Sự khiêm nhường giúp một người gạt bỏ cái tôi của mình sang một bên để tham gia đầy đủ và tận hưởng tối đa cuộc sống. Nếu bạn ít quan tâm đến lợi ích của bản thân hơn một chút, bạn không chỉ trở nên dễ mến và làm việc hiệu quả hơn, mà còn rửa sạch sự cáu kỉnh khi tự cho mình là trung tâm và muốn mọi việc theo ý mình.
Khi bạn coi mình là một phần không thể thiếu của một chỉnh thể lớn hơn – chứ không phải mình là trung tâm của vũ trụ – thì tất cả các đức tính tốt đẹp trong bạn sẽ tỏa sáng.
Sự thiện lương
Tính khiêm nhường nhắc nhở chúng ta luôn nghĩ đến người khác trước. Khi lùi lại và nhìn vào bức tranh toàn cảnh, chúng ta hiểu rằng chúng ta ở đây không phải để cạnh tranh mà là để nâng đỡ lẫn nhau.
Người với tâm địa thiện lương ít chỉ trích người khác hơn, dễ tha thứ và có khả năng thấu hiểu và bao dung hơn với lỗi lầm của người khác, đồng thời sẽ tìm cách để giúp cải thiện tình hình.
Một người khiêm tốn thường hào phóng, dành thời gian để lắng nghe người khác, luôn giúp đỡ và đối xử tốt với mọi người.
Lòng biết ơn
Một người khiêm nhường sẵn sàng coi nhẹ lợi ích cá nhân và nhìn mọi thứ trong cuộc sống như một món quà. Từ ánh nắng mặt trời buổi sớm đến cốc cà phê thơm ngon được pha từ những hạt cà phê mà người nông dân trồng – không có gì là hiển nhiên cả. Họ thậm chí biết ơn cả những khó khăn vì đã giúp họ trưởng thành hơn.
Khi được khen ngợi, người khiêm tốn hiểu rằng thành công của họ bao gồm cả sự giúp đỡ và đóng góp của những người khác và tỏ ra biết ơn. Thay vì ghen tị với thành công và vận may của người khác, người khiêm tốn sẽ vui thay và chúc mừng họ một cách chân thành.
Vì không tìm lỗi nên người khiêm nhường khen ngợi người khác một cách thật lòng; đồng thời, biết chấp nhận những lời chỉ trích với lòng biết ơn thay vì bào chữa hay trở nên phòng thủ.
Tự kỷ luật
Tính khiêm nhường thúc đẩy khả năng tự kỷ luật – một đặc điểm thường thấy ở những người thành công. Nghiên cứu cho thấy đức tính khiêm tốn giúp một người chống lại những cám dỗ tốt hơn và tăng cường sự kiên trì khi gặp khó khăn.
Đối với một người lấy việc giúp đỡ người khác làm niềm vui thì hạnh phúc không phụ thuộc vào việc thỏa mãn các ham muốn của bản thân. Sự khiêm nhường tháo gỡ những xiềng xích của việc theo đuổi sự thoải mái và lợi ích cho bản thân. Nó giúp chúng ta phân biệt chính xác giữa ‘nhu cầu’ và ‘ham muốn’, đồng thời đánh giá hành động của chúng ta sẽ ảnh hưởng đến người khác như thế nào.
Một người khiêm tốn ít có nhu cầu, hiếm khi nuông chiều bản thân và không đi đến cực đoan. Thay vì cố gắng kiểm soát người khác, họ kiểm soát chính mình.
Sự nhẫn nại
Khiêm nhường giúp chúng ta sẵn sàng đón nhận những việc xảy ra trong cuộc sống, hiểu rằng đôi khi con người không thể tránh khỏi số phận dù đã cố gắng thế nào. Một người khiêm nhường kiên nhẫn vượt qua những khó khăn chông gai, chấp nhận điều tốt và điều xấu như một phần của cuộc sống.
Người khiêm nhường hiểu rằng sự tức giận và hận thù không giúp ích gì, thay vào đó, họ bình tĩnh và tự chủ, kiên định và mạnh mẽ.
Chân thật
Một trong những điều khó nhất đối với người kiêu ngạo và hiếu thắng là thừa nhận sai lầm. Sự khiêm tốn giúp chúng ta tự tin để thừa nhận sai lầm của mình, học hỏi từ chúng và sẵn sàng xin lỗi mà không do dự, bởi vì chúng ta không cố gắng duy trì hình tượng hoàn hảo.
Những người khiêm tốn khi được biểu dương sẽ biết rằng thành công không chỉ dựa vào một mình họ.
Quan trọng nhất, một người khiêm tốn luôn sống thật với chính mình. Họ nhận ra điểm mạnh và điểm yếu của mình, không giả vờ là một người nào đó mà mình không phải, và chăm chỉ nhìn vào lỗi lầm của mình để sửa chữa chúng.
Lão tử giảng rằng: “Khiêm nhường là cái gốc của sự cao quý”. Người khôn ngoan giữ lấy đạo làm phép tắc cho thiên hạ. Không tự biểu hiện cho nên mới sáng tỏ, không tự cho là phải nên mới chói lọi, không tự kể công nên mới là có công, không tự phụ cho nên mới hơn người. Vì không tranh với ai nên không ai tranh với mình được.
Trí tuệ
Sự khiêm tốn nuôi dưỡng cảm giác muốn khám phá mọi thứ xung quanh giống như một đứa trẻ – bởi vì chúng ta hiểu rằng những gì mình biết chỉ giống như một giọt nước trong đại dương bao la. Vì vậy mọi thứ xung quanh chúng ta đều trở nên hấp dẫn và mọi trải nghiệm đều trở thành một cơ hội học hỏi thú vị.
Người khiêm tốn không tỏ ra “biết tuốt” mà sẵn sàng đặt câu hỏi dù có thể khiến họ trông ngớ ngẩn. Bởi vì họ không che đậy sự “thiếu hiểu biết” của mình.
Chúng ta hiểu về thế giới này bao nhiêu? Cho dù người này biết nhiều hơn người kia hay là chuyên gia trong lĩnh vực nào thì đó cũng chỉ là một giọt nước trong đại dương. Trí tuệ không phụ thuộc vào việc chúng ta biết nhiều bao nhiêu, mà phụ thuộc vào việc chúng ta sử dụng các giá trị quan đúng đắn để giải thích mọi thứ. Luôn suy xét cẩn thận mọi thứ và cân nhắc cho người khác mới là sự khôn ngoan thực sự.
Nuôi dưỡng sự khiêm nhường
Đối với một số người có trí tuệ thì sự khiêm tốn đã thành tự nhiên rồi; nhưng đối với đa số thì việc kiểm soát ‘cái tôi’ là một thử thách lâu dài và khó khăn. Một số gợi ý dưới đây có thể giúp bạn trau dồi sự khiêm nhường nếu bạn mong muốn làm vậy.
Quan sát tự nhiên
Thiên nhiên có khả năng đem lại cho chúng ta một góc nhìn khác rộng lớn hơn về mọi thứ. Từ đại dương bao la, mạnh mẽ đến sự mềm mại, tinh tế của một chiếc lông vũ, thiên nhiên giúp chúng ta thoát khỏi ‘cái tôi’ của bản thân. Bạn sẽ thấy kinh ngạc và nể phục trước một trí tuệ phi thường đã sáng tạo ra mọi thứ trong tự nhiên. Hãy tận dụng mọi cơ hội để quan sát sự hài hòa và hoàn hảo trong tự nhiên để thấy rằng mình cũng chỉ là một phần nhỏ bé trong đó.
Luôn nhìn vào ưu điểm của người khác
Mỗi người đều có cá tính và đặc điểm độc đáo của riêng mình. Chúng ta đều có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau, và tất cả chúng ta đều phạm sai lầm. Khi ai đó làm bạn thất vọng, hãy tập trung vào những phẩm chất tốt đẹp của họ. Hãy cho họ biết bạn thích gì ở họ, và họ sẽ cho bạn nhiều hơn thế. Điều này không chỉ giúp họ tiến bộ mà còn khiến cuộc sống của những xung quanh họ trở nên dễ chịu hơn.
Dành thời gian cho con cái
Trẻ em đưa chúng ta trở về thời kỳ ngây thơ hồn nhiên. Ở bên chúng, ta có thể nhớ lại thời thơ ấu nhìn mọi thứ với đôi mắt trẻ thơ trong sáng và luôn thấy mọi thứ thật kỳ diệu. Hãy dành thời gian vui chơi và lắng nghe lũ trẻ, bạn sẽ học được nhiều điều hơn những gì bạn có thể dạy chúng.
Sẵn lòng giúp đỡ người khác
Sự khiêm tốn còn thể hiện ở chỗ làm việc gì cũng luôn suy xét cho người khác. Hãy tìm cách giúp đỡ mọi người trong các hoạt động hàng ngày, dù chỉ đơn giản là lắng nghe họ giãi bày tâm trạng. Ít tập trung vào nhu cầu của bản thân mà quan tâm hơn đến những người xung quanh là cách tốt nhất để trở nên khiêm nhường.
Luôn đặt câu hỏi với những gì mình chưa biết
Kiến thức và trí tuệ là hai điều khác nhau. Một người khôn ngoan học hỏi bằng cách đặt câu hỏi, và cuối cùng sẽ vượt qua người mà “cái gì cũng biết”. Hãy loại bỏ nỗi sợ bị coi là ngu ngốc và mở mang trí óc để tìm tòi và khám phá.
Hãy biết ơn vì tất cả những gì bạn có
Hãy nhắc nhở bản thân về lòng biết ơn, luôn xem xét mọi thứ và việc mọi người đã tác động đến cuộc sống của bạn như thế nào. Bạn có thể sẽ thấy rằng chúng ta đều có sự liên kết chặt chẽ lẫn nhau trong một mạng lưới của cuộc sống kỳ diệu này – một suy nghĩ thực sự khiêm tốn.
Ngọc Chi, Vision Times
Từ khóa ích kỷ Thể diện Chân thật khiêm nhường nhẫn nại Cao quý