Hãy dạy trẻ rằng “phải tự bỏ công sức ra mới có được thứ mình muốn”
- Thanh Trúc
- •
Trong cuộc sống, cái gì đạt được dễ dàng quá thì người ta sẽ không biết trân quý nó, trẻ được cho quá nhiều thứ sẽ không biết quý trọng mồ hôi và công sức của cha mẹ. Con trẻ cần được dạy dỗ rằng “phải tự làm, bỏ công sức ra mới có được thứ mình muốn”.
Có một câu chuyện ý nghĩa đáng suy ngẫm thế này:
Ở nơi hoang vu nghèo đói Rwanda (một quốc gia nhỏ thuộc Đông Phi), sau khi xuống xe, các tình nguyện viên đến từ Đài Loan nhìn thấy một cậu bé người da đen gầy trơ xương, quần áo rách rưới đi về phía họ, cậu bé này rất ít khi nhìn thấy một chiếc xe to như vậy. Khi đó tình nguyện viên đến từ Đài Loan cảm thấy rất thương xót nên đã quay lại lấy đồ trên xe và đi về phía cậu bé. “Bạn muốn làm gì vậy?”, một tình nguyện viên người Mỹ nói lớn: “Hãy để xuống!” Tình nguyện viên người Đài Loan ngây người ra, nghĩ thầm: “Anh ta bị làm sao vậy? Chẳng phải chúng ta đến để làm từ thiện sao?”. Tình nguyện viên người Mỹ ngồi xuống trước cậu bé và nói: “Chào em, bọn anh đến từ một nơi rất xa, trên xe có rất nhiều đồ, em có thể giúp bọn anh bê đồ được không? Bọn anh sẽ trả công cho em”. Cậu bé đứng lưỡng lự, lúc này lại có rất nhiều các em nhỏ chạy đến, tình nguyện viên người Mỹ lại lặp lại những điều vừa nói. Có một em nhỏ thử bê một thùng bánh từ trên xe xuống. Tình nguyện viên người Mỹ đưa một cái chăn và một thùng bánh cho cậu bé và nói: “Cảm ơn em rất nhiều, đây là phần thưởng dành cho em, các bạn khác có muốn cùng giúp một tay không nào?” Những em nhỏ khác cũng hăng hái bước đến, chẳng bao lâu mọi thứ đã được dỡ xuống khỏi xe. Các tình nguyện viên cho mỗi em nhỏ một phần quà cứu trợ. Lúc này lại có một cậu bé bước đến, nhìn thấy trên xe không còn gì để dỡ nữa, cậu bé cảm thấy thất vọng lắm. Tình nguyện viên người Mỹ nói với cậu bé: “Em xem kìa, mọi người dỡ đồ đều mệt cả rồi, em có thể hát cho bọn anh nghe một bài được không? Tiếng hát của em sẽ khiến bọn anh cảm thấy rất vui đấy”. Cậu bé hát một bài hát địa phương, tình nguyện viên cũng đưa cho cậu bé một phần quà: “Cảm ơn em, em hát hay lắm!” Tình nguyện viên người Đài Loan nhìn những gì người Mỹ kia làm và đăm chiêu suy nghĩ. Buổi tối đó, tình nguyện viên người Mỹ nói với anh: “Xin lỗi nhé, tôi muốn xin lỗi bạn vì thái độ hồi sáng của mình, tôi không nên to tiếng với bạn như vậy. Nhưng mà bạn có biết không? Trẻ em ở đây phải sống trong cảnh nghèo khó không phải lỗi của các em. Thế nhưng nếu vì bạn dễ dàng cho các em cái này cái kia mà khiến các em cho rằng cái nghèo có thể trở thành cách mưu sinh mà chẳng cần lao động, vì vậy nên sẽ càng nghèo hơn thì đây là lỗi của bạn!” Ngày hôm đó, tình nguyện viên người Đài Loan đã trải qua một ngày không giống như bao ngày khác. Các tình nguyện viên tặng quà cho các em nhỏ, nhưng yêu cầu các em phải lao động để nhận được quà. |
Thượng đế trao cho chúng ta tình yêu thương, nhưng yêu cầu chúng ta phải nỗ lực.
Giáo dục trong gia đình cũng nên như thế!
Đừng dễ dàng cho con trẻ tất cả những gì chúng muốn, đừng khiến con trẻ nghĩ rằng cha mẹ phải cho mình mọi thứ.
Cha mẹ không nợ con cái điều gì cả mà là con cái phải biết ơn đối với những gì mà cha mẹ đã cho mình.
Thanh Trúc
Xem thêm:
Từ khóa Dạy con Làm cha mẹ Giáo dục con Lòng tốt