Làm công việc mà bạn cảm thấy ghét sẽ ảnh hưởng tới bạn như thế nào?
- Minh Minh
- •
Chẳng có gì vui khi bạn phải làm một công việc mà bản thân không hề yêu thích. Bạn có thể chịu đựng đến giờ tan làm để về nhà, nhưng bạn có chịu được tiếng chuông báo thức ám ảnh mỗi sáng không?
Làm một công việc mình luôn cảm thấy ghét sẽ làm bạn kiệt quệ cả về thể chất và tinh thần.
1. Luôn phải sống trong căng thẳng
Viện nghiên cứu về căng thẳng của Hoa Kỳ “The American Institute of Stress – AIS” báo cáo rằng căng thẳng trong công việc là nguồn căng thẳng lớn nhất đối với người trưởng thành Mỹ và tình hình xấu liên tục gia tăng trong vài thập kỷ qua. AIS trích dẫn một báo cáo của Viện Sức khỏe và An toàn Lao động Quốc gia (National Institute for Occupational Safety and Health – NIOSH) cho thấy 40% công nhân nói rằng công việc của họ rất hoặc cực kỳ căng thẳng, 25% xem công việc là yếu tố gây căng thẳng chính trong cuộc sống. Căng thẳng có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bạn.
WebMD cho biết 75%-90% các chuyến khám bệnh đều có liên quan đến căng thẳng. Căng thẳng thường xuyên có thể dẫn đến các bệnh như đau đầu, đau dạ dày, đau ngực, hại da, mất ngủ, nghiêm trọng hơn là tiểu đường, hen suyễn, viêm khớp và trầm cảm.
2. Tăng (giảm) cân thất thường
Công việc quá chán nản sẽ khiến bạn mệt mỏi, không có động lực để làm bất cứ một hoạt động tích cực nào trong đời sống hàng ngày (ví dụ như tập thể dục). Kết quả là bạn sẽ tăng (giảm) cân thất thường vì chính tinh thần của bạn đang không vững vàng.
Một cuộc khảo sát năm 2013 của CareerBuilder cho thấy hơn một nửa số nhân viên văn phòng tự đánh giá mình bị thừa cân, 41% cho biết họ tăng cân vì công việc hiện tại, hơn 1/3 đổ lỗi cho căng thẳng khiến họ không kiểm soát được chế độ ăn uống. Bên cạnh đó, căng thẳng và lo lắng cũng có thể khiến bạn sụt cân vì hóc môn adrenaline giải phóng từ tuyến thượng thận làm chậm sự bài tiết chất béo. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng cho rằng hóc môn CRH khiến bạn giảm cân.
3. Mất ngủ
Khi không thể chịu được công việc của mình, bạn có thể khó ngủ hoặc bị thức nhiều lần giữa đêm. Những người đang lo lắng không thể ngủ được vì tâm trí mải suy nghĩ về danh sách việc cần làm. Một đêm mất ngủ không phải là vấn đề lớn, nhưng khi chứng mất ngủ xảy ra liên miên thì thật nguy hiểm. Việc thiếu ngủ sẽ dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như tiểu đường, béo phì, trầm cảm, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ.
4. Sức khỏe tổng thể kém
Những người không hài lòng với công việc có sức khỏe tổng thể kém và hay bị ốm vặt (như cảm lạnh, đau dưng). Đôi khi bạn sẽ thấy đau đầu, cồn cào dạ dày và cảm giác có thể gục ngã bất cứ lúc nào. Trong một nghiên cứu ở Na Uy, các khoa học đã thăm dò ý kiến của hơn 4.000 y tá. Họ phát hiện ra rằng những người bị đau lưng đều có vấn đề chung là không yêu quý công việc. Họ không nhận được ngày nghỉ hợp lý, thường xuyên làm ca đêm và không bao giờ được khích lệ.
5. Sức khỏe tinh thần bị ảnh hưởng
Bị căng thẳng và không vui trong công việc có thể dẫn đến lo lắng và trầm cảm. Việc này không có gì đáng ngạc nhiên vì đã có nhiều nghiên cứu cho thấy sự liên quan giữa sự hài lòng trong công việc và sự hài lòng trong cuộc sống nói chung. Khi hạnh phúc trong công việc, bạn có xu hướng lan tỏa vào cuộc sống và những người xung quanh mình. Còn khi chán nản hoặc lo lắng, bạn có thể không còn hứng thú với những thứ mà mình thường thích. Bạn có thể tự tách mình ra khỏi người thân, bạn bè để được ngồi suy nghĩ một mình. Với mỗi con người trong chúng ta, có công ăn việc làm vẫn tốt hơn là thất nghiệp. Nhưng khi mọi yếu tố trong công việc đó đã ép bạn đến đường cùng (xích mích với cấp trên, đồng nghiệp không hòa đồng, khối lượng công việc quá lớn, môi trường bóc lột…), đã đến lúc bạn phải đưa ra sự lựa chọn.
Cho dù công việc hiện tại đang làm bạn cực kỳ suy sụp, đừng nản chí mà hãy tìm môi trường khác. Lý do khiến bạn không dám từ bỏ công việc là vì bạn không tự tin với năng lực của bản thân. Bắt đầu từ sở thích (như vẽ tranh, thêu thùa, ngoại ngữ…), bạn hãy đến những lớp học hoặc cộng đồng để gây dựng lại niềm vui, sự hứng khởi cho tâm hồn. Bất cứ điều gì bạn từng học hỏi và trải qua, đều sẽ có một ý nghĩa nhất định cho sự nghiệp sau này.
Minh Minh
Xem thêm:
Từ khóa stress Áp lực công việc nhân viên công việc