Người trẻ Hàn Quốc bất lực trước 3 dấu mốc cuộc đời
- Hoài Anh
- •
Dịch bệnh, suy thoái kinh tế và áp lực ngày càng khắc nghiệt của xã hội hiện đại khiến nhiều người trẻ Hàn Quốc chỉ có đích sống là tồn tại, không còn quan tâm tới việc hẹn hò, kết hôn và sinh con.
Theo dữ liệu điều tra dân số mới công bố, Hàn Quốc hiện có 42% dân số trong độ tuổi 30 chưa kết hôn. Đa số có xu hướng trì hoãn hoặc thậm chí từ bỏ ý định kết hôn do bối cảnh dịch bệnh và suy thoái kinh tế kéo dài.
Hãng Yohap cho biết đây là lần đầu tiên tỷ lệ chưa kết hôn ở những người thuộc độ tuổi này vượt mốc 40%. Nhiều người trẻ Hàn Quốc đang lựa chọn làm ngơ trước 3 dấu mốc quan trọng của cuộc đời: Hẹn hò, kết hôn và sinh con.
Được thế giới biết đến với làn sóng Hallyu sôi động, trẻ trung, những chuyện tình drama lãng mạn, ngọt ngào và công nghệ thẩm mỹ hàng đầu châu Á, Hàn Quốc hiện lên trong mắt nhiều người là một quốc gia lý tưởng để sống và làm việc, thế nhưng, khuất sau vẻ ngoài bóng bẩy, hào nhoáng trong mắt giới trẻ xứ Kim Chi ngày nay được gói gọn chỉ trong hai chữ “áp lực”.
“Thực sự cuộc sống hiện tại là quá áp lực với chính tôi và các bạn của tôi. Sau khi ra trường, tôi phải kiếm được một công việc và có thể phải sống như nô lệ với công việc ấy, nhưng nếu không kiếm được thì thực sự còn tệ hơn. Sau khi kết hôn thì tôi còn phải lo thêm cho gia đình, con cái và cuộc sống hôn nhân. Tôi luôn thấy cuộc sống bế tắc”, anh Gyudong, nghiên cứu sinh tại Đại học Deagu chia sẻ.
Phụ nữ Hàn ngày nay cũng sợ lập gia đình, họ không còn nghĩ rằng hôn nhân là điều một điều gì đó quan trọng nữa. Đối với một số muốn theo đuổi sự nghiệp riêng, họ cho rằng lấy chồng, sinh con sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp, và làm mất thời gian của bản thân. Số liệu cho thấy có 22,1% phụ nữ có bằng thạc sĩ chưa kết hôn, điều này thể hiện rằng phụ nữ càng có học thức cao càng có xu hướng từ chối kết hôn. 20,7% nữ giới tham gia nghiên cứu cảm thấy ngần ngại kết hôn và chỉ 5,9% có mong muốn lấy chồng.
Jin-A, một phụ nữ trẻ đã tốt nghiệp đại học và đang tìm việc, nhận xét : “Giới trẻ phải chịu quá nhiều áp lực trong cuộc sống này. Chính phủ cần phải có một luật, hoặc biện pháp nào đó hỗ trợ giới trẻ”.
Nghiên cứu do giáo sư Choi Seul-ki tại Trường Quản lý và Chính sách công KDI và đồng nghiệp Kye Bong-oh từ Đại học Kookmin chỉ ra đại dịch Covid-19 “thêm dầu vào lửa” khi khiến áp lực xã hội gia tăng, thu nhập giảm sút làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới các mối quan hệ tình cảm, hạ tỷ lệ kết hôn và sinh nở.
Trong số những người trẻ được khảo sát, có tới 78,1% chưa gặp gỡ bất kỳ đối tượng nào kể từ khi Covid-19 bùng phát hồi tháng 2 năm ngoái. 48,7% cho biết tần suất hẹn hò của họ giảm rõ rệt so với thời điểm trước đại dịch.
Đáng báo động hơn, một cuộc khảo sát từ tháng 11/2020 đến tháng 2 năm nay của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc tiết lộ quá nửa số thanh niên trong độ tuổi 13-24 được hỏi nói rằng hôn nhân là không cần thiết.
Hàn Quốc cũng đang vật lộn với tỷ lệ sinh giảm liên tục. Năm 2020, tổng tỷ suất sinh (số con trung bình một phụ nữ sinh ra trong đời) chạm mốc thấp kỷ lục 0,84. Con số này cách xa mức 2,1 – con số giúp xứ kim chi duy trì dân số ở mức ổn định 51 triệu người.
Trong nỗ lực giải quyết vấn đề này, chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra các chính sách thúc đẩy sinh đẻ như bắt đầu từ năm 2022, mỗi gia đình sinh con sẽ được thưởng 2 triệu won (hơn 1.800 USD), đồng thời nhận hỗ trợ từ 300.000-500.000 won (274-457 USD) mỗi tháng cho đến khi đứa bé tròn 1 tuổi. Các cặp vợ chồng cũng sẽ được nhận bảo hiểm hàng tháng tối đa 3 triệu won (hơn 2.740 USD) trong vòng 3 tháng nghỉ phép chăm sóc trẻ sơ sinh – nhưng với nhiều bạn trẻ, đó là một vấn đề tổng thể phức tạp, không chỉ đơn giản là tiền. Theo một khảo sát năm 2019, có tới 80% người trẻ cảm thấy cuộc sống địa ngục tại Hàn Quốc và 75% trong số đó muốn từ bỏ đất nước của mình.
Hoài Anh
Xem thêm:
Từ khóa giới trẻ 3 dấu mốc cuộc đời Hàn Quốc Kết hôn