Quả báo nhãn tiền? Nhiều kẻ săn trộm tê giác bị đàn sư tử ăn thịt
- Ngọc Trúc
- •
Mới đây có một nhóm những kẻ săn trộm tê giác bị một đàn sư tử ở khu bảo tồn động vật thuộc tỉnh Eastern Cape của Nam Phi ăn thịt, do phần thi thể còn lại ở hiện trường không còn đầy đủ nên chưa xác định được đã có bao nhiêu người gặp nạn, nhưng giám đốc của khu bảo tồn này đoán rằng ít nhất đã có 3 người thiệt mạng. Có người cho rằng những kẻ săn trộm này đã gặp quả báo nhãn tiền.
Theo truyền thông Nam Phi đưa tin, vào sáng sớm ngày 2/7, nhóm săn trộm tê giác này đã mang theo súng trường, rìu và lương thực dùng cho vài ngày vào khu bảo tồn, nhưng vào nhầm địa bàn của sư tử, thi thể nằm rải rác của họ được phát hiện vào ngày hôm sau.
Giám đốc của khu bảo tồn, ông Nick Fox cho biết, đây là một đàn sư tử trưởng thành, vì vậy họ không có thời gian để chạy thoát. Ông không xác định được nhóm săn trộm này có bao nhiêu người, nhưng theo số quần áo và giày còn lại ở hiện trường thì có lẽ đã có 3 người thiệt mạng.
Ông Fox nói với tờ AFP rằng, phía cảnh sát và pháp y đã đến hiện trường để kiểm tra thi thể của các nạn nhân. Người phát ngôn của phía cảnh sát, ông Mali Govender tiết lộ, số thi thể này đã được đưa về Bộ y tế để kiểm tra DNA, nhằm xác định được đã có bao nhiêu người gặp nạn.
Ông Fox cảm thấy may mắn trước việc những tên săn trộm gặp nạn trước khi tấn công tê giác, khu bảo tồn của ông đã bị mất 3 con tê giác vào tháng 3/2016. Chỉ mới vài ngày trước, nhóm săn trộm này đã sát hại một con tê giác 20 năm tuổi ở một khu bảo tồn khác của Nam Phi chỉ để lấy một cái sừng tê giác dài 1 cm. Còn lần này, may mà có đàn sư tử can thiệp.
Ông Fox chia sẻ: “Đàn sư tử này là những người bảo vệ của chúng tôi, nhóm săn trộm đầy tội ác kia đã trở thành bữa ăn của sư tử.”
Ông cho biết: “Dù chúng tôi cảm thấy rất buồn trước sự mất đi của bất cứ sinh mạng nào, nhưng những tên săn trộm này đến đây để giết hại động vật của chúng tôi, mà sự việc lần này đã gửi đến những kẻ săn trộm một thông điệp hết sức rõ ràng – Các người sẽ không bao giờ là người thắng cuộc đâu”.
Số lượng tê giác hoang dã ở châu Phi hiện có ít hơn 25.000 con do nạn săn bắt trái phép. Sừng tê giác được dùng trong y học và có nhu cầu sử dụng rất lớn ở các nước châu Á như Trung Quốc, Việt Nam.
Một thợ săn ‘khét tiếng’ bị voi đè chết trong khi đi săn
Năm ngoái, một thợ săn chuyên đi săn động vật lớn bị voi đè chết trong khi đi săn voi ở Zimbabwe. Đối với việc này, nhiều người cho rằng đây chính là quả báo anh ta phải chịu do nghiệp chướng mà chính anh đã tạo ra.
Theunis Botha (51 tuổi) là một thợ săn chuyên nghiệp, anh bắt đầu kinh doanh một công ty đưa khách đi du lịch săn bắn từ năm 1983. Những người khách đã bỏ ra hàng ngàn đô la Mỹ để cùng Theunis Botha đến Nam Phi, Zimbabwe, Mozambique… săn bắt các loài động vật lớn như voi, hươu cao cổ, sư tử, cá sấu…
Vào thứ sáu ngày 19/5/2017, Theunis Botha đưa một số thợ săn đến săn bắn tại nông trường Good Luck ở phía Tây Zimbabwe thì gặp một đàn voi lớn đang dẫn theo những con voi con. Có 3 con voi lớn cảm nhận được sự nguy hiểm, chúng bắt đầu tấn công các thợ săn này, và Theunis Botha đã nổ súng.
Thế nhưng Theunis Botha không chú ý thấy bên cạnh còn có con voi thứ tư chạy đến dùng vòi nhấc anh này lên. Khi các thợ săn khác nổ súng giết chết con voi này, nó đã ngã xuống đất và chết, nhưng lại đè lên người Theunis Botha khiến anh này bị thương nghiêm trọng và sau đó tử vong.
Theunis Botha qua đời để lại vợ và 5 người con. Có người cho rằng anh đã gặp quả báo, cũng có người nói rằng thiên nhiên đã cho Theunis thứ mà anh đáng phải nhận.
Ngọc Trúc
Xem thêm:
Từ khóa tê giác Nam Phi sư tử sừng tê giác nạn săn trộm Quả báo