Chúng ta cần một Mạng Xã hội 2.0 có thể tạo ra một cộng đồng chứ không phải thứ biến chúng ta thành những kẻ khoác lác cô đơn.

Tiến sĩ Monroe Mann là giám đốc của breakdiving.io, một mạng xã hội mới phi lợi nhuận giúp người dùng tìm kiếm thành công, hạnh phúc và tình bạn. Ông còn là một luật sư về kinh tế và giải trí, tác giả của chương trình Successful New Year. Ông đã chia sẻ những suy nghĩ của mình về mặt tối của mạng xã hội hiện nay, đồng thời đưa ra những biện pháp để giải quyết chúng trong bài viết dưới đây:

bieu tuong mang xa hoi app di dong
(Ảnh: Tracy Le Blanc/pexels)

Mạng xã hội hủy hoại quan hệ giữa người với người, tạo ra “sự đố kị Facebook”, làm giảm sự tự trọng, khiến người dùng cảm thấy cô đơn, cổ xúy các hành vi kiêu căng ngạo mạn. Nó cũng bán đứng chính người dùng của mình, thu thập dữ liệu của họ để những nhà tiếp thị có thể nhắm “chuẩn” hơn, cho họ xem những mặt hàng mà họ không cần – và cũng không đủ tiền để mua.

Thứ văn hóa được mạng xã hội nuôi dưỡng này thường dẫn đến hiếp đáp, bạo lực, và khơi dậy những gì xấu xa nhất trong con người.

Nhưng nếu nó khác đi thì sao?

Giống như rất nhiều trong số chúng ta, tôi cũng đã trải qua một số tác dụng phụ của mạng xã hội, như mất bạn, cô lập với xã hội, “chém gió” quá nhiều, nói những điều mà cá nhân tôi không bao giờ nói, đăng những bài viết hay suy nghĩ mà không ai muốn trả lời, và bị “quăng gạch đá” không thương tiếc.

Vào lúc đó, tôi không nhận ra rằng chính mạng xã hội đã mang lại điều tồi tệ nhất cho rất nhiều mối tương tác xã hội của tôi và khiến tôi cảm thấy cuộc đời mình thật sống sượng. Tới thời điểm bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, khi sự căm ghét và thù hận lên tới đỉnh điểm trên các mạng xã hội, tôi chợt nhận rằng loại hình xã hội hóa này là lợi bất cập hại đối với hình tượng và các mối quan hệ của mình.

Ngày càng rõ ràng hơn, những người bạn trên mạng xã hội của tôi, và chính bản thân tôi, đang làm tổn thương sự tự trọng của chúng ta, và phí phạm thời gian của chúng ta trước màn hình mỗi khi sử dụng loại hình tương tác này.

>> Bài trắc nghiệm nhỏ cho thấy bạn nghiện Facebook đến mức nào

Thế nên tôi quyết định từ bỏ phần lớn mạng xã hội và giảm đáng kể thời lượng sử dụng của mình.

Không tình cờ chút nào, tôi mới hoàn thành nghiên cứu tiến sĩ của mình trong ngành tâm lý học. Thông qua những nghiên cứu, tôi bắt đầu nghĩ về những vấn đề đã khiến tôi quyết định từ bỏ mạng xã hội.

Các nhà tâm lý học trên khắp thế giới đã tiến hành nhiều nghiên cứu cho thấy, sử dụng các mạng xã hội phổ biến có thể gây ra sự đố kị, ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tự trọng, và gia tăng khả năng bạn có thể nói điều gì đó tồi tệ với người khác.

Mặc dù rất nhiều người đã phát hiện ra các mặt tối của loại mạng lưới này, về cách nó ảnh hưởng tiêu cực tới con người, các mối quan hệ, và sự nghiệp, nhưng chưa ai thực sự tiến xa thêm một bước nữa và đưa ra giải pháp.

Một mạng xã hội có tính xã hội hơn

Là một luật sư về kinh tế có bằng quản trị kinh doanh và bằng tiến sĩ về tâm lý học, kiêm nhà phát triển trang BreakDiving.io, tôi đã dành nhiều thời gian để phân tích mạng xã hội với ba nhánh chính, nhánh tâm lý, nhánh luật pháp, và nhánh kinh doanh. Vậy nên nếu có một mạng xã hội 2.0, thì nó sẽ như thế nào trong một xã hội lý tưởng?

1. Mạng xã hội 2.0 có thể là một mạng phi lợi nhuận

Chỉ cần các công ty cung cấp mạng xã hội tối ưu hóa lợi nhuận trên người dùng, thì họ sẽ không còn cách nào khác ngoài việc phá hoại độc ác cuộc sống của chúng ta. Một số công ty không đặt lợi ích của người dùng lên hàng đầu. Khi một mạng xã hội trở nên quá lớn đến mức nó trở thành một “dịch vụ công cộng”, nhưng lại bị nắm giữ bởi một nhóm các cổ đông, thì công ty đó sẽ cảm thấy vô cùng khó khăn khi phục vụ công chúng bằng lương tâm cao nhất. Chúng ta đã chứng kiến điều này với Facebook và Twitter.

Một giải pháp được đưa ra là giải tán các trang mạng xã hội lớn, nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng ta có thể giải quyết vấn đề mà không cần can thiệp từ chính phủ.

Trước hết, mạng xã hội có lẽ không cần thiết phải bị quản lý bởi chính phủ như các loại hình dịch vụ công ích khác. Ngoài ra, các công ty có thể phục vụ người dùng dễ dàng hơn nếu họ không phải là công ty tư nhân hay công ty đại chúng.

Có thể sẽ là tốt nhất nếu các công ty mạng xã hội hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận: hoạt động một cách độc lập như một doanh nghiệp loại C (là loại hình doanh nghiệp theo đó các cổ đông có ít trách nhiệm và không có bất cứ trách nhiệm cá nhân nào đối với những nợ nần hoặc lầm lỗi của công ty – người dịch) , nhưng toàn tâm toàn ý phục vụ lợi ích của công chúng.

Thế không có nghĩa là các nhân viên không thể được trả lương 6 chữ số 1 năm, nhưng nó phải hướng công ty tập trung vào lợi ích của công chúng, hơn là làm mọi thứ và bất chấp để gia tăng lợi ích của cổ đông cho dù phải đánh đổi lợi ích của người dùng thành viên.

2. Mạng xã hội 2.0 không nên bán dữ liệu của thành viên

Thay vì bán dữ liệu cá nhân người dùng, mạng xã hội không nên nghĩ tới chuyện đó. Ngoai trừ khi người dùng có thể dễ dàng kiểm soát chuyện này và cho phép làm điều đó.

Việc đăng quảng cáo nên được thực hiện theo một cơ chế nào đó đặt quyền riêng tư và trải nghiệm cá nhân của người dùng lên trên hết.

Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là nếu không chạy quảng cáo, mạng xã hội có thể cung cấp dịch vụ miễn phí của người dùng hay không? Có thể, thông qua việc quyên góp hoặc một mức phí thành viên vừa đủ từ những người tin tưởng vào sứ mệnh phi lợi nhuận của trang mạng đó.

Ngoài ra, mạng xã hội 2.0 có thể áp dụng hình mẫu của các trò chơi điện tử để kích thích tăng trưởng: người dùng được miễn phí gia nhập và sử dụng các tính năng cơ bản quan trọng nhất. Nhưng nếu họ muốn lướt nhanh hơn hay sử dụng các tính năng phụ trợ cao cấp hơn, thì xin mời trả một khoản phí nhỏ. Và như vậy, quyền riêng tư của bạn vẫn được đảm bảo, bất kể là bạn trả tiền cho dịch vụ hay sử dụng miễn phí.

3. Cần một triết lý tích cực để nuôi dưỡng tính cộng đồng

thanh nien va mang xa hoi
(Ảnh: Shutterstock)

Các nền tảng mạng xã hội thường chấp nhận tất cả mọi người. Mô hình kinh doanh của họ là thu hút được càng nhiều người dùng và trải nghiệm càng nhiều giờ càng tốt. Người dùng không cần phải chứng minh họ hiểu các điều khoản dịch vụ, nên họ cũng không cần phải chứng minh rằng họ hiểu và đồng ý với triết lý của mạng xã hội.

Trên thực tế, không có một triết lý chủ đạo nào đoàn kết các thành viên trong mạng xã hội lại với nhau, hoặc nếu có, thì các thành viên lại không hiểu nó. Kết quả là, phần lớn các mạng xã hội không có cách hữu dụng nào để bảo vệ cộng đồng khỏi những kẻ phá đám, những kẻ thích ăn hiếp, hay những hành vi dẫn tới tổn thương lòng tự trọng, chán nản, cô đơn, hoặc những thành viên vô tình vi phạm điều khoản dịch vụ.

Để chỉnh chuyện này, các mạng xã hội cần hướng dẫn người dùng cách thức sử dụng cao cấp hơn. Định hướng chính trị không phải là giải pháp. Hạn chế tự do ngôn luận cũng vậy. Giải pháp là khuyến khích những bài phát biểu tốt, cái đó phải học mới làm được. Cấm đoán những phát biểu thù hận sẽ không giải quyết được vấn đề, mà cần yêu cầu nói những lời tốt đẹp ngay từ đầu.

Lề thói cư xử đạt chuẩn của các thành viên cần phải được trao đổi từ trước và củng cố thông qua việc luyện tập. Cộng đồng mạng xã hội không phải là một nơi dành cho tất cả mọi người – nó là nơi tập hợp của những người tuân thủ theo triết lý chung của nó. Nếu tất cả mọi người đều được mời gia nhập, thì chất lượng thành viên và giá trị của việc làm thành viên sẽ tiêu tan.

4. Mạng xã hội 2.0 nên có những điều khoản sử dụng công bằng và dễ hiểu

Có rất ít người đọc các điều khoản sử dụng của mạng xã hội. Với những ai đọc nó, thì cũng có rất ít người hiểu. Và nếu có ai hiểu, thì đó vẫn là một thỏa thuận một chiều không có cửa cho đàm phán, viết ra hoàn toàn phục vụ lợi ích của phía cung cấp dịch vụ.

Chưa hết, trong phần lớn các trường hợp, bạn phải từ bỏ quyền kiện tụng, bạn không có khả năng kiểm soát những tài nguyên bản quyền của mình, và việc bạn bị đá ra khỏi mạng là hoàn toàn tùy tiện mà không có khả năng kháng cáo.

Trong hầu hết các trạng mạng xã hội, bạn có thể bị trục xuất hoặc bị cấm đưa ra các phát ngôn “thù hận”. Làm sao một khái niệm chung chung với vô vàn định nghĩa như vậy có thể đưa vào trong một hợp đồng mang tính pháp lý? Ai quyết định cái gì là “những phát ngôn thù hận”? Tại sao những cơ sở không rõ ràng lại có thể lấy làm căn cứ cho việc bị ngừng cung cấp dịch vụ mà không trải qua một quá trình xem xét trước? Tại sao khi hai người cùng làm một việc, thì có người bị phạt, có người lại không?

Những điều khoản sử dụng này cần phải thay đổi; chúng cần phải dễ hiểu hơn, tập trung hơn vào người dùng, và các công ty cần giải thích rõ ràng các điều khoản. Tại sao? Để cho những người dân thấp cổ bé họng không có lấy một cơ hội để đàm phán một từ trong những hợp đồng này có thể cảm thấy dễ chịu hơn đôi chút khi sử dụng dịch vụ – và hiểu xem họ đã đồng ý những gì.

>> 5 lý do bạn nên tắt các ứng dụng MXH như Facebook và Instagram đi

5. Nên đưa ra mục đích và hướng đi cho các thành viên

Các công ty mạng xã hội hiện đại giờ đã trở thành những người khổng lồ, nhưng lại chưa đưa ra định hướng hay nguyên tắc gì cho người dùng của họ. Facebook và Twitter giờ giống như chiếc điện thoại của những năm 1990.

Bản thân một chiếc điện thoại chẳng tốt cũng chẳng xấu, nhưng nó có thể được sử dụng cho cả hai mục đích. Mạng xã hội cũng vậy.

Tuy vậy, khả năng phá hoại của một chiếc điện thoại năm 1990 chỉ giới hạn trong một vài người ở bên mỗi đầu dây. Điện thoại không thể tiếp cận với biết bao nhiêu người như mạng xã hội đang làm hiện nay. Chúng cho phép 1 người tung bất kể tin gì tới rất nhiều người, hoặc tới cả cộng đồng.

Vậy nên, rất nhiều tác dụng phụ diện xuất hiện với Facebook và Twitter là vì thiếu sự huấn luyện và đào tạo cho các thành viên, hai bên không trao đổi rõ ràng trước kỳ vọng của nhau. Nếu ban quản trị không đặt ra các quy tắc, không khiến mọi thứ vận hành trơn tru ngay từ đầu, thì mọi thứ sẽ hỗn loạn.

Hỗn loạn có thể tránh được thông qua việc ban quản trị đưa ra các định hướng và mục đích ngay từ trước khi người dùng chuẩn bị sử dụng mạng xã hội, chứ không phải bằng cách loại bỏ những thành viên vi phạm những quy định mà họ không bao giờ đọc và cũng chẳng bao giờ hiểu.

Các công ty mạng xã hội có thể phục vụ tốt hơn thành viên bằng cách truyền đi một hệ thống đức tin cao thượng ngay từ đầu. Nếu tất cả các thành viên đều hiểu rõ kỳ vọng với cô ấy và anh ấy – thay vì chỉ đơn thuần gia nhập một nền tảng chung chung miễn phí cho tất cả mọi người – thì những mục tiêu và ý định tốt đẹp ấy sẽ được hưởng ứng.

6. Mạng xã hội 2.0 chỉ nên sử dụng tâm lý học để cải thiện trải nghiệm người dùng

Các mạng xã hội lớn thuê nhiều nhà tâm lý học để khai thác người dùng bằng cách khiến người dùng dành nhiều thời gian lên mạng hơn, mua nhiều đồ hơn, hoặc rủ rê họ tham gia vào hoạt động sinh lời nào đó. Trong quá trình đó, họ sử dụng tâm lý học để lợi dụng bạn, các mối quan hệ của bạn, sự lo lắng của bạn, và cả giấc mơ của bạn.

Như thế không tốt, thay vào đó, họ nên phân tích trải nghiệm người dùng để giúp đỡ các thành viên cải thiện bản thân, cải thiện cuộc sống và ngăn chặn những tác dụng độc hại cho thể chất và tinh thần.

Gần đây, Instagram đã chỉnh sửa lại hệ thống của mình sao cho số lượt Like không hiện lên cho tất cả mọi người. Đây là một bước đi đúng vì họ nhận ra rằng đăng các post chỉ để thu hút Like của công chúng thì chẳng có gì là tốt cho sức khỏe tinh thần: Nếu bạn nhận được nhiều Like, bạn trở nên kiêu ngạo; nếu bạn nhận được ít, bạn sẽ mất tự tin và coi thường bản thân. Dù kết quả là thế nào thì cũng đều không đáng biểu dương.

7. Khuyến khích mối quan hệ giữa người dùng với nhau

Nói chung, các công ty mạng xã hội hiện nay không thật sự quan tâm đến việc xây dựng và phát triển các mối quan hệ. Trọng tâm của họ là làm sao để tăng thời lượng sử dụng của người dùng – bạn càng dành nhiều thời gian trước màn hình – thì các nhà quảng cáo càng thích thú và trả nhiều tiền hơn. Có 2 vấn đề ở đây: thứ nhất – nó không tốt cho người dùng; và thứ hai: mối quan hệ thực tế nằm ở thế giới thực, chứ không phải trên thế giới ảo.

Mạng xã hội 2.0 cần nhận ra rằng ý tưởng tuyệt vời nhất sẽ là tạo ra một nền tảng có thể xây dựng các tình bạn thực tế ở ngoài đời và giúp đưa sự gắn kết ấy ra thế giới.

Nói cách khác, một mạng xã hội chỉ nên là một phương tiện, là cầu nối để mọi người tiếp xúc với nhau trong các cuộc gặp ngoài đời thực. Các mạng xã hội hiện nay không làm được điều đó. Thay vào đó, nó đã trở thành một sản phẩm thay thế dưới chuẩn cho tình bạn chân thực, mạng lưới các mối quan hệ chân thực, và các tương tác đời thực. Mạng xã hội nên được sử dụng để kéo mọi người ra giao lưu với thế giới, chứ không phải là gom họ lại vào một thế giới ảo không tồn tại.

Tôi hy vọng nhiều công ty mạng xã hội hơn sẽ áp dụng những nguyên tắc này vào cộng đồng của họ. Chúng tôi cũng đang cố gắng áp dụng chúng vào thực tế tại BreakDiving.io và tạo ra một cộng đồng mạng nơi mọi người có thể học hỏi và hòa đồng với nhau, kể cả trên mạng ảo và trong đời thực.

Theo tiến sĩ Monroe Man/ET,
Hạ Chi tổng hợp