Sự lây lan không ngừng của virus corona đã khiến cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải tạo ra một hệ thống các tên gọi dành cho những biến thể của nó theo bảng chữ cái Hy Lạp. Một số chủng trong đó đã phát triển khả năng lây nhiễm cho con người hoặc lẩn tránh sự bảo vệ của vắc-xin. Trước mối lo ngại số biến thể vượt quá 24 chữ cái Hy Lạp, WHO đang tính đến việc đặt tên chúng theo các chòm sao như Orion, Leo, Gemini, Aries.

biến thể
(Ảnh minh họa: Par Lightspring/Shutterstock)

Các nhà khoa học vẫn tập trung vào Delta – biến thể thống trị đang phát triển nhanh chóng trên khắp thế giới, đồng thời theo dõi xem liệu những chủng khác có thể thay thế vị trí của Delta một ngày nào đó hay không.

Delta

Biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vẫn là chủng đáng lo ngại nhất. Nó cho thấy khả năng lây nhiễm cao hơn so với các chủng virus trước đó ở cả những người đã được tiêm chủng.

WHO phân loại Delta là một biến thể đáng lo ngại, có nghĩa là chủng này đã được chứng minh làm tăng khả năng lây lan, gây ra bệnh nặng hơn hoặc làm giảm hiệu quả của vắc-xin cũng như các phương pháp điều trị.

Theo Shane Crotty, nhà virus học tại Viện nghiên cứu Miễn dịch La Jolla ở San Diego, “siêu năng lực” của Delta chính là khả năng truyền bệnh. Nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đưa ra vào hôm 29/7 vừa qua, trong đó nói rằng những người bị nhiễm Delta dù đã tiêm chủng có cùng tải lượng với những người chưa tiêm vắc-xin, và nhóm đối tượng đã tiêm chủng vẫn có thể lây truyền loại biến thể này.

Trong khi chủng virus ban đầu mất đến 7 ngày để gây ra các triệu chứng, Delta có thể gây ra các triệu chứng nhanh hơn từ 2 đến 3 ngày, khiến hệ thống miễn dịch có ít thời gian hơn để phản ứng và tăng cường khả năng phòng thủ. Delta dường như cũng đang đột biến nhanh hơn, với việc xuất hiện các báo cáo về một biến thể tên là “Delta Plus” – dòng phụ của Delta chứa thêm một đột biến đã được chứng minh là có khả năng lẩn tránh sự bảo vệ của hệ miễn dịch.

Ấn Độ đã liệt kê Delta Plus là một biến thể đáng lo ngại vào tháng 6, nhưng cả CDC Mỹ cũng như WHO đều chưa làm điều này. Theo Outbreak.info, một cơ sở dữ liệu mã nguồn mở COVID-19, Delta Plus đã được phát hiện ở ít nhất 32 quốc gia. Các chuyên gia cho biết vẫn chưa rõ liệu chủng này có nguy hiểm hơn Delta không.

B.1.621 – Biến thể cần được theo dõi

Biến thể B.1.621, lần đầu tiên xuất hiện ở Colombia vào tháng 1 và gây ra một đợt bùng phát lớn.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu đã liệt kê chủng này là một biến thể cần quan tâm, trong khi Cơ quan Y tế Công cộng Anh mô tả B.1.621 là một biến thể cần được theo dõi. B.1.621 chứa một số đột biến chính, bao gồm E484K, N501Y và D614G, có liên quan đến việc tăng khả năng lây truyền và giảm sự bảo vệ của hệ miễn dịch. Cho đến nay, Anh đã ghi nhận 37 trường hợp nhiễm B.1.621, trong khi một số bệnh nhân ở Florida (Mỹ) cũng xác nhận nhiễm chủng này.

Còn nhiều biến thể nữa sắp xuất hiện?

Tiến sĩ Gregory Ba Lan, nhà khoa học về vắc-xin tại Bệnh viện Mayo, cho biết vấn đề mấu chốt là vắc-xin hiện tại có khả năng ngăn chặn được những ca bệnh nặng nhưng không ngăn được sự lây nhiễm. Đó là bởi vì virus vẫn có khả năng nhân lên trong mũi, ngay cả ở những người đã tiêm chủng, vậy nên những đối tượng này sau đó vẫn có thể truyền bệnh thông qua các giọt bắn nhỏ trong không khí.

Theo ông, để đánh bại virus corona, nhiều khả năng sẽ cần một thế hệ vắc-xin mới ngăn chặn sự lây truyền. Nhà khoa học người Ba Lan và các chuyên gia khác nhận định rằng, trước khi điều này xảy ra, thế giới sẽ vẫn dễ bị nhiễm bệnh trước sự gia tăng của các biến thể mới.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: