Chuyện vị bác sĩ thực hiện 815 vụ giám định pháp y trong 1 đêm
- Ánh Dương
- •
Đối với các bác sĩ, việc bị triệu tập vào những khung giờ bất thường để xử lý các trường hợp khẩn cấp là rất thường tình. Nhưng vào đêm ngày 3/12/1984, bác sĩ DK Satpathy tại thành phố Bhopal, Ấn Độ đã có những giây phút kinh hoàng sau khi nhận được thông báo đến bệnh viện khẩn cấp. Bản thân ông không thể ngờ được những gì sẽ diễn ra trước mắt.
Ông không biết rằng thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới đang diễn ra tại thành phố Bhopal, thủ phủ của bang Madhya Pradesh – bang lớn nhất của Ấn Độ, nơi ông đang sống. Một vụ rò rỉ khí gas tại một nhà máy hóa chất địa phương đã khiến khoảng nửa triệu người bị phơi nhiễm với khí độc Methyl Isocyanate (MIC). Đến rạng sáng, hàng ngàn người đã chết. Vụ việc này gây chấn động toàn cầu và được biết đến với tên gọi “Thảm họa Bhopal” năm 1984.
Thảm họa xảy ra tại nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu của công ty Union Carbide (UCIL) ở Bhopal, bang Madhya Pradesh, Ấn Độ. Đêm ngày mùng 2 – rạng sáng ngày mùng 3/12/1984, một lượng lớn nước được đưa vào thùng chứa 610 đang chứa 42 tấn Methyl Isocyanate – số lượng nhiều hơn nhiều so với quy định an toàn cho phép. Phản ứng tỏa nhiệt xảy ra làm nhiệt độ bên trong thùng chứa tăng lên vượt 200 °C, áp suất tăng lên vượt quá mức mà thùng chứa có thể chịu được. Nó gây ra sự thoát hơi khẩn cấp để giảm áp suất thùng chứa, thải ra một lượng lớn các khí ga độc vào không khí. Tốc độ phản ứng tăng lên bởi sự xuất hiện của thép trong những đường ống làm bằng thép không gỉ đang bị ăn mòn.
Thảm họa Bhopal năm 1984
Khoảng 12 giờ đêm, hỗn hợp khí Methyl isocyanate (MIC) và các khí gas độc khác đã tràn ra thành phố Bhopal, gây ra sự hoảng loạn khi mọi người bị thức giấc với cảm giác cháy rát trong phổi, khó thở kèm theo ho, nôn mửa và bị đau tấy mắt nghiêm trọng.
Những người bị đánh thức bởi các triệu chứng trên đã tìm cách tránh xa nhà máy. Phần lớn họ vừa chạy vừa thở, một số sử dụng xe. Trẻ em và những người vóc dáng nhỏ hít phải khí ga nồng độ đậm đặc hơn. Nhiều người bị dẫm đạp khi chạy trốn. Đến 4 giờ sáng vụ rò rỉ mới được kiểm soát. Sự việc này đã gây ra phơi nhiễm trên 500.000 người.
Đó cũng chính là cái đêm mà bác sĩ Satpathy được gán cho biệt danh “Bác sĩ của Tử thần”. Khi ấy ông 35 tuổi, là một chuyên gia pháp y đang làm việc tại Bệnh viện Hamidia được điều hành bởi Chính phủ. Một đồng nghiệp đã đánh thức ông trong đêm và nói rằng: “Cố gắng đến nhà xác càng sớm càng tốt, số người chết đã vượt ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi”.
Bác sĩ Satpathy hồi tưởng và kể lại: “Ngay khi đến bệnh viện, tôi đã hiểu lời đồng nghiệp nói. Tôi không bao giờ có thể tưởng tượng ra việc nhìn thấy hàng trăm cái xác nằm trong khuôn viên bệnh viện. Một số đã chết và một số đang chết ngạt. Hàng trăm xác chết đang nằm la liệt trên mặt đất.” Tình hình hỗn loạn đến mức có hàng tá thi thể không có ai tới nhận hoặc bị bỏ rơi do người thân đã chạy nạn đi nơi khác.
Khi Satpathy đến bệnh viện, bác sĩ trực ban nói với ông về sự việc đang diễn ra. Vị đồng nghiệp này đã chứng kiến hàng loạt người dân chạy vào bệnh viện trong tình trạng khó thở, rồi sau đó từng người, từng người một qua đời.
Theo số liệu chính thức của Chính phủ, vụ rò rỉ khí gas này đã giết chết 2.259 người ngay lập tức và chính quyền bang Madhya Pradesh đã xác nhận tổng số 3.737 cái chết liên quan đến vụ rò rỉ khí ga. Các tổ chức tư nhân tuyên bố số người chết ở khoảng 8.000 đến 10.000 người trong 72 giờ đầu và 25.000 người chết vì các căn bệnh liên quan đến khí ga rò rỉ. 2.000 con trâu, dê và các loại động vật khác đã được thu gom và đem chôn.
>> Bệnh Minamata: Một thảm họa thủy ngân ở Nhật Bản
Chỉ trong vài ngày, lá cây úa vàng và rụng. Các nguồn cung cấp, đặc biệt là thức ăn, trở nên khan hiếm bởi nỗi lo an toàn thực phẩm. Đánh cá cũng bị cấm, làm cho sự thiếu hụt nguồn cung trầm trọng hơn.
Trong một bản tuyên thệ được đệ trình vào năm 2006, Chính phủ tuyên bố vụ tai nạn đã khiến 558.125 người bị thương, trong đó có khoảng 3.900 bị suy nhược cơ thể nghiêm trọng hoặc vĩnh viễn.
Ngay trong đêm đó, bác sĩ Satpathy lên kế hoạch thực hiện việc khám nghiệm tử thi với hy vọng có thể xác nhận danh tính từng người và nguyên nhân cái chết của họ. Đội ngũ gồm 4 thành viên của ông đã phối hợp với các sinh viên y để trợ giúp việc ghi chép lại thảm kịch này. Họ phải chụp ảnh mọi xác chết, sau đó cất giữ quần áo của nạn nhân và khám nghiệm tử thi.
Cá nhân bác sĩ Satpathy cho biết, ông đã thực hiện khoảng 815 ca khám nghiệm vào đêm hôm đó.
Nhưng công việc của ông còn kéo dài rất lâu sau đêm ấy. Ông chỉ đạo nhóm mình bảo quản mô để nghiên cứu. Vào thời điểm đó, khoa học gần như chưa biết gì về tác động của loại khí độc này đối với cơ thể con người, vì vậy họ đã lấy càng nhiều mẫu máu và mô càng tốt và ghi chép về từng xác chết một.
Bác sĩ Satpathy nói: “Tôi đã mong đợi Chính phủ tiến hành nghiên cứu chi tiết về những mẫu mô đó”, ông hy vọng từ các ghi chép cẩn thận của mình, người ta sẽ tìm ra cách điều trị tốt hơn cho những người sống sót.
Nhưng trong nhiều năm, những lá đơn thỉnh cầu Chính phủ và Chính quyền liên bang nghiên cứu và tìm hiểu về các mẫu mô đều không được hồi đáp. Giờ thì đã quá muộn, bởi việc mất điện kéo dài trong năm 2006 đã hủy hoại nhiều mẫu mô (vốn cần nhiệt độ bảo quản thiết yếu dưới 0oC).
Dư âm
Việc xử lý thảm họa Bhopal của Chính phủ vẫn còn nhức nhối cho đến tận hôm nay. Thế hệ con cháu của những người sống sót sau thảm họa Bhopal đang chịu ảnh hưởng bởi những căn bệnh hiểm nghèo và thường phải vật lộn rất vất vả để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp.
Bà Hazra Bi, 53 tuổi, cư dân của một trong những khu ổ chuột bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thảm họa Bhopal, đã thoát chết trong đêm thảm kịch đó nhưng không tránh khỏi bị mắc một loạt các căn bệnh nghiêm trọng. Bà nói bây giờ mình đã bị hen suyễn mãn tính, tiểu đường, gặp phải các vấn đề về dạ dày và phải đến bệnh viện mỗi ngày trong suốt 35 năm qua. Bà đã tìm đến các bệnh viện do chính phủ thành lập sau thảm họa, như là Trung tâm nghiên cứu và Bệnh viện tưởng niệm Bhopal, nhưng những nơi này lại luôn trong tình trạng thiếu bác sĩ, nhân viên và thuốc điều trị.
Nhiều tháng sau khi xảy ra sự cố, Chính phủ đã phê duyệt hơn 20 dự án nghiên cứu cả về y học và phi y học liên quan đến tác động của việc rò rỉ khí gas trong thảm họa Bhopal 1984. Nhưng rồi tất cả chúng đều đã bị gác lại vào năm 1990 sau khi một vài nghiên cứu được hoàn thành.
>> Chernobyl: Không phải nạn nhân phóng xạ mà là nạn nhân của dối trá
Sau thảm kịch Bhopal, Chính phủ Ấn Độ đã đóng cửa nhà máy gây ra thảm họa này và thông qua một số luật lệ buộc các nhà máy phải đảm bảo an toàn cũng như chịu trách nhiệm trong trường hợp có bất kỳ rủi ro nào xảy ra. Trước đó thì không có các quy định pháp lý như vậy.
Thảm kịch này đã khơi ngòi cho chiến dịch hoạt động vì môi trường, nhờ đó mà Ấn Độ đã thông qua Đạo luật Bảo vệ Môi trường vào năm 1986 và đây cũng là tiền đề cho sự ra đời của Bộ Môi trường và Rừng. Nhưng các nỗ lực cải thiện môi trường vẫn chưa được mở rộng đến việc nghiên cứu các mẫu mô thu thập trong thảm họa Bhopal 1984 còn sót lại.
Hơn 25 năm sau vụ rò rỉ, 390 tấn các chất hóa học độc hại bị bỏ lại tại nhà máy của UCIL tiếp tục rò rỉ và gây ô nhiễm nguồn nước ngầm của khu vực, ảnh hưởng đến hàng ngàn cư dân Bhopal.
Từ khóa khí độc chính phủ và người dân giám định pháp y Ấn Độ thảm họa môi trường