Cựu giám đốc Facebook: Mạng xã hội đang ‘phá hỏng xã hội’
- Thành Đô
- •
Chamath Palihapitiya từng là phó chủ tịch phát triển khách hàng của Facebook, ông làm việc cho công ty này từ năm 2005 đến năm 2011. Mặc dù đã hoàn thành xuất sắc công việc của mình khi số người dùng mạng xã hội này đã đạt 2 tỷ, nhưng ông lại tỏ ra hết sức hối tiếc cho “thành tựu” đó.
Trong một sự kiện tổ chức tại trường kinh doanh Stanford vào ngày 10/11 vừa qua, ông thổ lộ rằng mình cảm thấy có “một tội lỗi ghê gớm” khi giúp công ty thu hút hàng tỷ người dùng như vậy. “Những vòng lặp gây phấn khích ngắn ngủi [của Facebook] mà chúng tôi tạo ra đã phá hủy sự vận hành của xã hội,” ông nói, “Thông tin rác, không còn sự hợp tác, không còn thảo luận người với người.”
Palihaptiya cho rằng ông và các đồng nghiệp cũ đã “tạo ra một công cụ phá hỏng sự vận hành của xã hội”.
Ông khuyên mọi người cần phải “phanh gấp” đối với các mạng xã hội. Riêng đối với bản thân, ông nói rằng mình không có biện pháp nào cả, chỉ biết một cách là không dùng Facebook nữa, và cấm các con mình cũng không dùng.
>> Cựu chủ tịch Facebook: ‘Chỉ có Chúa mới biết nó đang làm gì với trí óc con trẻ’
“Những tín hiệu tạm thời như nút Like, trái tim, ngón tay cái… khiến cho chúng ta cảm giác được tưởng thưởng, và rồi chúng ta lẫn lộn những thứ này với chân lý, với các giá trị, nhưng thực ra chúng là giả, phổ biến nhưng rất không bền vững. Và sau đó chúng ta bị cuốn vào vòng xoáy độc hại này, bạn sẽ nghĩ tiếp theo làm gì đây, vì bạn lại muốn cảm giác đó lần nữa.”
Có lẽ vì vậy mà ông cảnh báo mọi người rằng, “bạn đang bị lập trình nhưng bạn không biết. Bạn cần phải quyết định xem mình sẽ vứt bỏ bao nhiêu, và muốn độc lập bao nhiêu về trí tuệ.”
Ông cũng chỉ trích hệ thống kêu gọi vốn đầu tư, rằng các nhà đầu tư của thung lũng Silicon đang chỉ rót tiền vào các công ty vớ vẩn mà bỏ qua những dự án ý nghĩa như môi trường, y tế, giáo dục…
Video phát biểu của ông Palihapitiya:
Ý kiến của Palihaptiya trong buổi nói chuyện tại Stanford đã nhận được rất nhiều phản hồi của cư dân mạng, trong đó có cả đồng tình và phản đối. Có người dùng Twitter nói: “Tôi hoàn toàn đồng ý. Tôi đã xóa tài khoản Facebook của mình gần đây và tôi chỉ dùng Twitter, nhưng chắc chắn tôi cũng sẽ xóa nó. Mọi người đã quên mất cách giao tiếp trong đời thực“.
Tuy vậy cũng có người không đồng ý: “Facebook cũng chỉ là một công cụ để giao tiếp mà thôi và nó cũng bị các chính phủ kiểm soát.”, một người dùng Twitter khác cho biết.
Có lẽ vì những phản ứng của dư luận này, tới hôm 14/12, Palihaptiya đã đính chính lại lời nói của mình, “Tôi tin Facebook là một nguồn lực tốt cho thế giới, vì vậy tôi muốn mở rộng lời phát biểu mấy hôm trước của mình.“
Ông cũng nói thêm rằng hiện Facebook đang nỗ lực để loại bỏ các thông tin giả, cực đoan hay nội dung khiêu khích v.v. Cuối cùng ông kết luận rằng, ý kiến của ông trong buổi nói chuyện tại Stanford chỉ là “để khởi động một cuộc thảo luận mới, chứ không có ý chỉ trích nhắm vào công ty nào, đặc biệt là công ty mà tôi yêu quý.”
Thành Đô tổng hợp.
Xem thêm:
Từ khóa sống ảo nghiện internet Tác hại của Facebook Facebook mạng xã hội