Vì sao một số khí công sư có thể làm viên thuốc đi xuyên qua thành thủy tinh?
- Thiện Tâm
- •
Giai đoạn thập kỷ 80-90, Trương Bảo Thắng và Hầu Hi Quý là những người có công năng đặc dị nổi tiếng nhất Trung Quốc. Họ có thể khiến một vật thể đi xuyên qua vật thể khác mà không bị hư hỏng hay để lại dấu vết, hiện tượng này được gọi là “đột phá chướng ngại không gian“.
Ví dụ, Trương Bảo Thắng có thể đi xuyên qua bức tường dày, đưa bao gạo vào nhà mà không làm hỏng bức tường hoặc lấy viên thuốc ra lọ thuốc thủy tinh mà chiếc lọ không suy suyển gì. Còn Hầu Hi Quý có thể khiến cho cả một chiếc bàn ăn lớn mạ vàng ở nhà tỷ phú Lý Gia Thành đi xuyên qua không gian hàng chục km và xuất hiện ở phòng làm việc của vị tỷ phú. [1, 2]
Các nhà khoa học Trung Quốc gọi đó là hiện tượng Breakthrough Space Obstacle (BSO), còn Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) gọi đó là Breakthrough Spatial Barriers (BSB). Cả 2 cách gọi đều có nghĩa chung là Đột phá Chướng ngại Không gian.
Mặc dù hiện tượng BSO cũng như rất nhiều các hiện tượng kỳ bí khác của khí công xảy ra rất phổ biến ở Trung Quốc vào thập kỷ 80, 90 thế kỷ trước nhưng nó đã chịu rất nhiều chỉ trích từ các nhà khoa học dòng chính (mainstream scientists) vì cơ chế xảy ra hiện tượng này không thể được lý giải bằng khoa học thông thường.
Tuy vậy, đã có hàng chục phòng thí nghiệm khác nhau ở Trung Quốc đã đồng thời nghiên cứu và đề xuất nhiều lý thuyết vật lý về hiện tượng đột phá chướng ngại không gian này.
Không chỉ các nhà khoa học của Trung Quốc, CIA cũng theo dõi rất sát và nghiên cứu rất kỹ hiện tượng này [5]. Hiện nay, tài liệu giải mật của CIA về hiện tượng này đã được công bố trên mạng.
Nhà khoa học Tống Khổng Trí (Song KongZhi) tại Viện Kỹ thuật Vũ trụ và Y học Trung Quốc và bản thân Trương Bảo Thắng đã hợp tác với nhau trong suốt 15 năm để lý giải hiện tượng này bằng cách lặp đi lặp lại thí nghiệm lấy viên thuốc ra khỏi lọ thủy tinh được dán kín nắp, quay lại hiện tượng bằng camera tốc độ cao và tìm kiếm mô hình vật lý lý thuyết để giải thích. Năm 1987, thí nghiệm của họ đã nhận được giải thưởng của nhà nước Trung Quốc về những kết quả ban đầu. Tuy nhiên, kết quả báo cáo chưa bao giờ được công bố bằng tiếng Anh.
Năm 2013, sau một thời gian dài suy nghĩ, nhà nghiên cứu Tống Khổng Trí và Kiều Bỉ (Bi Qiao) tại Khoa vật lý, Đại học Công nghệ Vũ Hán, Trung Quốc đã có báo cáo khoa học mang tựa đề Breakthrough Space Obstacle (Đột phá Chướng ngại Không gian – BSO) đăng trên Tạp chí Vật lý Hiện đại Hoa Kỳ, công bố về kết quả nghiên cứu cho thấy hiện tượng viên thuốc đi xuyên qua vỏ thủy tinh của lọ thuốc với tốc độ 200cm/s và giải thích bằng cơ chế đường hầm lượng tử vĩ mô và tương tác lượng tử phi tuyến. [3, 4]
Điều nhìn thấy bằng camera tốc độ cao
Năm 1984, Tống Khổng Trí và Trương Bảo Thắng phối hợp với nhau tiến hành một thí nghiệm phối hợp giữa camera tốc độ cao và đầu ghi hình video. Với điều kiện kinh tế lúc bấy giờ, họ chỉ có thể mua được 400 mét phim nhựa đen-trắng có 27 khuôn hình tĩnh (freeze-frame) để tiến hành ghi hình lại thí nghiệm.
“Khi thí nghiệm bắt đầu, sau khi Trương Bảo Thắng ngồi vào bàn thí nghiệm, không khí trở nên yên lặng, một nghiên cứu viên bật 4 chiếc đèn halogen 1000 Watt chiếu thẳng vào Trương Bảo Thắng. Không khí trở nên căng thẳng. Khi nhìn thấy Trương Bảo Thắng [bắt đầu] thả các viên thuốc từ bàn tay đang cầm lọ thuốc, chúng tôi ngay lập tức khởi động camera tốc độ cao, và dần dần đạt được tốc độ 400 hình/s. Âm thanh rất lớn như thể là có tiếng còi tàu kêu trong phòng thí nghiệm có diện tích 50m2. Để có thể có thu được các khuôn hình thành công trước khi đoạn phim kết thúc, chúng tôi phải liên tục cổ vũ để động viên Trương Bảo Thắng.” Ông Tống cho biết trong báo cáo. [3]
Sau khi các thước phim đen-trắng được tráng trong buồng tối, ông Tống và đồng nghiệp đã xem xét toàn bộ cuốn phim dài 400m và khẳng định rằng, không có bất cứ sự lừa đảo nào có thể được che dấu dưới chiếc camera có tốc độ ghi 400 hình/s. Sau một tuần xem xét, các nhà khoa học cuối cùng đã phát hiện được 2 khung hình ghi được cảnh viên thuốc xuyên qua vỏ lọ thuốc. Ở một trong hai khung hình đó, 2/3 viên thuốc đã ra khỏi lọ thuốc, 1/3 viên thuốc vẫn ở trong lọ. Ở một khung hình khác, 1/2 viên thuốc đã xuyên qua lọ thuốc (xem hình 3 dưới đây). 8 khung hình dưới đây mô tả quá trình viên thuốc xuyên qua lọ thuốc ra sao:
Sau khi một vật thể đột phá chướng ngại không gian, liệu có sự thay đổi nào diễn ra với vật chứa (chướng ngại vật) hay không? Các nhà khoa học đã tiến hành quan sát thành phần cấu thành của vật chứa bao gồm natri clorua, bạc, liti florua và silic sau khi bị các vật thể xuyên qua, phát hiện rằng cấu trúc phân tử của các thành phần này không hề thay đổi. Tuy vậy, cấu trúc đơn tinh thể của thành phần silic đơn tinh thể đã bị thay đổi khi quan sát bằng phương pháp đo nhiễu xạ tia X, ở đó sự định hướng của cấu trúc tinh thể biến đổi thành cấu trúc tinh thể mini (minicrystal) và cấu trúc đỉnh ban đầu biến đổi thành cấu trúc phẳng. Nhưng những thay đổi này biến mất sau một tuần, chứng tỏ chúng là những thay đổi tạm thời.
Từ mô tả của thí nghiệm, các nhà khoa học đưa ra một số kết luận:
- BSO hoàn toàn là một hiện tượng vật lý, không phải là hiện tượng duy tâm.
- BSO tạo ra một đường hầm ở thành của vật chứa (chướng ngại vật)
- Trong BSO, vật thể di chuyển qua thành của vật chứa ở một tốc độ nhất định: Viên thuốc đường kính 1 cm xuyên qua lọ thủy tinh trong khoảng thời gian 0,005 giây, tức là với tốc độ 200 m/s. Một túi giấy có chiều dài 5cm xuyên qua lọ thủy tinh mất 0,12 giây, tốc độ là 41,7 cm/s.
- Đối tượng bị tác động bởi trường điện từ từ tay của Trương Bảo Thắng có khả năng BSO
- Sau thí nghiệm BSO, vật chứa vẫn nguyên niêm phong mà không bị vỡ.
Không thể lý giải bằng vật lý hạt nhân?
Nếu dùng vật lý hạt nhân để giải thích về hiện tượng đột phá chướng ngại không gian, ta thấy rằng để viên thuốc có thể đi qua vỏ lọ thủy tinh, bản thân phân tử và nguyên tử của viên thuốc có thể phải phân rã thành các vi hạt nhỏ hơn rất nhiều để đi xuyên qua các phân tử và nguyên tử thủy tinh của vỏ lọ thuốc. Sau khi đi xuyên qua các nguyên tử thủy tinh, các vi hạt của viên thuốc lại tổng hợp và trở lại trạng thái như ban đầu.
Theo lý thuyết của vật lý hạt nhân, khi một nguyên tử phân rã thành vi hạt nhỏ hơn và nhẹ hơn, thì chúng phát sinh ra năng lượng vô cùng lớn, giống như vụ nổ bom hạt nhân. Ngược lại, khi các vi hạt nhỏ hơn và nhẹ hơn tổ hợp tạo thành một vi hạt lớn hơn và nặng hơn, chúng cũng cần có năng lượng cực lớn mới tổ hợp được. Nhưng nếu xảy ra hiện tượng phát xạ năng lượng hạt nhân thì tại sao Trương Bảo Thắng và những người xung quanh khu vực thí nghiệm lại không bị ảnh hưởng gì? Tiếng động lớn giống như “tiếng còi tàu kêu” được đề cập trong báo cáo liệu có liên quan đến hiện tượng phân rã và tổng hợp hạt nhân?
Hiệu ứng đường hầm lượng tử vĩ mô và sóng đơn tự duy trì
Trong thí nghiệm này, các nhà khoa học đã phát hiện rằng có một trường sóng điện từ sinh học (Bio-Electromagnetic Wave Filed – BEF) được tạo ra bởi Trương Bảo Thắng, xuất hiện tại nơi viên thuốc đi qua vỏ thủy tinh. Các tác giả của báo cáo khoa học cho rằng trường điện từ sinh học (BEF) này là nguồn gốc của hiện tượng đột phá chướng ngại không gian. Trường BEF này thỏa mãn phương trình lượng tử phi tuyến của Maxwell, tương ứng với sự thay đổi của mật độ các vi hạt của các vật thể. Hơn nữa, trường BEF này có phổ tần rất rộng từ 100MHz đến 1GHz và có đáp ứng điện từ với biên độ rất cao và cường độ mạnh. [3]
Các tác giả của báo cáo cho rằng chính trường BEF này cho phép các viên thuốc biến đổi thành một sóng đơn tự duy trì (soliton). (Sóng đơn tự duy trì (soliton) là dạng sóng duy nhất, tự tồn tại và hoạt động như một phần tử riêng rẽ. Ví dụ, khi hai soliton va vào nhau, chúng sẽ hợp thành một và sau đó lại chia tách làm hai phần tử có hình dáng và vận tốc giống hệt như trước khi va chạm. Chúng không giống với sóng đại dương với hình dạng nhấp nhô, có thể bị tan ra hoặc xô ngã khi chạm bờ).
Sóng đơn tự duy trì được tạo ra bởi các viên thuốc phân bố tuân theo phương trình sóng của Schrödinger, dưới tác động lắc lọ thủy tinh của Trương Bảo Thắng, sóng này tạo ra đường hầm lượng tử vĩ mô xuyên qua vỏ lọ thủy tinh khiến cho các viên thuốc có thể đi xuyên qua đường hầm và thoát ra ngoài.
Đột phá chướng ngại không gian và tư duy
Công năng đặc dị (supernormal hay paranormal) là khả năng đặc biệt của con người. Hiện nay, các nhà khoa học trên thế giới đã xác nhận được sự tồn tại của 6 loại công năng đặc dị, bao gồm: ban vận công (dịch chuyển đồ vật từ xa), thiên mục (con mắt thứ ba), truyền cảm tâm linh, thấu thị (nhìn xuyên thấu), dao thị (công năng nhìn xa), túc mệnh thông (tiên tri). Nhưng trong thực tế, còn có rất nhiều công năng đặc dị vẫn chưa được các nhà khoa học biết đến hoặc nghiên cứu đến như khinh công, thiết bố sam và cả công năng đột phá chướng ngại không gian như bài viết này đề cập.
Để có thể có được một lý giải rõ ràng về công năng đột phá chướng ngại không gian, các nhà khoa học Trung Quốc đã phải mất hàng chục năm nghiên cứu, phân tích và tìm tòi. Tuy tính đúng đắn của báo cáo khoa học có lẽ cần chờ rất lâu nữa mới có thể kiểm chứng, nhưng kết quả này cũng là điều đáng khích lệ đối với các nhà khoa học khi dũng cảm nghiên cứu những điều vốn có thể bị cho là mê tín. Điều này cũng một lần nữa chứng tỏ rằng, tri thức của khoa học quả thực còn rất hạn hẹp so với bí ẩn của vũ trụ và thân thể người.
Video Trương Bảo Thắng biểu diễn công năng đặc dị trước cố Phó chủ tịch Trung Quốc, Vương Chấn, có đoạn Bảo Thắng dùng công năng lấy ra các viên thuốc nằm trong lọ thủy tinh đang được bịt kín:
Thiện Tâm tổng hợp
Tài liệu tham chiếu:
[1] TTVN, Công năng đặc dị – Kỳ 1: Trương Bảo Thắng đi xuyên tường và khôi phục vật thể
[2] TTVN, Công năng đặc dị – Kỳ 3: Hầu Hi Quý biểu diễn chém đầu, bắn súng không bị thương
[3] Bi Qiao, Song Kongzhi, Zhang Bao Sheng, Breakthrough Space Obstacle. American Journal of Modern Physics. Vol. 2, No. 4, 2013, pp. 227-233. doi: 10.11648/j.ajmp.20130204.19
[4] Bi Qiao, and Song Kongzhi, Macroscopic Quantum Tunneling, Journal of Modern Physics 4 2013, pp. 49-55
Từ khóa Nghiên cứu khoa học siêu năng lực CIA vật lý lượng tử công năng đặc dị