NASA thử nghiệm thành công việc tiếp nhiên liệu, chuẩn bị đưa tàu Orion lên Mặt Trăng
- Phan Anh
- •
Hôm 21/9 vừa qua, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) tuyên bố đã thử nghiệm thành công việc tiếp nhiên liệu cho tên lửa đẩy của hệ thống Artemis 1, sau khi khắc phục các vấn đề về kỹ thuật vốn khiến nỗ lực đưa tàu vũ trụ Orion lên Mặt Trăng phải tạm đình chỉ cách đây vài tuần. Theo dự kiến, NASA dự định sẽ thực hiện lại vụ phóng tàu vũ trụ Orion vào ngày 27/9 tới đây.
Bà Charlie Blackwell-Thompson, Giám đốc phụ trách vụ phóng tàu vũ trụ Orion, cho biết: “Tất cả các mục tiêu mà chúng tôi đặt ra, chúng tôi đã có thể hoàn thành ngay hôm nay”.
NASA từng 2 lần đã buộc phải hoãn phóng tên lửa Hệ thống phóng không gian (SLS) mang theo tàu vũ trụ Orion không có phi hành đoàn lên Mặt Trăng trong những tuần gần đây, sau khi phát hiện một số vấn đề kỹ thuật như cảm biến nhiệt bị lỗi hay xuất hiện vết nứt trong thùng chứa nhiên liệu. Dẫu vậy, cơ quan này cho hay rằng việc sửa lỗi kỹ thuật đã được hoàn tất và cuộc kiểm tra ngày 21/9 cho thấy các bể chứa nhiên liệu đã được làm đầy.
NASA dự định sẽ thực hiện lại vụ phóng tàu vũ trụ Orion lên Mặt Trăng vào ngày 27/9 tới, ngoài ra kế hoạch dự phòng là ngày 2/10. Cơ quan này cho biết các đội ngũ kỹ thuật sẽ đánh giá dữ liệu từ cuộc thử nghiệm, cùng với các thông số liên quan vụ phóng như tình hình thời tiết… trước khi xác nhận tiến hành lần phóng tiếp theo. Bên cạnh đó, NASA cũng đang theo dõi chặt chẽ quỹ đạo của bão Fiona ngoài khơi bờ biển ở Đại Tây Dương.
Được biết, Artemis 1 là sứ mệnh đầu tiên trong chương trình thám hiểm Mặc Trăng mang tên Artemis. Vụ phóng sắp tới của NASA cũng là chuyến bay đầu tiên của tên lửa SLS nhằm đưa tàu vụ trụ Orion lên quỹ đạo, với mục tiêu thử nghiệm khả năng sẵn sàng của các phương tiện này trong việc đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng. Sau nhiệm vụ Artemis 1, các phi hành gia dự kiến sẽ thực hiện hành trình vào năm 2024 và 2025 trong nhiệm vụ Artemis 2 và Artemis 3, với sự góp mặt của các phi hành gia trên tàu.
Phan Anh
Từ khóa Mặt Trăng sao Hỏa NASA