Là loài động vật có xương sống có tuổi đời cao nhất, cá mập Greenland sống được mức thấp nhất là 250 năm, thậm chí những con sống lâu nhất có thể vượt 500 năm. Giờ đây, một nhóm nghiên cứu khoa học đến từ Đại học Manchester ở Anh đã tiết lộ bí mật về tuổi thọ của cá mập Greenland.

Ca map Greenland
Cá mập Greenland. (Ảnh chụp màn hình video)

Cá mập Greenland có thể sống hàng trăm năm, nhưng rất khó xác định chính xác nguyên nhân nào khiến chúng có tuổi thọ cao như vậy. Do cá mập Greenland sinh sống ở vùng biển sâu lạnh giá ở Bắc Băng Dương và Bắc Đại Tây Dương với độ sâu tối đa 2647 mét, cho nên lâu nay các nhà nghiên cứu khoa học thường cho rằng có thể liên quan đến môi trường sống cực lạnh của chúng (chúng có thể sống được ở vùng nước lạnh  -1,8 độ C và vận động ở mức tối thiểu).

Trang web tin tức khoa học LiveScience đưa tin, từ ngày 2 – 5/7 năm nay tại Hội nghị Hiệp hội Sinh học Thực nghiệm (Society of Experimental Biology Conference) tổ chức ở Praha, nhóm nghiên cứu khoa học của Đại học Manchester đã công bố báo cáo nghiên cứu tiết lộ: Hoạt động trao đổi chất của cá mập Greenland không mấy thay đổi theo thời gian như những loài cá mập thông thường khác.

Phát hiện đáng ngạc nhiên này đi ngược lại với những giả định trước đây của các nhà khoa học về tuổi thọ sinh vật. Tác giả chính của báo cáo nghiên cứu là tiến sĩ Ewan Camplisson tại Đại học Manchester, nói với tạp chí Life Sciences trong một email: “Điều này cho thấy cá mập không thể hiện các dấu hiệu lão hóa như kiến thức mà chúng ta vẫn biết  – phát hiện này rất quan trọng đối với chúng tôi”.

Các nhà nghiên cứu phát hiện, có rất ít thay đổi trong hoạt động enzyme của cá mập Greenland thuộc các nhóm tuổi khác nhau. Hầu hết các động vật thì hoạt động enzyme giảm đi theo thời gian, dẫn đến giảm khả năng sửa chữa tế bào và đẩy nhanh quá trình lão hóa. Nhưng trao đổi chất của cá mập Greenland không đổi, thách thức các lý thuyết truyền thống của con người về lão hóa.

Dù vậy hoạt động enzyme của cá mập Greenland tăng lên theo tăng nhiệt độ môi trường sống, do đó nếu nhiệt độ môi trường sống của cá mập Greenland tăng lên thì quá trình trao đổi chất của chúng cũng có thể tăng lên theo, điều này có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa của chúng.

Ngày nay nhiệt độ trung bình toàn cầu không ngừng tăng, trong đó nhiệt độ trung bình ở Bắc Cực đang tăng nhanh gấp 3 lần mức trung bình của nhiều nơi trên địa cầu, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với môi trường nơi cá mập Greenland dựa vào để sinh tồn.

Theo tin từ trang National GeogeraphicNational Ocean Service (NOS), cá mập Greenland có thể sống lâu gấp đôi loài rùa khổng lồ sống trên cạn có tuổi thọ lâu nhất, chúng có thể sống không chỉ ở Greenland mà còn ở những nơi xa như ở biển phía tây Caribe cũng đã được tìm thấy.

Tên khoa học của cá mập Greenland là Somniosus microcephalus, tạm diễn giải là “cá mập đầu nhỏ lờ đờ”. Chúng còn được gọi là cá mập xám, cá mập đất, hay cá mập ngủ, cũng nằm trong số hơn 500 loài cá mập khác, được biết đến là loại cá mập chậm nhất. Thế nhưng loài cá mập quý hiếm này có thể mang khả năng săn mồi điêu luyện.

Tuổi của nhiều loài cá mập thường có thể xác định bằng cách tính các dải tăng trưởng (growth bands) trên xương sống của chúng; tương tự như các vòng năm trên thân cây, mỗi vòng thường tương ứng với một khoảng thời gian tăng trưởng nhất định. Nhưng cá mập Greenland không có dải tăng trưởng như vậy, cho nên chỉ có thể được xác định thông qua việc xác định niên đại bằng carbon phóng xạ (radiocarbon), hoặc qua thủy tinh thể của mắt cá mập Greenland (không ngừng phát triển trong suốt vòng đời của nó).