2020: Dự kiến vay gần 500 nghìn tỷ đồng để cân đối ngân sách
Để cân đối ngân sách Trung ương năm 2020, Chính phủ dự kiến vay bù đắp bội chi ngân sách trung ương là hơn 217 nghìn tỷ đồng; vay để trả nợ gốc của ngân sách trung ương là hơn 217 nghìn tỷ đồng; vay để nhận nợ Bảo hiểm xã hội 9,1 nghìn tỷ…
Năm 2019, nợ công ở mức 56,1% GDP
Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình nợ công năm 2019 và dự kiến năm 2020.
Chính phủ dự kiến cuối năm 2019, nợ công ở mức 56,1% GDP, nợ Chính phủ ở mức 49,2% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước ước khoảng 19,5-20,5%, nợ nước ngoài quốc gia khoảng 45,8% GDP.
Đáng chú ý, chỉ số nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 45,8% GDP làm giảm so với mức 46,0% của năm 2018. Lý giải về điều này, Chính phủ cho biết do thu cân đối ngân sách ước vượt dự toán, dự kiến bội chi thấp hơn so với dự toán là 3,6% GDP.
Ngoài ra, giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài chậm hơn dự kiến; Chính phủ không sử dụng hạn mức bảo lãnh cho doanh nghiệp vay nước ngoài trong năm và một số khoản vay trả nợ trước hạn.
Chính phủ xác định nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng đến cuối năm 2019 khoảng 23,6% GDP (tăng so với mức 22,3% GDP vào cuối năm 2018).
Hết năm 2020, nợ công khoảng 54,3% GDP
Về nợ công năm 2020, Chính phủ cho biết nhiệm vụ huy động vốn vay của Chính phủ cho cân đối ngân sách trung ương là 459,4 nghìn tỷ đồng, trong đó vay bù đắp bội chi ngân sách trung ương là hơn 217 nghìn tỷ đồng; vay để trả nợ gốc của ngân sách trung ương là hơn 217 nghìn tỷ đồng; vay để nhận nợ Bảo hiểm xã hội 9,1 nghìn tỷ.
Dự kiến nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trong năm 2020 khoảng hơn 379 nghìn tỷ đồng.
Chính phủ sẽ phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước khoảng 300 nghìn tỷ đồng, tập trung vào kỳ hạn từ 5 năm trở lên, duy trì kỳ hạn phát hành bình quân từ 6-8 năm.
Trong năm 2020, Chính phủ cũng dự kiến không cấp bảo lãnh mới cho doanh nghiệp vay trong nước và nước ngoài, rút vốn được Chính phủ bảo lãnh của các dự án đang triển khai thực hiện tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc đến hạn.
Dự kiến đến cuối năm 2020, các chỉ số nợ sẽ tiếp tục giảm so với năm 2019. Cụ thể, nợ công khoảng 54,3% GDP, nợ Chính phủ khoảng 48,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP khoảng 45,5%.
Đáng chú ý, 10,3% danh mục nợ trong nước của Chính phủ sẽ đến hạn năm 2020, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro thanh khoản cho ngân sách. Nghĩa vụ trả nợ trái phiếu Chính phủ trong nước tập trung vào một số thời điểm trong năm và giữa các năm 2020-2021.
Ngoài ra, các khoản trái phiếu Chính phủ phát hành trong nước bằng ngoại tệ với trị giá 1.700 triệu USD sẽ đáo hạn trong năm 2020 và 2021, phải bố trí ngoại tệ để thanh toán.
Năm 2020, dự kiến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ chiếm khoảng 23% so với thu ngân sách, tiến gần ngưỡng 25% Quốc hội cho phép trong giai đoạn 2016-2020.
Báo cáo lưu ý việc sử dụng quy mô GDP mới để xác định các trần và ngưỡng an toàn nợ công trong giai đoạn 2021-2025 “cần được xem xét thận trọng” để đảm bảo tính bền vững của danh mục nợ thông qua chỉ tiêu trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước.
Sơn Nguyên
Xem thêm:
Từ khóa vay bảo lãnh nợ công nợ nước ngoài