Các hãng nhập khẩu đồng loạt kiến nghị quy định mới làm khó “ô tô giá rẻ”
- Chân Hồ
- •
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Đại sứ quán Nhật Bản vừa kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, bày tỏ quan ngại đối với Nghị định 116/2017/NĐ-CP vừa mới được ban hành. Theo các kiến nghị này, những quy định mới về kinh doanh nhập khẩu ô tô sẽ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tốn kém chi phí, giá ô tô sẽ khó giảm, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Ước mơ sở hữu ô tô giá rẻ của người tiêu dùng Việt Nam vẫn sẽ còn lâu mới thành hiện thực
Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, có hiệu lực từ 17/10/2017.
Ngay khi Nghị định 116 vừa được ban hành, không những đã khiến cánh cửa làm ăn của các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng coi như đã bị đóng chặn bởi các quy định ngặt nghèo, mà các doanh nghiệp nhập khẩu và lắp ráp ô tô mới cũng kêu trời gặp khó.
Quá nhiều vướng mắc
Tại điểm a, khoản 2, điều 6 trong Nghị định 116 quy định, với ô tô chưa qua sử dụng, khi tiến hành kiểm tra thử nghiệm, doanh nghiệp nhập khẩu phải cung cấp bản sao Giấy chứng nhận chất lượng, kiểu loại ô tô nhập khẩu, được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài.
Theo VAMA, yêu cầu mới này là vấn đề lớn đối với tất cả các thành viên, vì Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu không tồn tại ở nhiều quốc gia. Một số quốc gia áp dụng chính sách các nhà sản xuất tự chứng nhận. Một số quốc gia, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có thể cấp Giấy chứng nhận này, nhưng hệ thống tiêu chuẩn và đăng kiểm không giống với hệ thống ở Việt Nam. Vì vậy, Cục Đăng kiểm Việt Nam có thể sẽ không chấp nhận do có sự khác biệt. Chẳng hạn như sự khác biệt về vị trí ngồi lái xe, tiêu chuẩn khí thải, hay các đặc điểm kỹ thuật khác, giữa những xe bán ở các thị trường khác nhau.
Việc yêu cầu thêm giấy tờ thủ tục đủ loại của quy định này có thể làm kéo dài thời gian lưu kho tại cảng, thêm nhiều phí tổn lưu kho, trễ hạn giao xe ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, quyền lợi của khách hàng.
>> Vỡ mộng mua ô tô giá rẻ vì quy định mới
Hơn thế nữa, quy định này không có nhiều ý nghĩa bởi Cục Đăng kiểm Việt Nam đang thực hiện rất nghiêm ngặt các thủ tục kiểm tra, thử nghiệm, nhằm kiểm soát chặt chẽ về chất lượng.
VAMA đề nghị Chính phủ chấp thuận cho nhà nhập khẩu thêm lựa chọn, làm thủ tục kiểm tra thử nghiệm bởi Cục Đăng kiểm Việt Nam, thay vì chỉ chấp nhận Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu, do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp.
Cũng tại điểm a, khoản 2, điều 6 còn quy định, ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu, phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra, thử nghiệm đối với từng lô. Mỗi lô xe nhập về sẽ phải lấy mẫu đem đi kiểm tra, thử nghiệm về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Theo quy định này, mỗi một lô hàng nhập khẩu phải mang 1 chiếc xe đi thử nghiệm, bao gồm cả thử khí thải, độ bền về phanh, động cơ… Các doanh nghiệp cho biết, chi phí thử nghiệm như thế tốn từ 40-100 triệu đồng/lần và phải chờ từ 2 tuần đến 2 tháng mới có kết quả.
Theo quy định trước đây, khi nhập khẩu, doanh nghiệp chỉ lấy 1 xe làm mẫu mang đi thử nghiệm. Những lô hàng sau của cùng mẫu xe đó thì không cần thử nghiệm lại. Nhưng với quy định mới này, mỗi lô hàng nhập về đều bắt buộc phải thử nghiệm giống nhau, bất kể số lượng nhiều hay ít, và bất kể mẫu xe trước đó đã có xác nhận thử nghiệm rồi hay chưa. Như vậy vừa thêm tốn kém chi phí vừa mất thời gian cho doanh nghiệp. Nếu số lượng xe nhập về nhiều, quá tải, sẽ phải chờ đợi rất lâu, như vậy xe không thể mang ra bán ngay được, chi phí kho bãi sẽ rất lớn. Tất cả tính vào giá thành khiến giá xe khó giảm như mong đợi.
Nhà đầu tư Nhật Bản lên tiếng
Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cũng đã có thư gửi Bộ Công thương bày tỏ quan ngại về việc các quy định mới được ban hành có thể vi phạm nguyên tắc đối xử công bằng giữa sản phẩm của nhà cung cấp nước ngoài và sản xuất trong nước.
Trong bức thư gửi Bộ Công thương, đại diện phía Nhật Bản dẫn chứng trong mục 4, điều 3 của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) quy định đối xử quốc gia, có quy định rằng: sản phẩm nhập khẩu cần được hưởng đãi ngộ tương tự như sản phẩm của nhà sản xuất trong nước.
Ngoài ra, điều 5.1.1 Hiệp định TBT về các rào cản kỹ thuật đối với thương mại của WTO cũng quy định, các thủ tục đánh giá tính phù hợp, cần được chuẩn bị, thông qua và áp dụng sao cho các nhà cung cấp các sản phẩm tương tự, có xuất xứ từ lãnh thổ các nước thành viên khác, được hưởng các đối xử không kém phần ưu đãi hơn các đối xử dành cho các nhà cung cấp, các sản phẩm tương tự được sản xuất trong nước trong các hoàn cảnh tương đương.
Do đó, phía Nhật Bản cho rằng xe nhập khẩu đang bị đối xử kém ưu đãi hơn so với xe lắp ráp trong nước, ít nhất là về khâu kiểm tra khí thải, tính an toàn được thực hiện trên từng mỗi lô xe nhập khẩu với mỗi loại xe ô tô đã khiến ô tô nhập khẩu vào Việt Nam bị hạn chế nhiều. Chi phí bị đội lên do thời gian lưu bãi bị kéo dài.
Tất cả những điều này, đã san phẳng lợi ích thuế suất về 0% trong năm 2018, bởi cho dù được giảm thuế 0% trong khu vực ASEAN, những chi phí phát sinh thêm từ Nghị định 116 sẽ khiến giá ô tô khó lòng được giảm.
Giá ô tô khó lòng giảm mặc dù thuế suất về 0%
Đó là nhận định của nhiều nhà nhập khẩu trong nước, bởi lẽ những rào cản mà Nghị 116 đặt ra, và số lượng xe đáp ứng tiêu chuẩn về ưu đãi thuế 0% cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Trao đổi trên báo Tiền Phong, Tổng giám đốc Audi Việt Nam, ông Trần Tấn Trung cho biết: “Các điều kiện kinh doanh ô tô của Nghị định 116 vừa ban hành sẽ khiến các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô hạng sang gặp nhiều khó khăn hơn, tốn kém chi phí kiểm định. Tuy nhiên, theo ông Trung, Nghị định 116 sẽ đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng hơn giữa các doanh nghiệp nhập khẩu, đảm bảo quyền lợi của khách hàng”
Cũng theo ông Trung, tỷ lệ xe ô tô đạt được tiêu chuẩn hưởng ưu đãi thuế suất 0% là không nhiều, ông cho biết thực tế chỉ có khoảng 20 chủng loại xe được sản xuất, lắp ráp trong khu vực ASEAN, mẫu xe đạt tỷ lệ nội địa hóa nội khối 40% lại càng ít. Hơn nữa, các dòng xe cao cấp chủ yếu vẫn được nhập khẩu nguyên chiếc từ châu Âu, do đó, ông Trung cho rằng sẽ không có nhiều biến động về giá ô tô trong thời điểm thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về 0% vào đầu năm 2018.
Nguồn tin từ Tổng cục hải quan cho biết, lượng xe ô tô nhập khẩu sẽ không thể tăng nhiều trong thời gian tới vì quy định mới, kéo theo nguồn thu ngân sách sẽ bị giảm khoảng 4.500 tỷ đồng trong quý IV/2017 vì ô tô nhập khẩu ít.
Được biết, nhiều lô hàng xe nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng trước thời điểm Nghị định 116 ban hành đang bị lưu kho tại các cửa khẩu do các vướng mắc trong xử lý phát sinh liên quan đến quy định mới. Cụ thể, khi Nghị định 116 ra đời, phía hải quan hiểu rằng các văn bản hướng dẫn trươc đây của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan sẽ hết hiệu lực cùng ngày 17/10. Do đó, hải quan TP.HCM không biết phải thực hiện như thế nào đối với một số quy định tại Nghị định 116 khi chờ Bộ Công Thương và Bộ Giao thông – Vận tải ban hành thông tư mới có hướng dẫn thực hiện.
Với Nghị định mới này, ước mơ sở hữu ô tô giá rẻ của người tiêu dùng Việt Nam vẫn sẽ còn lâu mới thành hiện thực.
Chân Hồ (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa ô tô giá rẻ nhập khẩu ô tô nghị định 116/2017/NĐ-CP Nhập khẩu ô tô