Các công ty và nhà cung cấp chất bán dẫn Hà Lan đang có kế hoạch đầu tư sản xuất tại Việt Nam. Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Hà Lan, ông Mark Rutte, hiện đang dẫn đầu phái đoàn doanh nghiệp tới Việt Nam.

Embed from Getty Images

Ngày 2/11/2023, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (ở giữa bên phải) và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte (ở giữa bên trái) sánh bước trong lễ đón được tổ chức tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội. (Ảnh: Nhạc Nguyễn/AFP qua Getty Images)

Chiều ngày 2/11, tại Hà Nội, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan dự Diễn đàn Doanh nghiệp công nghệ cao do Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam tổ chức.

Reuters cho biết, mặc dù khoản đầu tư ban đầu của các công ty Hà Lan không lớn, nhưng trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và phương Tây gia tăng, nó đánh dấu nỗ lực của Hà Lan, nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc như một trung tâm xuất khẩu.

Theo danh sách đoàn, đại diện của gần 30 công ty đã tháp tùng Thủ tướng Rutte trong chuyến thăm của ông. Khoảng hơn 10 công ty trong số này là công ty sản xuất chip, hoặc nhà cung cấp cho các công ty bán dẫn.

Trong chuyến thăm, nhà sản xuất thiết bị chip Hà Lan Besi (BESVF) thông báo, công ty đã được chấp thuận thuê nhà máy ở miền Nam Việt Nam, với vốn đầu tư ban đầu là 5 triệu USD.

Ông Henk Jan Poerink, Phó chủ tịch phụ trách hoạt động toàn cầu của Besi, nói với Reuters rằng khoản đầu tư của Besi dự kiến ​​sẽ tăng đáng kể. Họ có kế hoạch xây dựng nhà máy riêng tại Việt Nam trong vòng 4 năm tới.

Thủ tướng Hà Lan Rutte cho biết, ông chắc chắn rằng các công ty và nhà cung cấp chip khác của Hà Lan sẽ làm theo.

“Đó là điều hiển nhiên,” ông nói với Reuters sau cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.

Ông Poerink nói, các công ty Hà Lan khác sẽ noi gương Besi trong việc tạo ra một “hệ sinh thái” bán dẫn tại Việt Nam, và cho biết thêm rằng ít nhất 2 công ty khác trong phái đoàn đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.

Ông từ chối nêu tên các công ty, nhưng nói thêm rằng một công ty khác không tham gia vào sứ mệnh lần này là “Tập đoàn công nghệ kích hoạt VDL” (VDL ETG) cũng đã quyết định đầu tư vào Việt Nam.

VDL ETG đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Ông Poerink cho biết, lý do chính khi đầu tư vào Việt Nam là để tiếp cận hơn với khách hàng của Besi. Ông từ chối nêu tên khách hàng của mình, nhưng lưu ý rằng họ là những công ty điện tử và bán dẫn hàng đầu.

Việt Nam là nơi có nhà máy lắp ráp chip lớn nhất của Tập đoàn Intel Hoa Kỳ, và là trung tâm sản xuất chính của Samsung và LG của Hàn Quốc.

Ông Poerink tiết lộ chiến lược của Besi là giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Ông dự định chuyển một số hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam, phản ánh những gì khách hàng của Besi đã làm.

“Bất cứ cái gì không dành cho Trung Quốc…. thì tôi sẽ chuyển ra ngoài” – ông Poerink nói với Reuters, mô tả cách tiếp cận vấn đề này của các khách hàng của hãng.

Việt Nam cũng cần nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư thân thiện hơn, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư trong bất cứ hoàn cảnh nào, với nguyên tắc lợi ích hài hoà, chia sẻ rủi ro.

Nhiều quan chức khác nêu lý do tương tự khiến các công ty Hà Lan quan tâm đến Việt Nam. Đặc biệt là khi các hạn chế thương mại của chính phủ với Trung Quốc ngày càng gia tăng, và các công ty hàng đầu như nhà sản xuất thiết bị chip ASML không thể tiếp tục bán máy móc tiên tiến nhất của họ cho Trung Quốc.

Một số công ty đi cùng Thủ tướng Rutte trong chuyến thăm của ông là các nhà cung ứng cho ASML, tuy nhiên ASML không cử đại diện sang thăm Việt Nam.

Trong những năm gần đây, việc Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày càng gia tăng các mối đe dọa quân sự đối với Đài Loan, và thái độ hung hăng của nước này ở Biển Đông đã khiến Hoa Kỳ và các đồng minh phải tăng cường cảnh giác.

Nhằm ngăn chặn ĐCSTQ sử dụng chip tiên tiến để phát triển sức mạnh quân sự, Hoa Kỳ đã hợp tác với Hà Lan và Nhật Bản, ngăn ĐCSTQ có được chip cao cấp và thiết bị sản xuất chip.

ASML là nhà cung cấp máy quang khắc lớn nhất thế giới – thiết bị chính để sản xuất chip. Kể từ năm 2019, Chính phủ Hà Lan đã cấm vận chuyển hệ thống in thạch bản cực tím (EUV) – công cụ sản xuất chip tiên tiến nhất của ASML, sang Trung Quốc.

Tháng 6 năm nay, Chính phủ Hà Lan đã công bố các quy định kiểm soát xuất khẩu, cấm ASML xuất khẩu một số hệ thống in thạch bản cực tím sâu (DUV) sang Trung Quốc. Những biện pháp kiểm soát xuất khẩu này khiến ĐCSTQ không hài lòng, và làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa Trung Quốc và Hà Lan.

Bình Minh (t/h)