Đề xuất gói ngân sách mới của Tổng thống Trump gặp khó
- Hoàng Giang
- •
Theo lịch trình, ông Vought đã bảo vệ đề xuất ngân sách của ông Trump trước Ủy ban ngân sách Hạ viện Mỹ vào ngày 12/3. Đề xuất này hướng đến mục tiêu giảm thâm hụt hơn 2,7 nghìn tỷ USD trong 10 năm và cân bằng ngân sách trong 15 năm.
Ông Russell Vought bảo vệ đề xuất ngân sách của ông Trump trước Ủy ban ngân sách Hạ viện Mỹ ngày 12/3
Gói ngân sách về chi tiêu chính phủ cho năm tài khóa 2020 với tựa đề “Một bản ngân sách cho một nước Mỹ tốt đẹp hơn: Những lời hứa được giữ vững. Người trả thuế trước tiên” đã được công bố vào ngày 11/3 vừa qua. Đây là gói ngân sách thứ ba của Tổng thống Trump trình lên Quốc hội.
Mở đầu phiên điều trần ngày 12/3 do thượng nghị sĩ bang Iowa Chuck Grassley chủ trì, Vought đã nêu một số điểm nổi bật của bản đề xuất, trong đó có các khoản cắt giảm trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe và nghiên cứu khoa học. Các thành viên tham gia đã chất vấn về các chi tiết của gói ngân sách, như các khoản mục chi tiêu cắt giảm, thuế cũng như giả đinh tăng trưởng kinh tế do tác giả đưa ra.
Hạ viện Mỹ không đồng ý với việc cắt giảm chi tiêu cho chăm sóc y tế và các chương trình xã hội khác. Gói ngân sách mới đề xuất sẽ cắt giảm mức tăng dự kiến 845 tỷ USD của chương trình chăm sóc sức khỏe Medicare trong 10 năm.
Tại phiên điều trần, ông Vought khẳng định việc cắt giảm 845 tỷ USD của Medicare là “không chính xác”. Thay vào đó, ông nói chính phủ sẽ tiếp tục tăng các khoản chi cho Medicare hàng năm, nhưng xác định sẽ giảm 517 tỷ USD cho các chương trình như giảm giá thuốc, hay chuyển đổi hai chương trình ra khỏi ngân sách của Medicare và tiết kiệm một số chi phí gián tiếp khác.
Ông Chuck Grassley cũng thể hiện sự không tán thành về việc cắt giảm 31% tiền tài trợ cho Cơ quan Bảo vệ Môi trường cũng như chi phí cho việc xây dựng bức tường biên giới Mexico. Với gói ngân sách mới Tổng thống Trump đề xuất, Chuck Grassley nói: “Tổng thống đề xuất, Quốc hội quyết định.”
Trước đó, ngày 11/3, Tổng thống Trump nhấn mạnh trong đề xuất của mình, đã đến lúc đầu tư cho tương lai của nước Mỹ: “Ngân sách năm 2020 của tôi được xây dựng dựa trên những tiến bộ to lớn mà chúng ta đã đạt được và đưa ra lộ trình rõ ràng để Quốc hội có thể kiểm soát chi tiêu và nợ của liên bang.”
Một trong những vấn đề trọng tâm trong bản đề xuất ngân sách là cắt giảm các khoản chi tiêu của chính phủ. Phần lớn các khoản cắt giảm chi tiêu này dành cho các các chương trình không thuộc lĩnh vực quốc phòng, nhằm mục tiêu giảm bớt các chương trình được cho là “không hiệu quả”, cắt giảm 5% so với mức trần năm 2019. Tổng thống Trump kỳ vọng việc này sẽ giúp cắt giảm mức thâm hụt từ 5% GDP trong năm 2020 xuống còn chưa đầy 1% trong vòng 10 năm tới.
“Đề xuất này sẽ tiết kiệm được gần 2.700 tỷ USD và cắt giảm chi tiêu nhiều hơn bất kỳ chính quyền nào trong lịch sử Mỹ” – ông Russell Vought, người đứng đầu Văn phòng Quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng nhấn mạnh.
Những tiến bộ kinh tế dưới thời tổng thống Trump vẫn bị đe dọa bởi “nợ quốc gia không bền vững của chúng ta, đã tăng gần gấp đôi dưới thời chính quyền trước đây và hiện ở mức hơn 22 nghìn tỷ USD”, ông Vought nói trong cuộc họp báo công bố gói ngân sách mới tại Nhà Trắng vào ngày 11/3. “Quốc hội vẫn phớt lờ đề xuất cắt giảm chi tiêu của Tổng thống trong hai năm qua. Chỉ đến khi bản ngân sách thứ ba của chúng tôi đệ trình, họ mới sẵn sàng tiến hành đối thoại về nợ quốc gia.”
Theo Nhà Trắng, các khoản thanh toán lãi cho nợ quốc gia sẽ vượt quá chi tiêu quân sự vào năm 2024.
Đề xuất ngân sách mới kêu gọi dành 750 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng, tăng thêm 5% so với năm 2019. Các mục tiêu cụ thể được xác định gồm cạnh tranh chiến lược với Nga và Trung Quốc; đối phó với Triều Tiên và Iran; đánh bại các mối đe dọa khủng bố; củng cố các thành tựu đạt được tại chiến trường Iraq và Afghanistan. Chính phủ cũng sẽ dành 80,2 tỷ USD cho các nhu cầu chăm sóc y tế Cựu chiến binh.
Đặc biệt, gói ngân sách mới còn đề xuất cung cấp 8,6 tỷ USD để xây dựng bức tường biên giới phía Nam với Mexico, trong tổng số 32,5 tỷ USD dành cho các nhiệm vụ bảo đảm an ninh biên giới và kiểm soát nhập cư.
Cùng với việc cắt giảm chi tiêu, đề xuất mới cũng đưa ra những cải cách cho nhiều chương trình kém hiệu quả, chẳng hạn như Job Corps, vốn đã gây chú ý trong những năm gần đây do sự cố an ninh được báo cáo tại các trung tâm của nó. Job Corps phải chi 35.000 USD cho mỗi người tham gia và Nhà Trắng đề xuất cải cách chương trình này, đồng thời đóng một số trung tâm của nó.
Thay vào đó, chính phủ sẽ thúc đẩy tăng nhu cầu việc làm nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc của người dân vào chính phủ. Những người trong độ tuổi 18-65 sẽ có cơ hội được đào tạo nghề hoặc có cơ hội tham gia vào cộng đồng.
Một lĩnh vực khác cần cải tổ chính là các chương trình giao lưu và văn hóa của Bộ Ngoại giao, vốn đang phải chi trả đến 600 triệu USD.
Hoàng Giang
Xem thêm:
Từ khóa Ngân sách Nhà Trắng bức tường Mexico chi tiêu quốc phòng