Đề xuất rút còn 5 bậc giá điện, cao nhất hơn 3.600 đồng/kWh
Bộ Công thương đề xuất biểu giá điện mới gồm 5 bậc thay vì 6 bậc như hiện nay với bậc thấp nhất từ 0-100 kWh, cao nhất từ 701 kWh trở lên. Trong đó, giá điện bậc 5 (cho kWh từ 701 trở lên) dự kiến tới hơn 3.600 đồng/kWh.
Bộ Công thương vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định hồ sơ dự thảo Quyết định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới, thay thế cho Quyết định 28 năm 2014.
Trong đó, Bộ này đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc theo đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và có thay đổi về cơ cấu tỷ trọng so với giá bán lẻ điện bình quân. Cụ thể:
-Bậc 1: cho 100 kWh đầu tiên; giá điện là 1.806 đồng/kWh
-Bậc 2: cho kWh từ 101 – 200; giá điện là 2.167 đồng/kWh
-Bậc 3: cho kWh từ 201 – 400; giá điện là 2.729 đồng/kWh
-Bậc 4: cho kWh từ 401 – 700; giá điện là 3.250 đồng/kWh
-Bậc 5: cho kWh từ 701 trở lên; giá điện là 3.612 đồng/kWh
Do đó, giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0-100 kWh nhằm đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (chiếm 33,48% số hộ).
Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện được bù đắp từ hộ sử dụng điện từ 401-700 kWh và trên 700kWh.
Bên cạnh đó, giữ nguyên giá điện hiện hành cho các bậc từ 101-200 kWh và 201-300 kWh.
“Giá điện cho các bậc từ 401-700 kWh và từ 701 kWh trở lên được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp”, Bộ Công thương cho biết.
Nhược điểm của phương án này là tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện cao từ 711 kWh/tháng trở lên (chiếm khoảng 2% số hộ) phải trả tăng thêm.
Bộ Công thương cho rằng có thể áp dụng ngay phương án giá điện cơ sở lưu trí du lịch bằng giá điện sản xuất để đảm bảo lộ trình từng bước tính đúng, tính đủ chi phí cho nhóm khách hàng sản xuất.
Theo đó phần thiếu hụt doanh thu do bổ sung nhóm khách hàng “cơ sở lưu trú du lịch” có thể được xem xét để bù từ giá bán điện cho giờ thấp điểm của nhóm khách hàng sản xuất từ 4% đến 8% so với giá bán lẻ điện bình quân do hiện nay giá giờ thấp điểm của nhóm khách hàng này thấp hơn nhiều so với giá bán lẻ điện bình quân (từ 52% đến 56%).
Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là các doanh nghiệp sản xuất sẽ chịu tác động tăng giá từ 1,27% đến 3,85%, gây tác động bất lợi đến các ngành sản xuất.
Vừa qua, Tập đoàn EVN đã tăng giá điện lần thứ hai trong năm 2023 với mức 4,5%. Hồi tháng 5, giá điện đã tăng thêm 3% nhưng theo EVN vẫn chưa đủ bù lỗ.
Riêng năm 2022, EVN lỗ hơn 26.000 tỷ đồng (chưa kể lỗ tỷ giá), tính lũy kế đến tháng 8/2023, tập đoàn này cho biết có khả năng lỗ hơn 55.000 tỷ đồng.
Từ khóa bộ công thương EVN Tập đoàn điện lực giá điện bình quân