Giá xăng dầu tăng 11% từ đầu năm 2022, cước phí vận tải leo thang
- Quang Minh
- •
Trong chưa đầy 2 tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu đã có 4 lần điều chỉnh tăng liên tiếp, mức tăng trung bình 11%. Điều này khiến cước phí vận tải tăng cao, các doanh nghiệp vận tải, xuất nhập khẩu “mất ăn mất ngủ” vì lo chi phí.
Theo kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 21/2, liên Bộ Tài chính – Công thương đã điều chỉnh đồng loạt tăng giá xăng dầu bán lẻ trong nước. So với mức giá vào ngày 11/1/2022 (kỳ điều chỉnh giá xăng dầu đầu tiên của năm 2022), giá xăng dầu đã tăng như sau:
– Xăng E5 RON92 tăng 2.201 đồng/lít (tương đương tăng 9,5%), từ 23.150 đồng/lít lên mức giá 25.531 đồng/lít.
– Xăng RON95 tăng 2.415 đồng/lít (tương đương tăng 10,1%), từ 23.870 đồng/lít lên mức giá 26.285 đồng/lít.
– Dầu hỏa tăng 2.370 đồng/lít (tương đương tăng 13,8%), từ 17.130 đồng/lít lên mức giá 19.500 đồng/lít.
– Dầu Diesel tăng 2.570 đồng/lít (tương đương tăng 14,1%), từ 18.230 đồng/lít lên mức giá 20.800 đồng/lít .
– Dầu mazut tăng 1.570 đồng/kg (tương đương tăng 9,6%), từ 16.360 đồng/kg lên mức giá 17.930 đồng/kg.
Theo đó, trung bình giá xăng đã tăng 10%, giá dầu tăng 12% (trung bình giá xăng dầu tăng 11%) so với kỳ điều chỉnh đầu tiên của năm 2022. Điều này gây áp lực rất lớn lên chi phí vận tải hàng hóa của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp vận tải hành khách trong bối cảnh nhu cầu đi lại đang giảm mạnh sau Tết Nguyên đán.
Bà Lê Thị Mỹ Hạnh – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Banana Brothers Farm cho biết hoạt động xuất khẩu của công ty đang gặp khó khăn hơn giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” của năm ngoái. Hàng loạt cước phí vận chuyển chẳng những không giảm mà tiếp tục tăng “chóng mặt” khiến doanh nghiệp của bà trở tay không kịp.
Theo bà Mỹ Hạnh, tình hình cửa khẩu phía Bắc trong tình trạng ùn tắc, lúc mở lúc đóng thất thường khiến nhiều xe container chở chuối của doanh nghiệp đi từ Đồng Nai lên tới biên giới phải quay đầu xe về. Trong tình huống đó, xe container phải chuyển hàng đến cảng Hải Phòng hoặc về xa hơn là cảng Cát Lái (TP.HCM) để vận chuyển bằng đường biển.
“Giá xăng dầu liên tục tăng mạnh, chi phí vận chuyển của doanh nghiệp từ vùng nguyên liệu lên cửa khẩu hay cảng biển đội thêm từ 3-4 triệu đồng/xe. Chưa kể, nhiều lô hàng đưa về cảng nhưng không tìm được tàu phải quay trở lại. Doanh nghiệp vừa mất phí, vừa bị hỏng hàng hóa”, bà Hạnh nói – báo Tiền Phong dẫn lời.
Tuy vậy, giá cước vận chuyển sang Trung Quốc bằng đường biển không hề rẻ, hiện nay giá xuất sang Trung Quốc từ 170 triệu – 200 triệu đồng/container, thậm chí có thời điểm tăng cao hơn. Bà Hạnh cho hay năm ngoái các bộ ngành của Việt Nam cam kết tìm giải pháp giảm cước phí vận tải nhưng đến nay chỉ thấy giá cước ngày càng tăng thêm.
Ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết sau Tết Nguyên đán, chi phí vận tải tiếp tục tăng cao, cộng thêm việc thiếu hụt container kéo dài gần 2 năm chưa khắc phục được. Việc này đang dẫn đến ách tắc cả đầu ra (các lô hàng xuất khẩu) lẫn đầu vào (các lô nguyên liệu nhập khẩu) của các doanh nghiệp trong nước.
“Tình trạng này diễn ra suốt hơn 2 năm nay. Chúng tôi đã nhiều lần gửi công văn để các bộ, ngành và kiến nghị các cơ quan có giải pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, đến nay cước phí vận tải tàu biển vẫn tiếp tục tăng cao và tình trạng thiếu container ngày càng nghiêm trọng”, ông Hòe nói, báo Tiền Phong dẫn lời.
Ông Phạm Quang Anh – Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony cho biết các doanh nghiệp sản xuất hàng nội địa hay xuất khẩu đều đang “gồng mình” với giá nhiên liệu tăng phi mã trong vòng 2 tháng qua. “Ngay xe chở vải nhập từ kho cảng Cát Lái (TP.HCM) về xưởng trước chỉ 2,8 triệu đồng/lượt, nay tăng lên 3,2 triệu vào chiều ngày 21/2″, báo Thanh Niên đưa tin.
Về phía doanh nghiệp vận tải hành khách, ông Bùi Phan Lương – Phó Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Tĩnh cho hay hiện nay mỗi ngày chỉ có khoảng 30 xe xuất bến. Nếu so với trung bình 110 xe xuất bến một ngày, hiện nay lượng xe đã giảm hai phần ba.
Ngày 22/2, tại bến xe Hà Tĩnh, hàng chục xe khách giường nằm nhiều tuyến nằm bãi vì không có khách. Ngoài ra, giá xăng dầu liên tục tăng khiến các doanh nghiệp vận tải hành khách đối mặt khó khăn rất lớn trong việc duy trì hoạt động, theo báo Giao Thông.
Ông Bùi Văn Viện – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại vận tải Hiếu Viện cho biết trước đây tuyến Hà Tĩnh – TP.HCM, mỗi xe giường nằm (loại xe lớn tương đương 45 chỗ ngồi) tiêu thụ khoảng 15-16 triệu đồng tiền dầu. Hiện nay, với giá dầu tăng khá cao, mỗi xe tương tự chạy tuyến Hà Tĩnh – TP.HCM, doanh nghiệp phải chi ra thêm vài triệu đồng tiền dầu.
Ông Viện cho biết giá xăng dầu tăng lên, kéo theo chi phí của doanh nghiệp nhiều hơn nhưng rất khó tăng giá vé. Nguyên nhân là vì hiện nay lượng khách đi lại rất ít, nhà xe thì nhiều, các chủ xe cạnh tranh nhau từng chút một.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định giá xăng dầu tăng không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống người dân mà khiến đà phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) của Việt Nam bị ảnh hưởng.
“Chính khu vực đóng góp quan trọng nhất cho tăng trưởng là doanh nghiệp, nhưng khu vực này đang bị thiệt hại kép. Ngoài ảnh hưởng lớn buộc phải ngừng hoạt động, tăng chi phí để vừa sản xuất vừa phòng dịch COVID-19 trong năm qua, nay họ bị giáng thêm đòn chí tử nữa là giá nhiên liệu tăng quá cao”, bà Lan nói, báo Thanh Niên dẫn lời.
Đồng quan điểm với bà Lan, TS Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia nhận định việc giá xăng dầu tăng cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế Việt Nam. Năm 2021, nhập siêu từ các sản phẩm xăng dầu là khoảng 6,3 tỷ USD. Ngoài ra, giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo giá hàng hóa đi lên, tạo áp lực lên lạm phát. Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực phục hồi kinh tế, giá xăng dầu tăng liên tục sẽ làm vô hiệu hóa một số chính sách tài khóa, ví như chính sách giảm thuế VAT 2% vừa qua.
Quang Minh
Xem thêm:
Từ khóa lạm phát cước phí vận tải giá xăng dầu