Hãng vận tải biển quốc tế mua máy bay để vận chuyển hàng hóa
- Quang Minh
- •
Trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), hai công ty vận tải biển hàng đầu thế giới là APM-Maersk (Đan Mạch) và CMA-CGM (Pháp) đã mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực vận tải hàng không bằng việc đầu tư mua máy bay của Boeing và Airbus.
Hiện nay, các hãng tàu lớn nhất thế giới đang “vung tiền” để thành lập đội máy bay chở hàng của riêng họ. Việc này nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực vận tải bằng đường hàng không và phục vụ các khách hàng lớn sẵn sàng trả tiền để đối phó với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng vận tải biển do đại dịch COVID-19 tác động.
Về chi phí, hàng hóa bay bằng đường hàng không thông thường là lựa chọn cuối cùng và đắt nhất đối với nhiều công ty sản xuất và bán lẻ. Tuy vậy, trong bối cảnh tồn đọng hàng hóa tại các cảng biển và khối lượng hàng hóa cần vận chuyển tăng nhanh nên nhu cầu về vận tải hàng không đang tăng mạnh.
Hai hãng tàu này hiện đang vận hành hơn 1.000 tàu biển. Các hãng tàu khổng lồ như APM-Maersk và CMA-CGM cho biết họ không muốn cạnh tranh trực tiếp với các công ty lớn chuyên ngành vận tải hàng không như Tập đoàn FedEx và United Parcel Service (UPS).
Các giám đốc điều hành hãng tàu cho biết họ có kế hoạch sử dụng các máy bay để bổ sung vào hoạt động kinh doanh vận tải đường biển cốt lõi của họ, trong bối cảnh việc vận chuyển hàng hóa đúng giờ đang trở thành ưu tiên.
Hàng chục tàu tiếp tục xếp hàng bên ngoài các cảng lớn như Los Angeles (Hoa Kỳ), Thiên Tân và Ninh Ba (Trung Quốc), Felixstowe (Anh) và Antwerp (Bỉ) thường phải chờ hàng tuần để bốc xếp hàng ngàn container.
“Chúng tôi sẽ phát triển vận chuyển hàng không nhanh chóng vì chúng tôi cần nó”, ông Ferwin Wieringa, người đứng đầu bộ phận vận chuyển hàng không tại Maersk cho biết.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), vận chuyển hàng không chiếm khoảng 1% khối lượng thương mại toàn cầu nhưng chiến đến 35% tính theo giá trị hàng hóa.
Đội máy bay chở hàng mà các hãng vận tải biển đang vận hành chỉ là một phần nhỏ so với con số 1.000 máy bay của các hãng giao nhận toàn cầu như FedEx, UPS và DHL. Các công ty này có thể xử lý hàng trăm chuyến bay mỗi ngày. Trước đại dịch, phần lớn hoạt động vận tải hàng hóa đường hàng không do các hãng bay dân dụng đảm nhận bằng cách sử dụng khoang bụng của đội máy bay chở khách đường dài của họ.
Không giống như các công ty đó, Maersk và các công ty trong ngành vận tải biển đang tìm cách vận chuyển những pallet (tấm kê hàng thường làm bằng gỗ hoặc nhựa cứng) chứa nhiều hàng hóa khác nhau thay vì các gói hàng nhỏ hơn.
Một phát ngôn viên của FedEx nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tận dụng sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử với khả năng linh hoạt của mạng lưới FedEx để thích nghi với điều kiện thị trường thay đổi”. Được biết, mạng lưới toàn cầu của FedEx đã được xây dựng hơn 50 năm và gần như không thể sao chép mô hình của họ.
Năm 2021, Maersk đã đồng ý mua hãng giao nhận hàng hóa và chuyên vận tải hàng không Senator International của Đức với giá 644 triệu USD. Cuối năm 2022 thương vụ này hoàn tất sẽ giúp tăng gấp đôi khối lượng hàng vận chuyển bằng đường hàng không của Maersk.
Công ty con Star Air của Maersk đang vận hành 15 chuyên cơ vận tải Boeing 767 và cho thuê ba chiếc khác. Công ty này cũng đã đặt mua 2 chuyên cơ chở hàng thân rộng Boeing 777.
Năm 2019, hãng tàu CMA-CGM đã mua lại công ty chuyên kho vận là CEVA Logistics của Pháp với giá 1,67 tỷ USD, sau đó ra mắt dịch vụ vận tải hàng không riêng vào năm 2021, trong khi phần lớn đội máy bay thương mại toàn cầu ngừng hoạt động vì các lệnh phong tỏa biên giới để kiểm soát đại dịch COVID-19.
CMA-CGM đã mua 4 máy bay vận tải Airbus A330 vào năm 2021 và có kế hoạch bổ sung 3 chiếc Boeing 777 vào thời gian tới. Vào tháng 1/2021, công ty này đã đặt hàng 4 chiếc Airbus A350 và bắt đầu giao hàng từ năm 2025.
“Điều này sẽ thắt chặt thêm mối quan hệ với khách hàng của chúng tôi. Họ sẽ rất vui và chúng tôi sẽ có nhiều đơn vận tải hàng hóa hơn nữa”, ông Olivier Casanova, Giám đốc điều hành của CMA-CGM Air Cargo cho biết.
Máy bay chở hàng có thể vận tải đa dạng các loại hàng hóa như: phụ tùng ô tô, thực phẩm, thiết bị y tế bệnh viện, vắc-xin, các sản phẩm công nghệ, quần áo của các thương hiệu lớn, pin lithium cho xe điện, v.v…
Ông Peter Sand, Giám đốc phân tích tại Xeneta cho biết vận tải hàng không có chi phí trung bình cao gấp 6 lần so với vận tải đường biển. Giá cước vận chuyển hàng không thay đổi tùy thuộc vào tuyến đường bay và các yếu tố khác.
Ông Sand cho hay trước đại dịch, cước phí vận tải hàng không cao gấp 17 lần so với vận tải biển. Nhưng khoảng cách về giá đã được thu hẹp, không phải vì giá cước hàng không giảm mà do giá cước vận tải biển tăng cao kỷ lục trong năm vừa qua.
Quang Minh, theo The Wall Street Journal
Xem thêm:
Từ khóa vận tải biển vận tải hàng không