Khơi thông thị trường xuất khẩu, gỡ khó cho nông lâm thủy sản
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gạo, thủy sản, cafe,… đang gặp vấn đề tại các thị trường chủ lực, nguy cơ ảnh hưởng mạnh tới khả năng xuất khẩu bền vững.
Cuộc họp chiều 9/8 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức đánh giá lại tình hình xuất khẩu nông, lâm thủy sản của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016 đã nhanh chóng trở thành diễn đàn cho đại diện các hiệp hội nghề lên tiếng đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành phải khẩn trương vào cuộc thực hiện các giải pháp khơi thông đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Gạo khó về giá cả, chất lượng và rào cản kỹ thuật
Về thị trường gạo, Việt Nam chỉ chủ yếu xuất khẩu cho Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Nhưng năm nay gặp nhiều khó khăn vì phía Trung Quốc thắt chặt việc nhập khẩu qua đường tiểu ngạch. Tại thị trường Châu Phi, nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn e ngại sợ rủi ro, trong khi Thái Lan có nguồn cung gạo từ phẩm cấp thấp tới cấp cao và hưởng lợi từ chi phí vận chuyển rẻ hơn Việt Nam. Đối với các thị trường Nhật, Mỹ, xuất khẩu gạo Việt Nam giảm mạnh do không kiểm soát được chất lượng. “Từ năm 2013 tới nay, chúng ta không xuất khẩu được gạo sang Nhật Bản. Năm 2014 xuất sang Mỹ được 70.000 tấn gạo chất lượng cao, Thái Lan bán được 400.000 tấn. Tuy nhiên, đến năm 2015, Thái Lan bán được trên 40ạ.000 tấn thì Việt Nam chỉ xuất được 44.000 tấn. Xuất sang EU thì giảm dần từ 24.000 tấn xuống còn 20.000 tấn năm 2014; 18.000 tấn năm 2015 và sẽ giảm nữa.” – Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết.
Ông Huỳnh Thế Năng cung cấp thêm: “Theo Chương trình giám sát theo Nghị định thư về gạo và cám của Trung Quốc. Chưa có công ty khử trùng, giám định gạo nào của Việt Nam được phía Trung Quốc công nhận, khiến việc xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn. Đề nghị Bộ NN&PTNT giúp đỡ kinh phí để các chuyên gia Trung Quốc sang Việt Nam kiểm tra, công nhận cho các công ty Việt Nam có đủ tiềm lực xuất khẩu sang Trung Quốc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.
Để gỡ khó cho xuất khẩu gạo, bà Bùi Thị Thanh Tâm Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc cho rằng: “Rất cần có sự can thiệp của Chính phủ để ký các hợp đồng xuất khẩu đối với mặt hàng gạo. Đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương đề xuất lên Chính phủ về vấn đề này. Ngoài ra, cần tháo gỡ những rào cản kỹ thuật, thuế quan tại các thị trường Mexico, Mỹ… Đồng thời giảm thuế VAT cho các doanh nghiệp xuất khẩu, để họ xây dựng thương hiệu”.
Thông tin cá chết ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu thủy sản
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản đề nghị Bộ NN&PTNT nhanh chóng thống kê chính xác về sản lượng cá tra thực tế để có cơ sở đánh giá. “Kiến nghị từ nay tới cuối năm có thống kê dữ liệu quốc gia về cá tra, trên cơ sở cân đối cung cầu xuất khẩu. Đồng thời áp dụng quy chuẩn Việt Nam về chất lượng cá tra, nhanh chóng ổn định chất lượng cá tra với thị trường EU mới giúp tăng trưởng xuất khẩu”, ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký VASEP nói. Ngoài ra, ông Hòe cho rằng cần xử lý vấn đề khủng hoảng truyền thông. Thông tin cá chết ở 4 tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng tới xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đánh đồng các loại thủy sản của Việt Nam có chất lượng không tốt. Cần có chiến lược truyền thông cấp Quốc gia cho thủy sản.
Trả lời đại diện các Hiệp hội, ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết: “Bộ sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài liên kết để tăng cường xuất khẩu. Đặc biệt là tìm đầu ra cho thị trường gạo tại các nước như: Indonesia, Philippines, thị trường châu Phi. Tập trung xây dựng thương hiệu gạo, dự kiến tới tháng 11 năm nay sẽ hoàn thiện bộ tiêu chuẩn chất lượng gạo, đầu năm 2017 sẽ thi thiết kế logo thương hiệu gạo Quốc gia. Với thủy sản, tháng 11/2016 sẽ cử đoàn sang Mỹ để tháo gỡ các kỹ thuật liên quan tới xuất khẩu cá tra, chè…”.
Ông Nguyễn Quang Sơn, Trưởng phòng Hàng hóa xuất nhập khẩu thương mại , Cục giám sát quản lý, Tổng Cục Hải quan: Đối phó với thương lái Nhóm hàng nông sản xuất khẩu luôn luôn được ưu tiên số một nhưng Trung Quốc đang quản lý biên mậu rất chặt. Ngoài ra, thương lái Trung Quốc có sự đoàn kết cao, ví dụ đến mùa vải, họ thống nhất mức giá 3 nhân dân tệ/kg, khiến người dân tranh bán, đưa vải lên cửa khẩu rất nhiều. Sau đó, họ đồng loạt giảm xuống 2 nhân dân tệ/kg, dùng lực lượng kiểm dịch, kiểm soát rất chặt, khiến vải phải xếp hàng dài, hỏng nhiều. Đến khi chúng ta không kiên nhẫn được nữa, giảm giá xuống 1 nhân dân tệ/kg thì họ mới mua. Tình trạng này không chỉ diễn ra với vải mà áp dụng cho tất cả các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Chúng ta cũng gặp rất nhiều nhưng chưa rút được kinh nghiệm. |
Nguyên Hương
Từ khóa thị trương nông sản xuất khẩu