Trong bối cảnh nhu cầu thấp, các lĩnh vực như bất động sản, xuất nhập khẩu đều sụt giảm, các doanh nghiệp vô cùng khó khăn, thu hẹp sản xuất. Dẫn đến ngân hàng cũng “điêu đứng” khi phải tiếp tục huy động vốn và trả lãi vay.

atm ngan hang bank doanh nghiep lai suat 217517728
Doanh nghiệp ngày càng khó khăn nên không muốn tiếp cận vốn vay ngân hàng. (Ảnh minh họa: Vietnam Stock Images/Shutterstock)

Tại cuộc họp về tín dụng vốn cho nền kinh tế hôm 7/9, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, việc sản xuất gặp khó khăn không chỉ ở tín dụng mà là do thiếu đơn hàng và đơn giá thấp. DN không có cơ hội sản xuất kinh doanh khả dĩ thì không vay tiền để làm gì dù lãi suất có thấp.

TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng thực tế do nhu cầu thị trường không có nên doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vốn. Nếu vay vốn về sản xuất mà hàng tồn kho nhiều hơn, lại phải trả lãi thì còn khó khăn hơn nữa.

Hôm 15/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản đề nghị các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm.

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, mặt bằng lãi suất từ giờ đến cuối năm sẽ giảm khoảng 0,5 điểm phần trăm. Lãi suất huy động sẽ giảm chậm hơn lãi suất cho vay vì lãi suất huy động đã giảm mạnh liên tục trong thời gian qua và hiện gần đến tận cùng.

Trong khi đó, lãi suất cho vay vẫn ở mức cao và còn nhiều cơ hội giảm.

Việc giảm lãi suất ở thị trường trong nước còn tùy thuộc vào tình hình tài chính thế giới. Nếu Fed tăng lãi suất vào tháng 9 thì Việt Nam khó giảm sâu lãi suất.

Bởi khi đó nếu giảm lãi suất thì tiền đồng sẽ giảm, đẩy tỷ giá với USD lên cao, tạo sự bất ổn ở thị trường ngoại hối.

Công ty Chứng khoán VnDirect nhận định, mặt bằng lãi suất cho vay có thể tiếp tục giảm mạnh hơn trong những tháng tới do chi phí vốn của các ngân hàng đang giảm nhờ tác động từ việc giảm lãi suất điều hành của NHNN trong 6 tháng đầu năm và Thông tư 02 về trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu.

Trọng Minh