Một số ngân hàng thương mại Trung Quốc đã nâng mức phân loại rủi ro đối với các sản phẩm kim loại quý của họ – đặc biệt đối với vàng vật chất – sau những biến động gia tăng trên thị trường này.

cuu can bo ngan hang tpbank tham o 246 luong vang sjc
Lợi dụng kẽ hở trong quản lý tài sản đảm bảo, trong nhiều năm, một cán bộ ngân hàng TPBank đã tham ô 246 lượng vàng, mang đi bán để sử dụng với mục đích cá nhân. (Ảnh minh họa: sommart sombutwanitkul/shutterstock)

Ngân hàng ngăn khách hàng đầu tư vào vàng

Theo báo cáo từ hãng truyền thông Trung Quốc Yicai Global, các khoản đầu tư vào kim loại quý hiện được phân loại là “rủi ro cao hơn” chủ yếu là các sản phẩm vàng vật chất. Một người trong ngành ngân hàng nói với Yicai rằng, các ngân hàng đang tích cực ngăn chặn khách hàng đầu tư vào vàng: Họ đã ngừng mở tài khoản mới cho loại sản phẩm này và khách hàng hiện tại chỉ có thể đóng vị thế chứ không thể thêm vào.

Báo cáo lưu ý rằng, giá vàng tương lai trên sàn Comex đã tăng hơn 28% vào đầu tháng 11, sau đó giảm 6,5% và phục hồi ngay sau đó. Bằng cách nâng cao phân loại rủi ro, các ngân hàng nhằm mục đích bảo vệ các nhà đầu tư bán lẻ ít kinh nghiệm hoặc không thích rủi ro khỏi những tổn thất tiềm ẩn.

Nguồn tin cho biết: “Các tổ chức cho vay Trung Quốc cũng đang loại bỏ dần các sản phẩm đầu tư theo dõi thị trường hợp đồng tương lai hàng hoá, đồng thời tăng cường các biện pháp kiểm soát rủi ro và siết quyền tiếp cận của nhà đầu tư. Các biện pháp này bao gồm cấm mở tài khoản mới, hạn chế giao dịch với khách hàng hiện tại, nâng cao phân loại rủi ro và đặt ra số tiền đầu tư tối thiểu cao hơn”.

Một số ngân hàng cũng đang yêu cầu các nhà đầu tư thực hiện lại các đánh giá về mức độ chấp nhận rủi ro của cá nhân.

Báo cáo lưu ý: “Ví dụ, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc không còn cho phép khách hàng có xếp hạng chấp nhận rủi ro cá nhân là “bảo thủ” “thận trọng” đầu tư vào một số sản phẩm vàng vật chất sau khi nâng mức phân loại rủi ro”. Nguồn tin cho biết thêm: “Hơn nữa, các ngân hàng có thể chỉ giữ lại những sản phẩm đầu tư có phân loại rủi ro tương đối thấp, chẳng hạn như đầu tư vật chất”.

Thị trường vàng Trung Quốc biến động

Sự thay đổi chính sách ngân hàng diễn ra sau nhiều tháng biến động mạnh mẽ về giá và nhu cầu trên thị trường vàng lớn nhất thế giới. Người tiêu dùng và Ngân hàng trung ương Trung Quốc chuyển từ vị trí là động lực thúc đẩy giá vàng thế giới tăng sang vị trí bên lề khi giá thiết lập mức cao kỷ lục.

Cuối tháng 11, Cục Dữ liệu và Điều tra Dân số Hồng Kông công bố số liệu cho thấy nhập khẩu ròng vàng của Trung Quốc qua Hồng Kông trong tháng 10 đã giảm 4,6% so với tháng trước và giảm 43% so với năm trước.

Nhà phân tích Rhona O’Connell của StoneX Bullion viết: “Những số liệu mới nhất từ ​​Hải quan và Thuế tiêu thụ đặc biệt Hồng Kông khiến cho thông tin trở nên thú vị. Trường hợp ngoại lệ lớn nhất trong tháng này là Trung Quốc (luôn là quốc gia đáng được theo dõi vì những lý do rõ ràng)”.

Bà nói: “Các con số của Trung Quốc cho chúng ta thấy rằng xuất khẩu ròng của Hồng Kông vào Trung Quốc trong tháng 10 đã giảm 51% so với mức trung bình từ tháng 1 đến tháng 9, mặc dù con số Xuất khẩu + Tái xuất khẩu tuyệt đối ở mức 28 tấn chỉ giảm 30%”. 

“Lý do là có 13 tấn hàng nhập khẩu vào Hồng Kông từ Trung Quốc trong tháng 10. Nhu cầu vàng trong nước của Trung Quốc ở cấp độ bán lẻ đã chậm lại do sự phục hồi kinh tế trong nước yếu kém dẫn đến sự cắt giảm chi tiêu cho đồ trang sức”, bà nói thêm.

Nhu cầu đại lục hạ nhiệt tác động đến các nhà bán lẻ vàng

Nhu cầu trang sức vàng ở đại lục ngày càng giảm cũng đang tác động lớn đến các nhà bán lẻ. Chow Tai Fook Jewellery Group Ltd., nhà bán lẻ trang sức lớn nhất Trung Quốc, chứng kiến ​​doanh thu giảm 20,4% trong nửa năm kết thúc vào tháng 9, mức giảm lớn nhất trong cùng kỳ kể từ năm 2016.

Trung Quốc chiếm hơn 80% doanh thu của tập đoàn, nhưng niềm tin yếu kém của người tiêu dùng trong bối cảnh giá bất động sản lao dốc và tỷ lệ thất nghiệp cao đã khiến khách hàng không muốn mua hàng. Giá vàng tăng cao càng làm giảm nhu cầu. Sự phục hồi chậm chạp của ngành du lịch ở Hồng Kông, thị trường lớn thứ hai của tập đoàn, cũng góp phần vào sự suy giảm.

Doanh số bán hàng của tập đoàn đã giảm 25,4% ở Trung Quốc đại lục và 30,8% ở Hồng Kông và Ma Cao trong 6 tháng tính đến tháng 9. Tập đoàn cũng giảm mạng lưới bán hàng của mình xuống 239 cửa hàng – chủ yếu là cửa hàng nhượng quyền – để cắt giảm chi phí và cải thiện lợi nhuận.

Tình trạng xảy ra tương tự với hãng kim hoàn Luk Fook có trụ sở tại Hồng Kông. Hãng này đã đóng cửa 175 cửa hàng ở Trung Quốc và Hồng Kông trong vòng 6 tháng tính đến tháng 9 do giá vàng cao kỷ lục ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận.

Doanh thu của công ty đã giảm 27% so với năm trước xuống còn 5,45 tỷ đô la Hồng Kông (700,2 triệu USD), theo công bố của công ty vào cuối tháng 11. Lợi nhuận ròng giảm 56% xuống còn 417,2 triệu đô la Hồng Kông (53,6 triệu đô la) do hoạt động phòng ngừa rủi ro bằng vàng trong kỳ.

Phan Vũ (theo Kitco)