Mỹ: CPI tháng 3 tăng 8,5%, đạt mức cao mới trong 40 năm
- Lâm Yến
- •
Dữ liệu do Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm thứ Ba (ngày 12/4) cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng Ba đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, vật giá tăng vọt lên mức cao nhất kể từ những ngày đầu của chính quyền Reagan cách đây 40 năm.
Chỉ số CPI chưa điều chỉnh trong tháng 3 cao hơn dự báo của thị trường là 8,4% và cũng vượt qua mức 7,9% được ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ tháng 12 năm 1981. Tốc độ tăng trưởng hàng năm của CPI Mỹ đã vượt quá 6% trong 6 tháng liên tiếp, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ.
Nếu loại trừ giá thực phẩm và năng lượng biến động, CPI cốt lõi trong tháng 3 đã tăng 6,5% so với một năm trước đó, tăng từ mức 6,4% trong tháng Hai. Tốc độ lạm phát phù hợp với dự báo và có vẻ như tốc độ gia tăng đang bắt đầu suy yếu.
Sau khi chỉ số CPI được công bố, thị trường đặt cược Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể làm chậm các đợt tăng lãi suất tích cực vào tháng 5 đã khiến hợp đồng tương lai cổ phiếu tăng và lợi tức trái phiếu giảm.
Giá nhà ở và giá năng lượng thúc đẩy lạm phát
Bộ Lao động Mỹ cho biết, những yếu tố góp phần lớn nhất vào việc gia tăng lạm phát là thực phẩm, chi phí nhà ở và xăng dầu. Giá hàng tạp hóa tăng mạnh trong tháng 3, tăng 1,5% so với tháng trước.
Chiến tranh Ukraine và áp lực cung cấp năng lượng đã khiến giá năng lượng tăng cao. Trong tháng 3, giá năng lượng tăng 11% so với tháng trước đó, mức tăng lớn nhất kể từ năm 2005. Trong đó, giá xăng dầu tăng 18,3% trong tháng 3, chiếm hơn một nửa tổng mức tăng hàng tháng của CPI, và là mức tăng lớn nhất kể từ năm 2009.
Chỉ số nhà ở cho đến nay vẫn là yếu tố lớn nhất thúc đẩy tăng trưởng lạm phát. Trong tháng Ba, lạm phát nhà ở tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức 4,7% của tháng 2, mức cao nhất kể từ tháng 5/1991; chi phí thuê nhà trong tháng 3 tăng 4,44% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 4,17% của tháng 2, mức cao nhất kể từ tháng 5/2007. Chi tiêu cho nhà ở chiếm khoảng ⅓ tỷ trọng của CPI.
Chỉ số giá xe hơi và xe tải đã qua sử dụng, vốn đã thống trị các đợt tăng giá trong quá khứ, đã giảm 3,8% trong tháng 3, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1969 và là lần giảm thứ hai liên tiếp hàng tháng. Tuy nhiên giá ô tô và xe tải đã qua sử dụng đã tăng 35,3% trong năm qua.
Theo một cuộc khảo sát của Bloomberg, dự kiến lạm phát bắt đầu giảm sau cuộc họp tháng 3 của FED về lãi suất, thị trường kỳ vọng CPI của Mỹ sẽ tăng lần lượt 7,6% và 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong 2 quý của nửa cuối năm nay. Theo nhận định của ít 6 ngân hàng tại Phố Wall, đó là đỉnh điểm của làn sóng lạm phát.
Fed có thể tăng lãi suất vào tháng 5
Dữ liệu lạm phát gia tăng khiến Cục Dự trữ Liên bang gặp thách thức khó khăn trong việc cân bằng chính sách khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Bản ghi tóm tắt nội dung chính trong cuộc họp tháng 3 của FED chỉ ra rằng nhiều quan chức FED muốn tăng lãi suất chuẩn lên 50 điểm cơ bản, thay vì mức tăng 25 điểm cơ bản truyền thống trong quá khứ.
Ngày 8/4, Reuters đưa tin, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) James Bullard cho biết, FED đang lạc hậu trong việc chống lạm phát và cần tăng lãi suất thêm 3 điểm phần trăm vào cuối năm nay. Điều này có nghĩa là FED sẽ phải tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản tại mỗi cuộc họp trong số 6 cuộc họp còn lại trong năm nay mới có thể đuổi kịp lạm phát. Hiện tại tỷ lệ lạm phát tại Mỹ đã cao hơn gấp 3 lần mục tiêu 2% của FED.
Tại cuộc họp tháng 3 của FED, ông James Bullard dự kiến lãi suất quỹ liên bang sẽ đạt 3,25% vào cuối năm 2022.
Mặt khác, Mỹ đã có thêm 430.000 việc làm trong tháng 3, đây là tháng thứ 11 liên tiếp đạt hơn 400.000 việc làm và là khoảng thời gian tăng trưởng dài nhất kể từ năm 1939.
Với tốc độ tăng trưởng việc làm mạnh mẽ và lạm phát cao hơn mục tiêu của FED, dự kiến FED sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp vào đầu tháng 5, đồng thời tiến hành kế hoạch thu hẹp bảng cân đối kế toán.
Một báo cáo riêng từ Cục Thống kê Lao động cho thấy, thu nhập thực tế bình quân theo giờ của người lao động đã giảm 0,8% trong tháng 3 trên cơ sở điều chỉnh theo mùa.
Bà Blerina Uruci, nhà kinh tế học Mỹ tại T. Rowe Price Group Inc., nói với tờ Wall Street Journal rằng bà lo ngại cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, cộng thêm tác động của sự bùng phát COVID-19 ở Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng, cuối cùng đã tiếp tục đẩy giá hàng hóa và dịch vụ tăng trên diện rộng.
Hôm thứ Hai, ngày 11/4, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, báo cáo CPI tháng 2 do Bộ Lao động công bố không phản ánh được hiện tượng giá dầu và khí đốt tự nhiên tăng vọt do chiến tranh Nga – Ukraine bùng nổ. Cô Psaki dự đoán rằng do giá cả tăng vọt do ảnh hưởng bởi chiến tranh Nga – Ukraine, nên chỉ số CPI của Mỹ trong tháng 3 có thể cao hơn rất nhiều so với dự đoán.
Chính quyền Biden đang bị chỉ trích vì không kiểm soát được giá cả. Nhà Trắng vào tháng 3 đã ra lệnh giải phóng lượng dầu dự trữ lớn nhất từ trước đến nay để giúp hạ giá, nhưng giá xăng trung bình trên toàn nước Mỹ vẫn trên 4 USD / gallon.
Từ khóa Kinh tế Mỹ lạm phát Mỹ CPI Mỹ