The Epoch Times đưa tin, số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm trong tuần thứ hai liên tiếp và doanh số bán lẻ trong tháng Bảy tăng mạnh. Hai dữ liệu được công bố vào ngày 15/8 này dường như đã xoa dịu nỗi lo của các nhà đầu tư về một cuộc suy thoái sắp xảy ra khi phố Wall mở cửa tăng điểm và lợi suất trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ kỳ hạn 10 năm chuẩn tăng đáng kể.

doanh so ban le my 4
Đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm và doanh số bán lẻ tăng, xoa dịu nỗi lo suy thoái tại Mỹ. (Ảnh: shutterstock)

Theo dữ liệu từ Bộ Lao động Hoa Kỳ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu, điểm dữ liệu tần suất cao được coi là thước đo cho tình trạng thất nghiệp, đã giảm 7.000, xuống còn 227.000 trong tuần kết thúc vào ngày 10/8.

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp liên tục, phản ánh số lượng người Mỹ tiếp tục nhận trợ cấp thất nghiệp sau khi nộp đơn xin trợ cấp ban đầu, cũng giảm 7.000, xuống còn 1,864 triệu. Điều này càng củng cố thêm quan điểm rằng thị trường lao động có thể thách thức kỳ vọng về “hạ cánh cứng” (giảm tăng trưởng hoặc xu hướng xuống dốc rõ rệt của kinh tế sau giai đoạn tăng trưởng nhanh) trong bối cảnh chính sách lãi suất cao của Cục Dự trữ Liên bang đã làm nguội lạnh nền kinh tế và khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao hơn.

“Nỗi lo suy thoái tại Hoa Kỳ tiếp tục lắng xuống khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu giảm xuống một lần nữa trong tuần này xuống còn 227.000 (từ 234.000 tuần trước và 250.000 hai tuần trước), theo cùng mô hình như tháng Tám năm ngoái”, nhà phân tích Charlie Bilello cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội X.

Dữ liệu khác đưa ra lời giải thích về “hạ cánh mềm” (nền kinh tế chậm lại nhưng không sụp đổ; tốc độ tăng trưởng giảm tốc nhưng không có suy thoái) vào thứ Năm, khi doanh số bán lẻ tăng mạnh nhất trong một năm rưỡi vào tháng Bảy. Điều này giúp các nhà đầu tư an tâm hơn sau khi báo cáo việc làm đáng thất vọng vào ngày 2/8 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đã tăng vọt lên mức cao nhất trong gần ba năm là 4,3%. Ở mức 1,0% so với tháng trước, mức tăng trưởng doanh số bán lẻ cao hơn nhiều so với dự báo của các nhà phân tích là 0,4%.

“Cùng nhau, các con số—mặc dù ồn ào—đẩy biên độ chống lại rủi ro suy thoái (mà tôi cho là 35%),” nhà kinh tế học Mohamed El-Erian, cựu giám đốc điều hành của công ty quản lý đầu tư Pimco của Hoa Kỳ, cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội X.

Khả năng suy thoái 35% mà nhà kinh tế học El-Erian đánh giá là trái ngược hoàn toàn với tỷ lệ mà giám đốc điều hành JPMorgan Jamie Dimon đưa ra một tuần trước. Ông Dimon khi đó cho biết những bất ổn đang diễn ra—bao gồm căng thẳng địa chính trị, bất ổn thị trường nhà ở và lạm phát cao—có khả năng làm chệch hướng nền kinh tế. Ông Dimon đưa ra tỷ lệ tránh suy thoái ở mức 35–40%.

Nỗi lo suy thoái đã quay trở lại mạnh mẽ trong những tuần gần đây sau một loạt dữ liệu đáng thất vọng về thị trường lao động và sản xuất khiến thị trường chao đảo. Mặc dù thị trường phần lớn đã phục hồi, nhiều nhà phân tích cảnh báo về khả năng biến động mạnh hơn trong tương lai.

Dữ liệu về doanh số bán lẻ và đơn xin trợ cấp thất nghiệp hôm Thứ Năm (15/8) đã đưa các chỉ số chính của Phố Wall tăng cao hơn khi các nhà đầu tư từ bỏ sự an toàn của trái phiếu và đặt cược rủi ro hơn vào cổ phiếu. Vào khoảng 3h30 chiều Thứ Năm (ngày 15/8), Chỉ số chuẩn S&P 500 tăng 1,66%, Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giao dịch cao hơn 1,43% và Nasdaq Composite tăng 2,4%.

Cùng lúc đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ kỳ hạn 10 năm chuẩn tăng cao hơn nhờ tin tức về doanh số bán lẻ và tình trạng thất nghiệp, tăng đáng kể 8 điểm cơ bản, lên 3,917%, theo dữ liệu từ Tradingview.

Các động thái của trái phiếu và cổ phiếu cho thấy sự thay đổi khỏi tâm lý tránh rủi ro đã kìm hãm thị trường sau báo cáo việc làm đáng thất vọng vào ngày 2/8 và gây ra làn sóng bán tháo các tài sản rủi ro như cổ phiếu và sự tháo chạy đến nơi tương đối an toàn như Kho bạc Hoa Kỳ.

Trong nỗ lực dập tắt lạm phát cao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã nhanh chóng đưa lãi suất xuống phạm vi hiện tại là 5,25–5,5% và đã giữ nguyên mức đó trong khoảng một năm nay.

Các quan chức FED thừa nhận rằng chính sách lãi suất của cơ quan này đã dẫn đến một số sự hạ nhiệt rõ ràng trên thị trường việc làm và tuyên bố rằng FED sẵn sàng ứng phó bằng cách cắt giảm lãi suất nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến bất ngờ hoặc trong trường hợp các chỉ số kinh tế khác xấu đi nghiêm trọng.

Dữ liệu thị trường lao động và doanh số bán lẻ khả quan vào thứ Năm cũng dẫn đến việc hiệu chỉnh lại kỳ vọng cắt giảm lãi suất.

Theo công cụ FedWatch của CME Group, thị trường đã hạ thấp tỷ lệ dự đoán cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách vào tháng Chín sắp tới của Fed từ 41,5% trước khi dữ liệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm xuống còn 25,5% tại thời điểm báo cáo.

Hiện nay, phần lớn các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có 3 đợt cắt giảm 25 điểm cơ bản vào cuối năm nay.

Minh Vy