Nhật Bản điều tra chống bán phá giá thép tấm không gỉ từ Trung Quốc và Đài Loan
- Trương Đình
- •
Vào thứ Ba (ngày 22/7), Nhật Bản cho biết đã bắt đầu cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thép không gỉ cán nguội trên nền niken được nhập khẩu từ Trung Quốc Đại Lục và Đài Loan.
Theo hãng tin Reuters, Tập đoàn Thép Nhật Bản Nippon Steel và một số nhà sản xuất trong nước khác đã đệ trình đơn yêu cầu vào ngày 12/5. Các công ty này cho biết, do người mua chuyển sang sử dụng các sản phẩm nhập khẩu rẻ hơn, nên nhu cầu trong nước đối với sản phẩm của Nhật đã suy giảm, buộc các công ty phải hạ giá, dẫn đến thiệt hại trong kinh doanh. Những doanh nghiệp này đã yêu cầu Chính phủ Nhật tiến hành điều tra.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cùng Bộ Tài chính dự kiến sẽ hoàn tất cuộc điều tra trong vòng một năm, sau đó sẽ quyết định có áp thuế chống bán phá giá hay không.
Theo nội dung đơn khiếu nại của các công ty thép, các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc Đại Lục đang được bán tại Nhật Bản với mức giá thấp hơn 20% đến 50% so với giá tại Trung Quốc, và sản phẩm từ Đài Loan thì thấp hơn từ 3% đến 20% so với giá tại Đài Loan.
Các nhà sản xuất thép Nhật cho biết họ không thể định giá sản phẩm phản ánh đúng chi phí tăng cao, dẫn đến suy giảm lợi nhuận kinh doanh và các thiệt hại khác.
Tình trạng dư thừa công suất sản xuất và xuất khẩu quá mức của các doanh nghiệp thép Trung Quốc đã trở thành vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm. Nhiều nước, trong đó có Nhật Bản, chỉ trích việc các doanh nghiệp Trung Quốc nhận trợ cấp từ chính phủ, sản xuất thừa thép, sau đó xuất khẩu giá rẻ, khiến thị trường toàn cầu bị bóp méo.
Mặc dù nhiều nước đã thực hiện các biện pháp chống bán phá giá hoặc hành động tương tự đối với Trung Quốc, Nhật Bản cho đến nay vẫn chưa thực hiện bước đi nào như vậy.
Chủ tịch Liên đoàn Thép Nhật Bản, đồng thời là Chủ tịch Nippon Steel – ông Tadashi Imai – nhiều lần cảnh báo rằng, làn sóng bảo hộ thương mại toàn cầu gia tăng có thể khiến Nhật dễ bị ảnh hưởng bởi thép giá rẻ nhập khẩu, từ đó gây tổn hại đến sản xuất trong nước.
Bộ Kinh tế Đài Loan, trong một tuyên bố gửi cho Reuters, cho biết khi gặp các tình huống như thế này, bộ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng để phản hồi phù hợp nhằm “bảo vệ quyền lợi xuất khẩu của họ”.
Bộ Thương mại Trung Quốc chưa có phản hồi ngay lập tức đối với yêu cầu bình luận.
Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu vì nhu cầu nội địa suy yếu
Trong những năm gần đây, động lực tăng trưởng kinh tế chính của Trung Quốc là bất động sản đã chững lại, khiến chính quyền Trung Quốc chuyển sang hỗ trợ lĩnh vực sản xuất như một phương án thay thế để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, nhu cầu trong nước yếu kém lại càng làm trầm trọng thêm tình trạng dư thừa công suất. Để giải quyết vấn đề này, Trung Quốc đã hướng tới thị trường nước ngoài.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng dư thừa công suất sản xuất của Trung Quốc. Sau khi EU tiến hành điều tra chống trợ cấp đối với ô tô điện Trung Quốc, khối này đã bắt đầu áp thuế chống trợ cấp lên các hãng xe Trung Quốc.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nhiều lần nhấn mạnh rằng mô hình kinh tế hiện tại của Trung Quốc là không bền vững.
Ông nói: “Hiện tại, Trung Quốc chiếm khoảng 30% sản lượng công nghiệp toàn cầu, và họ vẫn đang mở rộng cơ sở sản xuất. Trung Quốc đang trải qua thời kỳ bất động sản suy thoái, nhưng thay vì có các biện pháp nội bộ như tăng tiêu dùng, giải quyết nợ xấu ngân hàng, hay xử lý khủng hoảng bất động sản, thì chính quyền lại chọn đẩy mạnh xuất khẩu để vượt qua khó khăn. Mỹ không thể chấp nhận điều đó, vì điều này sẽ làm giảm mạnh mức sống của người dân Mỹ và cả người lao động trên toàn thế giới.”
Tổng thống Trump đã nâng thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm lên 50% để bảo vệ ngành công nghiệp liên quan của Mỹ.
Từ khóa điều tra chống bán phá giá thép không gỉ
