Hóc xương cá là điều không hiếm gặp trong các bữa ăn thường nhật, đặc biệt là với những người có nguy cơ cao như trẻ nhỏ và người lớn tuổi. Dù hầu hết các trường hợp đều nhẹ và có thể tự trôi, nhưng nếu xử lý không đúng cách hoặc chậm trễ, hóc xương có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng.

r shutterstock 2595949045
(Ảnh: Shutterstock)

Ai dễ bị hóc xương cá?

Theo thống kê tại một số nước châu Á, hóc xương cá chiếm tới 50–90% số ca hóc dị vật đường tiêu hóa–hô hấp. Những người có nguy cơ cao gồm:

  • Trẻ nhỏ
  • Người trung niên – cao tuổi, đặc biệt người có rối loạn nuốt
  • Người hay ăn vội, nói chuyện trong lúc ăn

Dù rất hiếm, nhưng hóc xương cá có thể dẫn đến các biến chứng đe doạ tính mạng, như chảy máu, thủng thực quản, nhiễm trùng gây áp xe, rò khí thực quản.

Cách trị hóc xương tại nhà

Theo thống kê, khoảng 80-90% xương cá hóc có thể đi xuống được dạ dày mà không cần can thiệp y tế, 10-20% cần phải nội soi gắp xương, và khoảng 1% số trường hợp cần mổ.

Trong đa số các trường hợp hóc nhẹ, chúng ta có thể thử một số phương pháp áp dụng được tại nhà dưới đây:

  • Ăn thực phẩm mềm, xốp: Có thể ăn thêm kẹo, chuối hoặc bánh mì với nước để kéo mảnh xương xuống dạ dày.
  • Dầu ô liu: Dầu ô liu có khả năng bôi trơn, có thể giúp mảnh xương dễ dàng di chuyển xuống hơn
  • Ho: Hầu hết xương mắc ở thành sau họng, động tác ho mạnh có thể làm mảnh xương lung lay hoặc thậm chí rơi ra
  • Đồ uống có ga hoặc chanh, giấm: Nhiều cơ sở y tế dùng đồ uống có ga như cocacola để làm mềm bã thức ăn hoặc dị vật bị kẹt, làm tăng cơ hội đánh bật mảnh xương

Chờ đợi và theo dõi: Nghiên cứu cho thấy gần 1/4 số người đến bệnh viện nội soi gắp xương nhưng thực ra không có. Do đó nếu hô hấp bình thường và không có dấu hiệu cảnh báo, chúng ta có thể theo dõi thêm. Tuy nhiên không nên đi ngủ khi còn nghi ngờ hóc xương.

Khi nào bị hóc xương cần đến viện

Hóc xương cá nếu không trôi qua được sẽ có thể gây nên những biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là nếu để lâu. Người bị hóc xương cần đi khám bác sĩ chuyên khoa tai – mũi – họng nếu:

  • Áp dụng cách chữa xương cá tại nhà nhưng không hiệu quả, nên đến viện sớm trong vòng 24h, trước khi đi ngủ.
  • Khó thở, thở rít, đau ngày càng nhiều
  • Sốt, sưng cổ, chảy nước miếng liên tục
  • Ho ra máu, đau ngực

Cách phòng ngừa

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, chúng ta có thể chủ động tránh hóc xương cá thông qua một số lưu ý:

  • Nếu có thể hãy loại bỏ xương kỹ trước khi nấu, đặc biệt với món cá nấu cho trẻ em hoặc người già
  • Ăn chậm, nhai kỹ, tránh vừa ăn vừa nói chuyện
  • Ăn miếng nhỏ
  • Không cho trẻ tự ăn cá nếu chưa đủ kỹ năng nhai và phân biệt

Hóc xương cá tưởng chừng đơn giản nhưng có thể gây hậu quả nguy hiểm. Hãy chú ý an toàn ngay từ bữa ăn hằng ngày để giảm thiểu những điều đáng tiếc.

Ths.BS Đỗ Trường Giang