Nhiều DNNN mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động với giá trị rất cao
- Nguyên Hương
- •
Bộ Tài chính đang đề xuất Chính phủ khống chế mức chi mua bảo hiểm nhân thọ dưới 3 triệu đồng/người/tháng để hạn chế việc doanh nghiệp nhà nước né thuế.
Bộ Tài chính cho biết, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ về Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế, theo đó các khoản chi trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện bị khống chế ở mức 1 triệu đồng/tháng/người, thì một số doanh nghiệp nhà nước đã chuyển hướng tăng chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động với giá trị cao, thậm chí cao hơn nhiều so với mức tiền lương, thu nhập của cán bộ công nhân viên.
Theo Kiểm toán Nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước này đang vận dụng chi mua bảo hiểm nhân thọ ở mức cao để hạch toán vào chi phí được trừ, nhằm mục đích giảm thuế cũng như giảm phần vốn nhà nước khi xác định giá trị doanh nghiệp.
Do vậy, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ đưa mức mua bảo hiểm nhân thọ vào khống chế. Cụ thể đề xuất như sau:
“Sửa đổi, bổ sung điểm o khoản 2 Điều 9 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 12/2015 của Chính phủ như sau:
o) Phần chi vượt mức 03 triệu đồng/tháng/người để: trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động; phần vượt mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế để trích nộp các quỹ có tính chất an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm hưu trí bổ sung bắt buộc), quỹ bảo hiểm y tế và quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động;
Khoản chi trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ có tính chất an sinh xã hội, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động được tính vào chi phí được trừ ngoài việc không vượt mức quy định tại khoản này còn phải được ghi cụ thể điều kiện hưởng và mức hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty;”.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, mong muốn điều chỉnh các hành vi giả mạo giao dịch (ở đây là một số doanh nghiệp nhà nước mua các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ để hạch toán vào chi phí) bằng cách quy định các hạn mức khống chế sẽ không giải quyết căn bản được vấn đề của các doanh nghiệp nhà nước.
Hơn nữa, nếu đề xuất này được thông qua sẽ tạo ra trở ngại cho các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trong việc tiếp thị sản phẩm cao cấp cho các tập đoàn đa quốc gia, các tổ chức kinh tế có tiềm lực lớn, có chế độ đãi ngộ cao đối với cán bộ nhân viên.
Để giải quyết vấn đề đơn lẻ của một số doanh nghiệp nhà nước có những hành vi không minh bạch nêu trên, Kiểm toán, Thanh tra cần xác định rõ giao dịch bảo hiểm nào là thực, giao dịch nào giả mạo để đưa ra các biện pháp chế tài phù hợp, hơn là yêu cầu Chính phủ thay đổi chính sách đối với cả một ngành.
Nguyên Hương
Xem thêm:
Từ khóa Kinh tế Việt Nam Bảo hiểm xã hội Chính sách kinh tế doanh nghiệp nhà nước bảo hiểm