Buổi xúc tiến hợp tác giữa Tập đoàn Đèo Cả và Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) xoay quanh các dự án hạ tầng lớn bao gồm đường sắt đô thị, đường cao tốc, sân bay, cảng biển và phát triển khu đô thị.

tap doan deo ca se hop tac voi trung quoc lam metro cao toc san bay cang bien1
Ông Dư Giang – Tổng Giám đốc Tập đoàn, Phó Chủ tịch khu vực Đông Nam Á (trái) và ông Lê Quỳnh Mai, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả tại buổi làm việc, ngày 8/10/2024. (Ảnh: deoca.vn)

Buổi làm việc đã diễn ra tại Hà Nội, ngày 8/10 vừa qua, bốn ngày trước khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường thăm chính thức Việt Nam (ngày 12-14/10).

Trên Cổng thông tin, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả (Deo Ca Group) cho hay buổi làm việc xúc tiến giữa Tập đoàn Đèo Cả và Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) nhằm hợp tác các dự án hạ tầng lớn bao gồm đường sắt đô thị, đường cao tốc, sân bay, cảng biển và phát triển khu đô thị.

“Tập đoàn Đèo Cả mang đến các dự án hạ tầng giao thông với tiến độ thi công đảm bảo, chi phí hợp lý và chất lượng cao nhất. Chúng tôi xác định hợp tác với những doanh nghiệp có kinh nghiệm và năng lực, uy tín nhằm thúc đẩy các dự án quy mô lớn và đòi hỏi kỹ thuật cao tại Việt Nam trong giai đoạn tới” – ông Lê Quỳnh Mai, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả nói trong buổi làm việc.

Ngoài ra, ông Mai nhấn mạnh định hướng hợp tác triển khai các dự án mô hình đối tác công – tư (PPP) – được cho là mô hình đặc biệt hữu ích cho các dự án yêu cầu nguồn lực tài chính lớn và công nghệ tiên tiến.

“Sự hợp tác này có triển vọng giúp cả hai bên tận dụng thế mạnh của mình, đồng thời chia sẻ rủi ro và tăng cường hiệu quả đầu tư, thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng giao thông và giúp các doanh nghiệp củng cố vị thế trên thị trường quốc tế” – ông Mai nói.

Trong khi đó, ông Dư Giang – Tổng Giám đốc Tập đoàn, Phó Chủ tịch khu vực Đông Nam Á tự giới thiệu tập đoàn này có kinh nghiệm nhiều năm trong xây dựng hạ tầng giao thông và đô thị, đặc biệt trong lĩnh vực đường sắt đô thị và đường cao tốc.

Đại diện Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương bày tỏ sự quan tâm lớn đến thị trường Việt Nam, cho rằng “Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng”, và hiện tại là giai đoạn để Việt Nam “tiếp cận, làm chủ các công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực hơn nữa trong thi công hạ tầng”.

Hai bên đồng thuận rằng các dự án quy mô lớn như đường sắt và đường cao tốc sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư quốc tế.

Chúng tôi sẵn sàng hợp tác và cam kết mang đến những giải pháp công nghệ tiên tiến nhất, góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam. Nếu đi một mình, sẽ gặp không ít khó khăn; nhưng nếu cùng nhau hợp tác, chúng ta sẽ có thể đi xa hơn và đạt được nhiều thành công lớn”, ông Giang nói.

Kết thúc buổi làm việc, hai bên thống nhất tiếp tục tổ chức các cuộc họp chuyên sâu hơn và khảo sát thực địa những dự án tiềm năng.

Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (China Pacific Construction Group) được ông Nghiêm Giới Hoà thành lập năm 1995, hiện có hơn 500 công ty cổ phần và có hơn 100 công ty đầu tư đối ngoại trên khắp thế giới. Đây là doanh nghiệp tư nhân thứ 2 của Trung Quốc nằm trong 500 Tập đoàn lớn nhất thế giới.

Doanh nghiệp này đã khởi xướng hình thức đầu tư BT và tham gia xây dựng tại hơn 1.000 thành phố và 3.000 khu công nghiệp bằng cách áp dụng hợp đồng BT, BTO, EPC và PPP.

Hiện Tập đoàn này đang triển khai các dự án tàu điện ngầm, tàu cao tốc hợp tác với Ukraine, Iran và Malaysia, đồng thời, quan tâm mong muốn tham gia vào các dự án hạ tầng tại Việt Nam.

Tại cuộc hội kiến tối 12/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nhất trí hai quốc gia ưu tiên thúc đẩy kết nối đường sắt. Việc này để tăng cường kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hoan nghênh và sẵn sàng tạo điều kiện để các doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư các dự án quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc, đem lại lợi ích thiết thực cho hai nước và người dân hai nước.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nhấn mạnh Trung Quốc sẽ tăng cường mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam; ủng hộ Việt Nam mở các văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc.

Hai bên nhất trí mở rộng hợp tác về khoa học công nghệ, chuỗi cung ứng sản xuất, phát triển xanh, chuyển đổi số…

Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.

Sơn Nguyên