Thị trường ngoại hối, vàng đã lắng xuống: Bài học gì để lại?
Sau ba tuần căng thẳng do giá vàng và USD tăng mạnh, có lúc tỷ giá USD thị trường tự do đã lên hơn 23.300 đồng/USD, vàng trong nước tăng cao gây ra bất ổn cho nền kinh tế. Doanh nghiệp và người dân lo lắng. nhưng đến ngày 9/12 với sự can thiệp của chính phủ, vàng và đô la đã tạm ngừng tăng giá.
Ngày 9/12 tỷ giá USD đã giảm
Ngày 9/12/2016 Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm (TGTT) của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ là 1 Đô la Mỹ = 22.117 VND, tăng 2 đồng so với ngày 8/12, với biên độ +/-3%, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng hôm nay là 22.778 VND/USD.
Đến 10 giờ ngày 9/12/2016, giá USD tại các ngân hàng đã giảm từ 35-80 đồng. Cụ thể, Vietcombank giảm 80 đồng ở cả 2 chiều mua và bán xuống mức 22.530/22.610 đồng/USD. BIDV cũng giảm 35 đồng ở cả 2 chiều mua vào – bán ra về mức giá 22.560/22.640 đồng/USD. VietinBank giảm 40 đồng ở giá mua vào và 35 đồng ở mức 22.550/22.635 đồng/USD. Các ngân hàng thương mại cổ phần cũng giảm, ví dụ Eximbank, ACB, LienVietPostBank đều giảm 60 đồng ở giá mua và 50 đồng ở giá bán.
Hiện tại, giá mua cao nhất là 22.580 đồng/USD, giá bán cao nhất là 22.770 đồng/USD.
Giá thị trường tự do cũng giảm, tại thị trường Hà nội ở mức mua vào 23.005 đồng/USD cũng giảm 145 đồng, bán ra 23.015 đồng/USD giảm 185 đồng.
Ngày 9/12 giá vàng cũng đã giảm
Theo công bố trên web của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn cập nhật lúc 12 giờ ngày 9/12/2016, giá vàng SJC tại Sài gòn: mua vào 36,07 triệu đồng/lượng, bán ra 36,47 triệu đồng/lượng; tại Hà nội bán ra 36,49 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn DOJI niêm yết giao dịch mua vào 36,15 triệu đồng/lượng bán ra 36,40 triệu đồng/lượng đối với vàng SJC tại Hà Nội.
Cũng tại 12 giờ Việt Nam ngày 9/12, giá vàng thế giới giao ngay đã giảm là $1168,13/oz, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn rất cao ở ngưỡng 4,63 triệu đồng/lượng chưa kể thuế và phí.
Bài học gì để lại?
Thị trường đầu tháng 12 đã rộ lên tin sau Ấn Độ thì Việt Nam sẽ đổi tiền, chỉ trong vài ngày mà tỷ giá tăng lên hơn 23.300 đồng, vàng lên cao, người dân xếp hàng rút tiền ở ngân hàng để mua USD và vàng vì sợ mất giá đồng tiền.
Tuần đầu tiên của tháng 12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ba lần đăng đàn công bố là không có đổi tiền, Thủ tướng cũng phải lên tivi công bố không đổi tiền nhằm trấn an dân chúng. Đồng thời NHNN cũng công bố sẽ can thiệp thị trường ngoại hối và vàng, bán ra USD và vàng dự trữ. Đến ngày 8/12 đã tạm cắt sốt, đến 9/12 thì đã tạm ổn hơn.
Lạm phát luôn là nỗi lo ám ảnh với mọi người dân, còn nhớ năm 2011 mới đây lạm phát đỉnh hơn 18% và kéo dài trong mấy năm từ trước đó đã xáo trộn ghê gớm đến toàn bộ nền kinh tế. Vì thế người dân hễ khi thấy giá vàng, giá USD tăng là dễ tạo thành làn sóng cầm tiền “giấy” là luôn “nóng”, phải đổi sang bất kỳ loại khác để giữ giá, thế là dễ tạo thành sóng mạnh hơn.
Thực sự tỷ giá, giá vàng tăng là tác nhân mất giá đồng Việt Nam, khi mất giá thì cả sản xuất và tiêu dùng đều bị thiệt rất lớn. Câu chuyện người dân gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng tương đương bằng cả căn hộ ở Hà nội, nhưng khi lĩnh ra chỉ mua được 3 bát phở vẫn còn ghi mãi dấu ấn lo ngại cho người gửi tiền. Không chỉ 1 trường hợp, mà gần đây báo chí cũng đã dẫn chứng nhiều chuyện tương tự. Người gửi kiện, nhưng không được.
Đối với người dân lao động thì mất giá đồng tiền luôn đe dọa đến cuộc sống vốn đã khó khăn và vốn là ở trong nền kinh tế luôn có lạm phát cao. Năm nay, hầu hết các nền kinh tế giảm phát thì kinh tế Việt Nam cũng lạm phát 5%. Giá cả tăng cao ở một số lĩnh vực như giáo dục, y tế, xăng dầu… và giá đô tăng đợt này cũng sẽ làm tăng sự mất giá đồng tiền là hiện hữu.
Thực sự tác hại của mất giá đồng tiền đến sản xuất và đời sống nhân dân là rất lớn, qua đợt sốt giá lần này cho thấy sự điều hành quản lý cũng đã bộc lộ những thiếu sót.
Việc người dân vẫn nghe tin đồn mặc dù đã có lời cải chính từ phía NHNN và chính phủ cũng cho thấy niềm tin của người dân đã suy giảm.
Tâm Sáng
Xem thêm:
Từ khóa đồng Đô la tỷ giá hối đoái tỷ giá ngoại tệ giá vàng