Thiếu than, 2 nhà máy nhiệt điện của EVN có nguy cơ tạm dừng hoạt động
- Chân Hồ
- •
Nguồn cung than cho các nhà máy nhiệt điện than tại Quảng Ninh, Hải Phòng của EVN đang bị thiếu hụt trầm trọng, có nguy cơ phải tạm dừng hoạt động.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có công văn gửi Bộ Công thương về tình hình thiếu hụt than cho sản xuất điện tại nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, Hải Phòng và đề xuất biện pháp xử lý thực trạng đáng báo động này.
EVN cho biết thực tế lượng cấp than cho các nhà máy nhiệt điện từ đầu tháng 11/2018 đến nay vẫn còn thấp hơn so với khối lượng than tiêu thụ, mặc dù trước đó trong cuộc họp do Bộ Công thương tổ chức hôm 14/11, hai nhà cung cấp là Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc cam kết cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện.
Cụ thể, Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh được cấp 187.198 tấn, trong khi tiêu thụ 201.164 tấn; nhà máy Hải Phòng chỉ được cấp 130.803 tấn, so với nhu cầu tiêu thụ tới 205.579 tấn; hay như nhà máy nhiệt điện tại Thái Bình bị ngừng cấp than từ ngày 17/11/2018.
Trước thực tế đó, EVN nhiều lần kiến nghị với 2 nhà cung cấp tăng cường, bổ sung khối lượng than đáp ứng đủ cho các nhà máy nhiệt điện sản xuất điện. Tuy nhiên, các nhà cung cấp than không đáp ứng được phương thức cấp than hàng ngày và khối lượng than bổ sung theo đề xuất của EVN.
Đáng chú ý, công văn đề cập một vài ngày gần đây, tình hình thiếu hụt than tại các nhà máy nhiệt điện than càng trở nên trầm trọng khi trữ lượng than dự trữ tại các nhà máy đã bị giảm xuống mức rất thấp.
Theo đó, Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh chỉ còn 8.800 tấn than, không đủ cho 1 ngày vận hành; Nhiệt điện Hải Phòng thì còn khoảng 5 ngày vận hành với lượng dự trữ hơn 66.000 tấn. Điều này dẫn tới việc Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh đã phải tạm ngừng 2 tổ máy phát điện từ ngày 17/11 vừa qua để đảm bảo đủ than duy trì vận hành 2 tổ máy còn lại.
Và từ ngày 24/11 đến hết năm 2018, nhà máy này có nguy cơ phải tạm dừng cả 4 tổ máy phát điện nếu TKV và TCT Đông Bắc vẫn không đáp ứng được khối lượng than bổ sung tăng thêm 10% theo quy định hợp đồng.
Bên cạnh đó, Nhà máy nhiệt điện than Hải Phòng cũng đang có nguy cơ phải dừng 2 tổ máy phát điện vào cuối tuần này, do không đủ nguyên liệu than cho hoạt động.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên mối quan hệ hợp tác giữa EVN và TKV gặp “trục trặc”. Trước đó vào năm 2017, EVN cho biết muốn giảm mua 2 triệu tấn than từ TKV do công ty này đòi tăng giá và nguồn than không đáp ứng chất lượng. Lúc đó, TKV kêu khó rằng nếu bị EVN cắt mua sẽ dẫn đến 4.000 lao động có nguy cơ mất việc.
Theo quy hoạch, nhiệt điện than sẽ đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu nguồn điện của cả nước với tỷ trọng 49,3% (năm 2020), 55% (năm 2025) và 53,2% (năm 2030) trong tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu.
Đi cùng với đó, nhu cầu nguyên liệu than dùng cho hoạt động sản xuất của các nhà máy nhiệt điện cũng gia tăng. Theo dự báo của PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật nhiệt Việt Nam, đến năm 2030, Việt Nam cần tới 130 – 150 triệu tấn than để sản xuất điện, trong khi nguồn cung than nội địa chỉ đáp ứng tối đa 30 – 40 triệu tấn, còn lại phải nhập khẩu, tức là đến năm 2030 dự kiến Việt Nam phải nhập khẩu than từ 100 – 110 triệu tấn.
Chân Hồ
Xem thêm:
Từ khóa nhà máy nhiệt điện EVN TKV Mỏ than