22 loại thuốc trừ sâu có liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt
- George Citroner
- •
Cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu các yếu tố nguy cơ môi trường tiềm ẩn đối với ung thư tuyến tiền liệt.
Từ thuốc nhuộm thực phẩm trong thực phẩm siêu chế biến đến hạt vi nhựa, chúng ta liên tục được cảnh báo về các hóa chất trong môi trường có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Trong khi một số hóa chất có thể tránh được thì một số khác, chẳng hạn như thuốc trừ sâu, lại rất cần thiết để bảo quản thực phẩm trong siêu thị. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy những hóa chất giúp bảo vệ mùa vụ này không chỉ tiêu diệt sâu bệnh.
Một nghiên cứu mới đã xác định được 22 loại thuốc trừ sâu thông dụng có liên quan về mặt thống kê với việc gia tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt trên khắp Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng thiết kế quan sát không thể thiết lập được mối quan hệ nhân quả trực tiếp.
Thông điệp chính từ nghiên cứu này là các yếu tố môi trường “chẳng hạn như tiếp xúc với một số loại thuốc trừ sâu” có khả năng góp phần gây ra nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, tác giả chính của nghiên cứu Simon John Christoph Soerensen của Trường Y Đại học Stanford nói với The Epoch Times.
Viện y tế quốc gia Hoa Kỳ: Thuốc trừ sâu là ‘tác nhân chính’ gây ra ung thư
Nghiên cứu mới được công bố hôm 04/11 trên tạp chí Cancer, một tạp chí của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS), đã khẳng định thêm mối liên quan bằng cách xác định 22 loại thuốc trừ sâu liên quan đến việc tăng tỷ lệ ung thư tuyến tiền liệt.
Bốn trong số các loại thuốc trừ sâu này có khả năng gây ra hậu quả trên thực tế vì chúng có liên quan đến tử vong do ung thư tuyến tiền liệt.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu cấp quận về 295 loại thuốc trừ sâu và mối liên hệ của chúng với tỷ lệ ung thư tuyến tiền liệt trên khắp Hoa Kỳ. Họ giải thích sự khởi phát ung thư chậm sau khi tiếp xúc với thuốc trừ sâu từ 10-18 năm là do tính chất phát triển chậm của loại ung thư này.
Trong số 22 loại thuốc trừ sâu có liên quan đến việc tăng tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt, có 3 loại trước đây có liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt, bao gồm axit 2,4-dichlorophenoxyacetic (2,4-D), được sử dụng rộng rãi ở Hoa Kỳ để kiểm soát cỏ dại như bồ công anh, cỏ ba lá, và cây kế.
Theo ACS, kể từ năm 2014, tỷ lệ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt ở Hoa Kỳ đã tăng 3% mỗi năm, với ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn tiến triển tăng khoảng 5% mỗi năm. Trên toàn cầu, ung thư tuyến tiền liệt là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tại Việt Nam, ung thư tuyến tiền liệt gây ra hơn 6,200 ca mắc mới và hơn 2,600 ca tử vong trong năm 2020. Đây là loại ung thư phổ biến đứng hàng thứ 5 ở nam giới sau ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng.
Một tổng quan trên 62 nghiên cứu được Viện Y tế Quốc gia (NIH) công bố vào năm 2021 chỉ ra rằng việc tiếp xúc nghề nghiệp với thuốc trừ sâu đóng vai trò là “tác nhân chính” gây ra một số loại ung thư, bao gồm đa u tủy, ung thư bàng quang, ung thư hạch không Hodgkin, bệnh bạch cầu, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt.
Tiếp xúc với 2,4-D (axit 2,4-dichlorophenoxyacetic) và các loại thuốc trừ sâu khác trong nghiên cứu
Con người và vật nuôi có thể tiếp xúc với 2,4-D khi chơi đùa hoặc đi trên cỏ được phun thuốc. Thuốc trừ sâu này được bán trên thị trường dưới nhiều nhãn hiệu, bao gồm Weed-B-Gone, Acme và Aquakleen.
19 loại thuốc trừ sâu còn lại đã được chứng minh từ trước là không liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt, bao gồm nhiều loại thuốc diệt cỏ, thuốc diệt nấm, thuốc trừ sâu và thuốc khử trùng đất.
Trong số này, bốn loại thuốc trừ sâu có liên quan rõ ràng đến việc tăng tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư tuyến tiền liệt. Chúng bao gồm thuốc diệt cỏ trifluralin, cloransulam-methyl, và diflufenzopyr, và một loại thuốc trừ sâu, thiamethoxam.
Chỉ trifluralin được Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) phân loại là “chất có thể gây ung thư ở người”. Những loại khác “không có khả năng gây ung thư” hoặc có bằng chứng ủng hộ “không gây ung thư”.
Ông Soerensen nói thêm rằng nghiên cứu này “đóng vai trò là bước quan trọng đầu tiên” trong việc xác định những tác nhân môi trường có thể gây ra ung thư tuyến tiền liệt, do thuốc trừ sâu có vai trò quan trọng đối với tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư tuyến tiền liệt.
Ông Soerensen tiếp tục nói: “Chúng tôi lạc quan rằng các nghiên cứu sâu hơn, được hỗ trợ bởi các phương pháp dịch tễ học tiên tiến, sẽ dựa trên những phát hiện này và đóng góp vào các quyết định y tế công cộng sáng suốt hơn”.
Nghiên cứu có những hạn chế đáng kể
Nghiên cứu này mang tính quan sát và dựa trên các hiệp hội thống kê, nghĩa là không thiết lập được mối quan hệ nhân quả giữa việc tiếp xúc với thuốc trừ sâu và ung thư tuyến tiền liệt.
Ông Soerensen cho biết trong một thông cáo báo chí: “Nghiên cứu này cho thấy tầm quan trọng của việc nghiên cứu phơi nhiễm môi trường, chẳng hạn như sử dụng thuốc trừ sâu, để giải thích một số biến thể địa lý mà chúng tôi quan sát được về tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư tuyến tiền liệt trên khắp Hoa Kỳ”.
Các nhà nghiên cứu thừa nhận những hạn chế bổ sung, bao gồm cả việc họ không thể liên kết rõ ràng mức độ phơi nhiễm thuốc trừ sâu cao hơn ở những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt so với những người không mắc bệnh.
Ông Soerensen chỉ ra: “Mặc dù những phát hiện này không bảo đảm có những thay đổi ngay lập tức đối với chính sách công nhưng chúng cung cấp những hiểu biết sâu sắc có thể hướng dẫn nghiên cứu trong tương lai về phơi nhiễm môi trường và nguy cơ ung thư”.
Ông kết luận: “Thông tin này rất quan trọng để hiểu rõ hơn về cách thuốc trừ sâu có thể ảnh hưởng đến ung thư tuyến tiền liệt và xác định các chiến lược phòng ngừa tiềm năng”.
Từ khóa ung thư tuyến tiền liệt