Con kêu đau chân – cha mẹ nên làm gì?
- Ths.BS Đỗ Trường Giang
- •
Hầu hết các cơn đau chân ở trẻ em đều không đáng lo ngại. Nhưng đôi khi, đó lại là lời cảnh báo thầm lặng của những bệnh lý nghiêm trọng. Làm thế nào phụ huynh có thể phân biệt được?
Chị Hương (Hà Nội) chia sẻ rằng bé gái 5 tuổi nhà chị nhiều lần kêu đau chân vào buổi tối, nhưng sáng hôm sau lại chạy nhảy bình thường. Không sưng, không sốt, không cà nhắc. Lúc đầu chị lo con bị chấn thương, nhưng thấy con chơi vẫn khỏe mạnh nên lại nghĩ là con “kiếm cớ để được ôm mẹ ngủ”.
Trường hợp như con chị Hương không hiếm gặp. Nhiều trẻ em từng trải qua ít nhất một lần đau chân không rõ nguyên nhân trong quá trình phát triển. Trong phần lớn trường hợp, đó chỉ là đau tăng trưởng.
Đau xương tăng trưởng – hiện tượng thường gặp ở trẻ khỏe mạnh
Đau xương tăng trưởng là nguyên nhân gây đau chân thường gặp nhất ở trẻ em. Hội chứng này chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ từ 3 đến 12 tuổi, với biểu hiện là cảm giác đau âm ỉ ở bắp chân, đùi hoặc sau đầu gối. Cơn đau thường ở hai chân, nhưng có thể ở một chân trong đợt này, sau đó đau ở chân còn lại trong đợt khác. Đôi khi trẻ có thể đau ở tay lẫn chân, nhưng sẽ không chỉ đau ở tay.
Điều đặc biệt là cơn đau thường xuất hiện vào chiều tối hoặc ban đêm, có thể khiến trẻ phải bật dậy vào ban đêm. Nhưng đến sáng hôm sau, trẻ lại sinh hoạt bình thường, vẫn chơi những hoạt động trẻ thích mà không có biểu hiện sưng hay cà nhắc.
Đau xương tăng trưởng có thể kéo dài vài tháng đến vài năm, nhưng không xảy ra liên tục hàng ngày. Khoảng thời gian giữa các cơn đau có thể là vài ngày đến vài tuần hay thậm chí vài tháng.
Các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ mắc đau tăng trưởng ở trẻ em dao động từ 2,6% đến gần 50%, tùy theo độ tuổi và tiêu chí chẩn đoán.
Cơ chế chính xác vẫn chưa được hiểu rõ, cơn đau đôi khi không xảy ra quanh vùng tăng trưởng của xương. Thông thường trẻ hay đau sau một ngày vận động nhiều.
Để giảm nhẹ cơn đau chân, ba mẹ có thể:
- Xoa bóp vùng đau cho con
- Kéo giãn cơ, nghiên cứu cho thấy tập kéo giãn cơ hàng ngày giúp tránh được đa số cơn đau tăng trưởng
- Đảm bảo trẻ nhận đủ vitamin D và canxi
- Chườm nóng
- Sử dụng thuốc giảm đau
Khi đau chân không đơn thuần do tăng trưởng
Không phải mọi cơn đau chân đều “vô hại”. Một số bệnh lý có thể bắt đầu bằng triệu chứng khá mờ nhạt, như đau chân một bên, kéo dài không rõ nguyên nhân. Đau chân ở trẻ có thể còn do nhiều nguyên nhân khác, như:
- Viêm xương tuỷ
- U xương
- Bệnh lý hệ huyết học: bạch cầu cấp, u lympho, bệnh hồng cầu hình liềm v.v
- Viêm khớp
- Bệnh lý Perthes v.v.
(Ảnh: Dấu hiệu cảnh báo đau chân ở trẻ em)
Không phải lúc nào trẻ kêu đau cũng cần đưa đi khám ngay, đặc biệt nếu triệu chứng của trẻ điển hình của đau tăng trưởng. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo cha mẹ nên chú ý và đưa trẻ đi khám nếu:
- Bị đau ở một chân
- Đau chân vào buổi sáng, hoặc khi đi lại hay tham gia các hoạt động
- Đau chân đến mức không đi được hoặc khiến trẻ đi khập khiễng
- Đau ở khớp, chẳng hạn như đầu gối hoặc mắt cá chân
- Có phát ban, sưng tấy hoặc bầm tím bất thường ở chân
- Bị đau chân kèm theo sốt cao
- Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi bất thường hoặc buồn ngủ nhiều
- Không muốn ăn hoặc bị sụt cân
Đau chân ở trẻ em có thể là lành tính như đau tăng trưởng, nhưng cũng có thể là lời nhắc nhở nhẹ nhàng từ cơ thể trẻ rằng có điều gì đó không ổn. Nếu cha mẹ thấy con mình có những dấu hiệu bất thường kể trên, việc đưa trẻ đi khám bác sĩ là cần thiết để loại trừ những bệnh lý nghiêm trọng.
Điều quan trọng nhất là đừng vội chủ quan cũng như đừng quá lo lắng. Một chút lắng nghe và quan sát từ cha mẹ sẽ giúp trẻ an toàn và khỏe mạnh hơn trên từng bước đi đầu đời.
Từ khóa đau chân đau xương tăng trưởng
