Công dụng tuyệt vời của rau muống và những lưu ý khi ăn
- Thanh Xuân
- •
Rau muống là loại rau có sức sống rất mạnh, dễ trồng, trồng trong đất hay nước đều được. Rau muống được trồng quanh năm, nhưng cho sản lượng và chất lượng tốt nhất vào mùa hè.
Rau muống có giá cả rất bình dân, được nhiều người yêu thích, là món ăn “dược phẩm” rất tốt cho sức khỏe.
Rau muống chứa nhiều dinh dưỡng
Giá trị dinh dưỡng của rau muống rất cao, chứa nhiều protein, vitamin, niacin, canxi, phốt pho, sắt, chất béo v.v… Hàm lượng protein cao gấp 4 lần cà chua, canxi cũng nhiều hơn cà chua 12 lần, ngoài ra rau muống còn có chứa nhiều carotene.
Công dụng của rau muống
Theo Đông y, rau muống bổ dạ dày, đường ruột, có công dụng thanh nhiệt giải độc, cầm máu, lợi tiểu, tiêu sưng, bảo vệ dạ dày, nhuận tràng, chữa hôi miệng, ngăn ngừa kiết lỵ và chữa đau răng v.v…
Niacin, vitamin C có trong rau muống giúp làm giảm cholesterol, triglyceride, đạt hiệu quả giảm mỡ và giảm cân, thích hợp dùng cho người bệnh tiểu đường, mỡ máu cao.
Rau muống chứa nhiều chất xơ thực phẩm và chất xơ thô được hình thành bởi pectin, lignin, cellulose. Pectin giúp tăng tốc độ đào thải độc tố khỏi cơ thể; lignin có tác dụng nâng cao hoạt tính ăn vi khuẩn của đại thực bào, có lợi cho việc sát khuẩn, tiêu viêm, hỗ trợ chữa trị viêm loét v.v…; hàm lượng cellulose cao có thể tăng nhu động ruột, tăng tốc độ bài tiết, rất hữu hiệu trong việc chữa trị táo bón, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư đường ruột.
Kali trong rau muống có tác dụng giảm huyết áp, người bệnh huyết áp thấp không nên ăn nhiều rau muống, nhưng nếu huyết áp đột ngột tăng cao, hãy lập tức uống một chén nước rau muống luộc, để giảm nhanh huyết áp. Nếu người bệnh cao huyết áp thuộc dạng hư hàn, nên luộc rau muống cùng táo tàu sẽ có hiệu quả tốt hơn.
Rau muống là loại thực phẩm có tính kiềm, nhưng tính kiềm của rau muống sẽ không bị thay đổi sau khi xào, khác với các loại rau có tính kiềm khác, điều này giúp cân bằng axit và kiềm trong đường ruột, cũng như có tác dụng lợi tiểu, tiêu sưng, cải thiện triệu chứng của người bệnh tiểu đường.
Những điều cần lưu ý khi ăn rau muống
Rau muống chứa hàm lượng chất xơ cao, không thích hợp với những người bệnh vừa mới phẫu thuật hoặc thải khí; phụ nữ mang thai và trong kỳ kinh nguyệt cũng không nên ăn nhiều rau muống. Rau muống tính hàn, những người thể hư và tỳ vị yếu, thiếu dinh dưỡng cũng không nên ăn nhiều, nhằm tránh gây tiêu chảy.
Tính hàn của rau muống cũng sẽ làm mất tác dụng của thuốc Đông y, ảnh hưởng đến tác dụng bổ dưỡng của thuốc, ví dụ như công dụng của đương quy, xuyên khung, hoàng kỳ, nhân sâm, hà thủ ô. Vì vậy, những ai đang dùng các vị thuốc nêu trên không được ăn rau muống, hoặc nên ăn sau 2-3 giờ dùng thuốc.
Một số cách chế biến rau muống ngon
1. Xào: Rau muống xào vừa nhanh chóng dễ làm, lại vừa ngon miệng. Rau muống nên xào nhanh với lửa lớn, tránh mất chất dinh dưỡng. Người ta thường xào rau muống với tỏi, vừa ngon miệng, lại dinh dưỡng.
2. Trộn: Rau muống sau khi trụng sơ đảo cùng nước tương, mỡ heo, tỏi băm khi còn nóng hoặc thịt bằm đều ngon miệng và dễ làm.
3. Canh: Canh rau muống nấu cùng cá khô, cá viên, tỏi v.v… có vị thơm ngọt, ngoài ra cũng có thể thêm vào thịt thái sợi cũng rất ngon.
Thanh Xuân
Xem thêm:
Từ khóa rau muống Thực phẩm tốt cho sức khỏe Rau xanh