COVID-19: Tầm quan trọng của việc tìm ra “bệnh nhân số 0”
- Lê Xuân
- •
Việc tìm ra người đầu tiên nhiễm bệnh, còn gọi là “bệnh nhân số 0” có thể giúp trả lời các câu hỏi quan trọng về nguồn gốc của virus và giúp ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trong tương lai. Tuy vậy, khi thời gian trôi qua và số ca nhiễm tăng nhanh trên toàn cầu, việc tìm ra được “bệnh nhân số 0” ngày càng trở nên khó khăn.
Khi số người chết do virus corona chủng mới tiếp tục tăng mạnh, các cơ quan y tế đang cố gắng truy tìm “bệnh nhân số 0” hay người đầu tiên nhiễm bệnh, nhằm kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh
Dịch corona (COVID-19) do virus corona chủng mới gây ra đến nay đã lây nhiễm cho ít nhất 87.000 người trên toàn thế giới và làm tử vong ít nhất 2.978 người.
Bệnh đã lan rộng đến 64 quốc gia và vùng lãnh thổ, tuy vậy Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết vẫn chưa đến mức gọi là “đại dịch”.
“Bệnh nhân số 0” là gì?
Mặc dù thuật ngữ “bệnh nhân số 0” có thể được sử dụng để chỉ người đầu tiên nhiễm bệnh trong một đợt bùng phát dịch, thì trong dịch COVID-19, có thể có đến vài “bệnh nhân số 0”, theo Sarah Borwein, người làm việc trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm thực hành Y tế Hồng Kông.
“Ví dụ, chúng ta biết ai là ‘bệnh nhân số 0’ trong ổ dịch lớn ở Hàn Quốc và điều đó giúp theo dõi tất cả mối liên hệ và tìm hiểu những gì đã xảy ra”, cô nói. “Tuy nhiên, chúng ta không biết ai là ‘bệnh nhân số 0’ trong ổ dịch tại Iran hay tại Ý”.
Hàn Quốc đã ghi nhận hơn 3.500 ca nhiễm COVID-19 và ít nhất 17 trường hợp tử vong. Ổ dịch lớn nhất có liên hệ với một nhà thờ của tổ chức tôn giáo Tân Thiên Địa ở thành phố Daegu. Trong đó, một nữ tín đồ 61 tuổi (gọi là “ca nhiễm thứ 31” tại Hàn Quốc) được cho là một trường hợp “siêu lây nhiễm”.
Trong khi đó, các quan chức Trung Quốc được cho là đang cố gắng truy tìm nguồn gốc dịch bệnh tại nước này. Ca nhiễm đầu tiên được báo cáo cho WHO vào ngày 31/12 và được cho là có liên hệ với chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Tuy vậy, theo một nghiên cứu mới của một nhóm nhà khoa học Trung Quốc vừa được công bố ngày 24/2 thì lại cho rằng “dịch bệnh không nhất định bắt nguồn tại Trung Quốc”.
Trước đó, hôm 26/2, chính quyền Vũ Hán nói rằng người bệnh đầu tiên được biết đến vào ngày 8/12 là một người đàn ông không đến chợ Hoa Nam.
“Chúng tôi không biết ai mới chính xác là “bệnh nhân số 0″ đầu tiên, có lẽ là ở Vũ Hán, và điều này mang tới nhiều câu hỏi chưa được trả lời về việc dịch bệnh bắt đầu như thế nào và ban đầu nó lây lan ra sao,” cô Sarah Borwein nói.
Vì sao việc truy tìm “bệnh nhân số 0” lại quan trọng?
Biết ai là “bệnh nhân số 0” sẽ giúp ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh trong tương lai và cung cấp thông tin về cách phòng tránh lây nhiễm, cô Borwein nói. Nhưng khi thời gian trôi qua, việc xác định sẽ ngày càng khó khăn.
“Việc tìm ra ai là ‘bệnh nhân số 0’ sẽ không mang lại mọi câu trả lời nhưng sẽ giúp chỉ ra con đường mà virus đã đi và cách mà nó lây lan”, cô nói. “Khó để vẽ được bản đồ lây nhiễm nếu không biết virus bắt đầu từ đâu”.
John Nicholls, giáo sư về lâm sàng tại Đại học Hồng Kông, cho biết việc xác định “bệnh nhân số 0” trong dịch SARS năm 2002 – 2003 là rất quan trọng từ góc độ dịch tễ học, bởi nó cho thấy rõ cách thức lây lan. Giáo sư Nicholls là một thành viên quan trọng của nhóm nghiên cứu SARS năm 2003, đã từng phân lập và mô tả các đặc tính virus SARS (cùng họ với virus nCoV).
Dịch SARS, với hơn 8.000 người nhiễm và 813 người tử vong trên toàn cầu, được cho là bắt nguồn từ một giáo sư y khoa 64 tuổi ở Quảng Châu, người đã lây nhiễm cho ít nhất 13 khách du lịch lưu trú tại khách sạn Metropole ở Hồng Kông.
Song ông Nicholls cho biết số lượng ca nhiễm khổng lồ trong dịch COVID-19 hiện nay khiến việc truy tìm “bệnh nhân số 0” là thách thức rất lớn.
“Có rất nhiều ổ dịch và điểm nóng trên khắp thế giới, và chủng virus này dường như lây lan nhanh hơn SARS, vì vậy việc xác định chính xác ‘bệnh nhân số 0’ sẽ là một thách thức lớn”, ông nói.
Cô Borwein, người từng làm trưởng bộ phận kiểm soát lây nhiễm tại một bệnh viện ở Bắc Kinh và tham gia chống dịch SARS, cho biết mọi người phải cẩn trọng với ngôn từ họ sử dụng khi nói về “bệnh nhân số 0”, vì việc này có khả năng thổi bùng chứng bài ngoại và sự hoảng loạn.
Cô cho biết cần phải hiểu rõ ràng rằng “bệnh nhân số 0” là một đầu mối có thể giúp kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, chứ không phải là tội phạm.
> Hàn Quốc xuất hiện trường hợp tái nhiễm virus corona đầu tiên
Mỹ có 4 trường hợp nhiễm COVID-19 không rõ nguồn gốc
Giới chức y tế Mỹ đang lo ngại khi nước này xuất hiện thêm các trường hợp nhiễm COVID-19 chưa rõ nguồn gốc nhiễm bệnh. Hiện đã có 4 ca không rõ nguồn gốc ở California (2 ca), Oregon (1 ca) và Washington (1 ca).
Giới chức y tế Mỹ cho biết các ca nhiễm không đi ra nước ngoài thời gian gần đây và cũng không tiếp xúc với người nhiễm bệnh nào trước đó.
Những trường hợp nhiễm bệnh chưa rõ nguồn gốc này khiến giới chức y tế Mỹ cho biết khả năng còn ca nhiễm trong cộng đồng nhưng chưa được phát hiện, đồng thời cũng làm dấy lên lo ngại dịch COVID-19 có thể lây lan rộng trong thời gian sắp tới.
Lê Xuân (theo SCMP, Reuters)
Xem thêm:
Từ khóa virus corona COVID-19 bệnh nhân số 0