Ngày 22/7, các quan chức y tế Israel thông báo, vắc-xin COVID-19 của Pfizer chỉ có hiệu quả 39% trong việc ngăn ngừa nhiễm biến chủng Delta, tuy nhiên vắc-xin này vẫn có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh nặng và nhập viện.

Embed from Getty Images

Bloomberg đưa tin, thống kê mới của Bộ Y tế Israel được công bố hôm thứ Năm (22/7) cho thấy, vắc-xin do Pfizer và BioNTech cùng phát triển có khả năng bảo vệ 88% trong trường hợp nhập viện và 91,4% đối với bệnh nặng, trong khi chỉ có hiệu quả 39% nếu nhiễm biến chủng Delta.

Theo kênh tin tức i24 News của Israel, các số liệu này dựa trên việc xem xét một số lượng ca nhiễm bệnh (không nêu rõ chi tiết) được ghi nhận trong khoảng thời gian từ ngày 20/6 đến ngày 17/7. Hãng truyền thông này cho hay, báo cáo của Bộ Y tế Israel cũng chỉ ra hiệu quả của vắc-xin đang suy giảm theo thời gian. Vắc-xin chỉ còn có hiệu quả 16% trong việc ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19 đối với những người đã tiêm vắc-xin trong tháng 1, trong khi hiệu quả tăng lên đến 44% đối với người tiêm trong tháng 2, 67% và 75% đối với người tiêm trong tháng 3 và tháng 4.

Tuy nhiên, đối với những người đã tiêm vắc-xin trong tháng 1, hiệu quả của vắc-xin đối với việc ngăn ngừa bệnh nặng vẫn giữ ở mức 86%, mức độ tương tự như những người được tiêm chủng gần đây.

Theo tờ The Times of Israel, các bác sĩ cho rằng bức tranh về khả năng miễn dịch giảm dần có thể phần nào phản ánh xu hướng những người được tiêm vắc-xin sớm thường là những người có bệnh nền và dễ bị nhiễm bệnh hơn.

Phản ứng trước thống kê mới của Bộ Y tế Israel, nhà dịch tễ học Nadav Davidovitch, giáo sư của Đại học Ben-Gurion, cũng là lãnh đạo của hiệp hội bác sĩ Israel, nói với The Times of Israel: “Những gì chúng ta thấy được là vắc-xin kém hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa lây truyền, nhưng lại dễ bỏ qua việc nó vẫn rất hiệu quả trong việc giảm nguy cơ nằm viện và bệnh nặng.”

Báo cáo mới có khả năng sẽ gây ra cuộc tranh luận về mục đích của việc tiêm liều tăng cường bổ sung thứ ba, mà chính quyền Israel đã thông báo vào đầu tháng 7 rằng họ chỉ cung cấp cho những người được coi là có nguy cơ cao. Bộ Y tế Israel định nghĩa nhóm người này là những người mới thực hiện cấy ghép tạng gần đây, hoặc những người bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng.

Báo cáo mới của Bộ Y tế Israel được đưa ra sau khi chính quyền Israel hôm thứ Tư (21/7) thông báo áp đặt trở lại một số quy định nhằm nỗ lực kiềm chế sự lây lan của biến chủng Delta, bao gồm hạn chế tham dự các sự kiện lớn ngay cả với những người có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính, những người đã phục hồi sau khi mắc bệnh hoặc những người đã được tiêm chủng.

Tại Hoa Kỳ, các quan chức đã nâng cao mức cảnh báo về biến chủng Delta. Tiến sĩ Rochelle Walensky, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã phát biểu trước phiên điều trần tại Thượng viện về phản ứng của liên bang đối với đại dịch rằng biến chủng Delta hiện chiếm khoảng 83% trong tổng số ca nhiễm bệnh mới tại Hoa Kỳ.

CDC coi biến chủng Delta là “biến chủng đáng lo ngại” bởi vì nó dễ lây truyền hơn và có khả năng kháng vắc-xin cao hơn.

Nhật Minh (T/h)

Xem thêm: