Nghiên cứu: Các vấn đề về giấc ngủ có thể gây đau mạn tính
- George Citroner
- •
Nghiên cứu mới cho thấy, chất lượng giấc ngủ kém có thể là yếu tố chính gây ra chứng đau mạn tính, ảnh hưởng đến 90% bệnh nhân bị đau mạn tính.
Đau mạn tính là tình trạng suy nhược của hàng triệu người trên toàn cầu. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy mối quan hệ giữa tình trạng đau và giấc ngủ có thể phức tạp hơn so với những quan điểm trước đây.
“Đây là vấn đề sức khỏe chưa được giải quyết lớn nhất của thời đại chúng ta”, David Klyne, nhà khoa học tại Đại học Queensland ở Úc (UQ), cho biết trong một thông cáo báo chí. Nghiên cứu của Tiến sĩ Klyne cho thấy, có đến 90% những người bị đau mạn tính đã phải vật lộn với các vấn đề về giấc ngủ – nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giấc ngủ trong việc kiểm soát và ngăn ngừa tình trạng khó chịu kéo dài.
Trong khi nhiều người tin rằng, cơn đau chỉ làm gián đoạn giấc ngủ thì nghiên cứu tại Trường Khoa học Sức khỏe và Phục hồi Chức năng UQ đang thách thức quan niệm này, cho rằng giấc ngủ kém có thể đóng vai trò quan trọng trong việc khởi phát và làm trầm trọng thêm chứng đau mạn tính.
Giấc ngủ kém liên quan đến khởi phát cơn đau
Tiến sĩ Klyne muốn thay đổi cách các chuyên gia y tế điều trị cho những bệnh nhân bị các cơn đau dai dẳng.
Ông đã phát hiện ra rằng, ngủ không đủ giấc có thể dẫn đến đau mạn tính thay vì chỉ là hậu quả của nó. Theo nghiên cứu, có tới 90% những người bị đau mạn tính đang phải vật lộn với các vấn đề về giấc ngủ, nhấn mạnh vai trò quan trọng của giấc ngủ trong những trải nghiệm đau đớn.
Ý kiến chuyên gia về mối liên quan giữa giấc ngủ và cơn đau
Từ 67% đến 88% những người đau mạn tính bị gián đoạn giấc ngủ và mất ngủ, khoảng 50% những người bị mất ngủ báo cáo có đau mạn tính, Tiến sĩ William Caldwell, Giám đốc Y khoa của Trung tâm Quản lý Cơn đau tại Stony Brook Medicine, nói với The Epoch Times.
Tiến sĩ Caldwell ủng hộ việc tập trung nhiều hơn vào điều trị cả cơn đau và giấc ngủ, vì có bằng chứng đáng tin cậy về sự liên quan giữa các cơn đau mạn tính với chất lượng giấc ngủ kém.
Tiến sĩ Caldwell cho biết, “Trong quá trình hành nghề, tôi đặc biệt quan tâm đến việc liệu chứng đau của bệnh nhân có dẫn đến thay đổi hành vi giấc ngủ hay không. Nếu có thay đổi về giấc ngủ, chúng tôi sẽ tập trung cụ thể vào việc cải thiện các triệu chứng đau về đêm, hy vọng sẽ giúp giấc ngủ ngon hơn”.
Nghiên cứu trước đây của Tiến sĩ Klyne đã chỉ ra mối tương quan chặt chẽ giữa giấc ngủ và quá trình phục hồi sau cơn đau. Ví dụ, những người đang phục hồi sau chấn thương có thể lành nhanh hơn nếu ngủ ngon hơn. Thiếu ngủ có thể gây thêm căng thẳng cho hệ thần kinh và hệ miễn dịch, khiến cơn đau trở nên tồi tệ hơn và dễ dẫn đến các bệnh lý mạn tính.
Cần sự quan tâm khẩn cấp
Trên thế giới, chứng đau mạn tính gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe hơn cả ung thư và bệnh tim cộng lại. Theo Tiến sĩ Klyne, giấc ngủ chưa được coi như một phương pháp để điều trị cơn đau, và ông hy vọng rằng nghiên cứu của mình sẽ giúp thay đổi quan điểm này.
Nhóm của ông đang tuyển dụng người tham gia thử nghiệm lâm sàng, nhắm mục tiêu đến những người từ 18 tuổi trở lên đã bị đau lưng ít nhất 2 ngày trong vòng 2 tuần.
Tiến sĩ Klyne và nhóm của ông có kế hoạch tìm hiểu về cách thức giấc ngủ ảnh hưởng đến cơn đau, bằng cách yêu cầu những người tham gia đeo các thiết bị theo dõi mô hình giấc ngủ, thu thập mẫu máu và nước bọt để nghiên cứu phản ứng nội tiết tố và miễn dịch. Tiến sĩ Klein cho biết trong một tuyên bố rằng: “Các nghiên cứu trước đây tập trung vào việc tìm hiểu sự phát triển của chứng đau lưng cấp tính hoặc mạn tính mới, nhưng nghiên cứu này sẽ xem xét đến những triệu chứng thay đổi phổ biển hơn nhiều ở những người sống chung với tình trạng này”.
Nghiên cứu sẽ xem xét cách hệ thần kinh và hệ miễn dịch đáp ứng với cả giấc ngủ phục hồi và giấc ngủ bị gián đoạn. Những người tham gia sẽ được đánh thức vào các thời điểm khác nhau trong đêm, cho phép các nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu toàn diện về cách các giai đoạn ngủ khác nhau ảnh hưởng đến quá trình phục hồi và mức độ đau.
“Điều này sẽ cho phép chúng tôi kiểm tra các thông tin chi tiết và quan trọng nhất từng được thu thập cho nhóm dân số này bên ngoài phòng thí nghiệm, và giảm thiểu sự gián đoạn đối với các hoạt động hàng ngày của người tham gia”.
Nghiên cứu này cũng liên quan đến công trình rộng hơn của Tiến sĩ Klyne nhằm khám phá cách các yếu tố lối sống ảnh hưởng đến cơn đau – điều có thể rất cần thiết để phát triển các phương pháp điều trị hiệu quả.
Ý nghĩa đối với điều trị chứng đau mạn tính
Nếu những phát hiện của Tiến sĩ Klyne được xác nhận, sẽ dẫn đến các thay đổi trong cách điều trị chứng đau mạn tính, nêu bật liệu pháp giấc ngủ bên cạnh các phương pháp quản lý cơn đau truyền thống. Việc nhận ra giấc ngủ là một khía cạnh quan trọng của quá trình điều trị cũng có thể giúp ngăn ngừa quá trình chuyển đổi từ cơn đau cấp tính sang cơn đau mạn tính có khả năng gây suy nhược.
Tiến sĩ Caldwell cho biết, những bệnh nhân nào đang phải vật lộn với cơn đau mạn tính và tin rằng giấc ngủ có thể ảnh hưởng đến tình trạng bệnh của họ thì nên thảo luận về mối quan tâm này với bác sĩ.
Ông nói thêm rằng “Nếu chứng đau mạn tính làm thay đổi giấc ngủ, thì cần phải trực tiếp giải quyết điều đó. Chúng ta biết rằng, chứng đau mạn tính và tình trạng ngủ kém có liên quan với nhau và cũng có mối tương quan rõ ràng giữa tình trạng ngủ không ngon và sức khỏe tổng thể nói chung”.
Tiến sĩ Caldwell lưu ý rằng một kế hoạch điều trị tập trung vào giải quyết giấc ngủ và đau mạn tính “cần phải được phát triển với sự phối hợp của cả bác sĩ và bệnh nhân”.
Khánh Ngọc biên dịch
Theo The Epoch Times
Xem thêm: