Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã phải đối mặt với cuộc biểu tình đường phố lớn nhất kể từ khi ông lên nắm quyền vào thứ Bảy (26/7). Khoảng gần 20.000 người đã xuống đường ở Kuala Lumpur, hô vang khẩu hiệu “Turun Anwar – Anwar hãy từ chức” để bày tỏ sự bất bình trước chi phí sinh hoạt tăng cao và quản lý kinh tế yếu kém.

shutterstock 2576661407 scaled
Một người phát ngôn của sinh viên bày tỏ sự thất vọng khi chính phủ không giải quyết vấn đề tham nhũng liên quan đến giới lãnh đạo đất nước. (Ảnh: Shutterstock)

Cuộc biểu tình do đảng đối lập Parti Islam Se-Malaysia khởi xướng. Những người tham gia cuộc biểu tình đã bất chấp mưa gió ngày hôm đó, mặc áo phông đen và khăn trùm đầu với những khẩu hiệu như “Anwar hãy từ chức”, diễu hành dọc trung tâm Kuala Lumpur và cuối cùng tập trung tại Quảng trường Merdeka để lắng nghe bài phát biểu của lãnh đạo phe đối lập và kêu gọi ông Anwar từ chức.

Cảnh sát ước tính có ít nhất 18.000 người tham gia cuộc biểu tình ngày hôm đó.

Là lãnh đạo Đảng Công lý Nhân dân (People’s Justice Party), Anwar hiện đang phải đối mặt với nhiều áp lực, bao gồm: chi phí sinh hoạt tăng cao, vụ việc liên quan đến việc bổ nhiệm thẩm phán, nỗ lực miễn trách nhiệm dân sự liên quan đến cáo buộc tấn công tình dục, và những chỉ trích về việc chưa thực hiện các cam kết cải cách. Trong đó, người dân đang ngày càng bất mãn với sự gia tăng liên tục của chi phí sinh hoạt.

Mặc dù cuộc biểu tình đã giải tán trong hòa bình sau hai giờ, nhưng đây là cuộc biểu tình quy mô lớn đầu tiên mà Anwar phải đối mặt kể từ khi nhậm chức vào năm 2022 và là cuộc biểu tình quần chúng đầu tiên ở Malaysia kể từ năm 2018. Khi chỉ còn hai năm nữa là đến cuộc tổng tuyển cử tiếp theo, nhiều phương tiện truyền thông tin rằng cuộc biểu tình phản ánh những dấu hiệu cho thấy tỷ lệ ủng hộ thủ tướng đang giảm sút.

Tuy nhiên, Thủ tướng Anwar đã trả lời một cách bình tĩnh, nói rằng ông “không được mời tham dự” cuộc biểu tình và sẽ không bị ảnh hưởng bởi những lời kêu gọi từ chức. Ông nhấn mạnh rằng cuộc tổng tuyển cử tiếp theo phải được tổ chức chậm nhất là đầu năm 2028. Anwar vẫn nắm giữ đa số tuyệt đối trong Quốc hội.

Ông Anwar đắc cử vào tháng 11/2022 với tư cách là một nhà cải cách, nhưng ông đã ngay lập tức đưa ra các biện pháp nhằm tăng thu ngân sách nhà nước, chẳng hạn như mở rộng thuế bán hàng dịch vụ (SST) và điều chỉnh các chính sách trợ cấp, vốn bị thế giới bên ngoài chỉ trích. Một số người lo ngại rằng điều này có thể dẫn đến giá cả tăng cao.

Để xoa dịu lo ngại về chi phí sinh hoạt tăng cao, tuần này ông Anwar đã công bố chương trình phát tiền mặt, tăng viện trợ cho các gia đình nghèo và hứa sẽ giảm giá nhiên liệu.

Kể từ năm 2018, chưa có thủ tướng Malaysia nào hoàn thành nhiệm kỳ 5 năm. Ông Anwar hiện đã đi được hơn một nửa chặng đường nhiệm kỳ, trở thành thủ tướng tại vị lâu nhất trong bảy năm qua.

Một số tổ chức phi chính phủ lớn tại Malaysia cho biết họ không ủng hộ việc thay đổi chính phủ giữa nhiệm kỳ.