Ông Lý Cường phủ nhận TQ trợ cấp sản xuất, nói không “ngốc” đến mức để người nước ngoài hưởng
- Ninh Hải Chung
- •
EU liên tục chỉ trích Bắc Kinh trợ cấp quá mức cho ngành sản xuất, dẫn đến việc xả hàng dư thừa giá rẻ sang châu Âu. Thủ tướng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Lý Cường gần đây đã phủ nhận điều này trong cuộc họp thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo EU tại Bắc Kinh, nói rằng Bắc Kinh không “ngu ngốc” đến mức dùng tiền ngân sách kiếm được vất vả để trợ cấp cho hàng hóa rồi bán cho người nước ngoài hưởng thụ. Phát biểu này đã bị giới bình luận chế giễu, dân mạng còn mỉa mai rằng đó là “nói dối không chớp mắt”.
Ông Lý Cường phủ nhận chính sách trợ cấp
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường hôm thứ Năm (24/7) trong cuộc họp với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã phủ nhận chính sách trợ cấp ngành sản xuất của Chính phủ ĐCSTQ, khi đối mặt với lo ngại của EU về các khoản hỗ trợ công nghiệp của Bắc Kinh. Ông nói: “Trung Quốc không giàu như châu Âu, chúng tôi không gánh nổi những khoản chi như vậy.”
Hãng Bloomberg ngày 25/7 cho biết đây là một kiểu tự giễu. Theo báo cáo, ông Lý Cường nói: “Chúng tôi không đến mức ngu ngốc mà dùng ngân sách kiếm được một cách nhọc nhằn để trợ cấp cho hàng hóa rồi đem bán ra nước ngoài cho người nước ngoài hưởng thụ. Đó không phải là việc chúng tôi làm.”
Ông còn nói thêm: “Một số người cho rằng năng lực sản xuất của Trung Quốc gây ra vấn đề mới cho sự cân bằng cung cầu toàn cầu.” Nhưng ông cũng thừa nhận: “Đó là vấn đề khác, chúng tôi cũng nhận thức được điều đó.”
Tuy nhiên, bà von der Leyen cùng ngày tại cuộc họp báo vẫn khẳng định: “Việc sản xuất được trợ cấp của Trung Quốc không phù hợp với nhu cầu nội địa, do đó năng lực dư thừa sẽ tràn sang các thị trường khác.”
EU hiện lo ngại trước thâm hụt thương mại khổng lồ với Trung Quốc, năm ngoái con số này khoảng 360 tỷ USD. Những năm gần đây, mâu thuẫn thương mại giữa hai bên ngày càng gia tăng, từ việc Trung Quốc bán phá giá tấm pin mặt trời đến xe điện trong hai năm gần đây. Năm ngoái, EU đã áp thuế cao đối với xe điện Trung Quốc, năm nay tiếp tục điều tra về tuabin gió Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh cũng phản kích bằng cách hạn chế nông sản châu Âu. Quan hệ thương mại giữa hai bên đã xuống mức thấp.
Phó giáo sư Trịnh Khâm Mô (Cheng Chin-Mo) của khoa Ngoại giao, Đại học Đạm Giang (Đài Loan) nhận định trong ngày diễn ra hội nghị thượng đỉnh EU – Trung Quốc với tờ Epoch Times rằng: ĐCSTQ có những cách ngụy biện trong ngoại giao. Ví dụ, khi EU cáo buộc Trung Quốc bán phá giá xe điện, ĐCSTQ kiên quyết không cho rằng đó là bán phá giá, cũng không thừa nhận có trợ cấp, thậm chí còn lấy cớ rằng phương Tây cũng trợ cấp cho công nghệ cao. Nhưng thực tế, trợ cấp cho nghiên cứu và phát triển (R&D) khác hoàn toàn với việc trợ cấp cho doanh nghiệp nhằm chiếm lĩnh thị trường.
Bình luận: Ông Lý Cường biết rõ sự thật về hàng nhái giá rẻ; ĐCSTQ có nhiều hình thức “ném tiền”
Nhà bình luận độc lập Hướng Dương viết trên mạng xã hội X rằng: Đối mặt với bà von der Leyen – được ví như “Bà đầm thép”, ông Lý Cường nghiến răng tuyên bố ĐCSTQ tuyệt đối không có chính sách trợ cấp. Vậy tại sao không dám công khai thừa nhận: “Sự cạnh tranh giá rẻ của doanh nghiệp Trung Quốc là nhờ xâm phạm bản quyền, sao chép hàng giả, hạ thấp chất lượng, kết hợp với việc ném tiền trợ cấp bất chấp chi phí, bán phá giá dưới mức giá thành để đánh chiếm thị trường toàn cầu”?
Ông Hướng Dương cho rằng ông Lý Cường hiểu rất rõ rằng mô hình cạnh tranh giá rẻ của kinh tế Trung Quốc đã khiến lợi nhuận doanh nghiệp thấp, nhiều công ty khó sống sót, thu nhập và khả năng tiêu dùng của người dân yếu, làm kinh tế Trung Quốc thiếu động lực phát triển nhu cầu trong nước, phải phụ thuộc vào thị trường quốc tế. Nếu không vào được thị trường Âu-Mỹ, doanh nghiệp ngành mới nổi chỉ có thể giết nhau trong nước bằng giá rẻ. Đây chính là vấn đề lớn trong mô hình phát triển của kinh tế Trung Quốc.
Nhà bình luận độc lập Thái Thận Khôn cũng viết trên X: Ông Lý Cường mạnh miệng phủ nhận chuyện Trung Quốc trợ cấp doanh nghiệp xuất khẩu, vậy còn chính sách hoàn thuế xuất khẩu mà ai cũng biết là sao? Cả nước dốc sức vào làm chip, xe điện – chẳng phải đều do chính phủ rót tiền sao?
Ông cho biết chính sách hoàn thuế xuất khẩu là một chính sách lâu dài của Trung Quốc từ thập niên 1980, dùng để hoàn lại thuế giá trị gia tăng và một phần thuế tiêu thụ mà doanh nghiệp đã nộp khi sản xuất hàng xuất khẩu. Mức hoàn thuế ở Trung Quốc cao hơn mức thuế thực tế, thậm chí trở thành hình thức khuyến khích xuất khẩu gián tiếp. Nếu cộng thêm chính sách tỷ giá hối đoái, giá đất thấp, tín dụng rẻ và “lợi thế nhân quyền thấp”, thì ngành sản xuất các nước khác bị đặt dưới áp lực rất lớn.
ĐCSTQ còn trợ cấp bằng nhiều hình thức khác như:
- Đầu tư trực tiếp bằng tài chính nhà nước: Quỹ đầu tư công từ trung ương đến địa phương, như Quỹ Đầu tư Công nghiệp vi mạch quốc gia;
- Miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, giá đất ưu đãi, giá điện rẻ: đặc biệt là ngành xe điện, nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi thế về chi phí đất, thuế, năng lượng;
- Trợ cấp R&D và đơn hàng mua sắm: hỗ trợ nghiên cứu, thí điểm sản xuất đối với xe điện, thiết bị quang điện, tua-bin gió.
Ông Thái Thận Khôn cho rằng những chính sách này, trong ngữ cảnh ĐCSTQ thì gọi là “chính sách công nghiệp”, nhưng theo định nghĩa của EU hay WTO, nhiều hành vi trong số đó cấu thành “trợ cấp có thể bị kiện”, đặc biệt khi nó đến từ chính phủ hoặc tổ chức công; mang tính đặc thù (chỉ dành cho ngành cụ thể); dẫn đến việc sản phẩm xuất khẩu có giá bất thường (bán phá giá); gây tổn hại thực tế đến ngành sản xuất của nước nhập khẩu.
Một cư dân mạng có tên “jackychen” bình luận: “Hoàn thuế xuất khẩu không phải là trợ cấp – điều này do cơ chế thuế quyết định. Trung Quốc thu thuế khi sản xuất, còn nước ngoài thu thuế khi tiêu dùng. Sản phẩm xuất khẩu của nước ngoài không chịu thuế, còn của Trung Quốc thì bị đánh thuế trong nước rồi mới xuất khẩu, nên hoàn thuế cho doanh nghiệp là điều hợp lý. Ai không hiểu cơ chế thuế Trung Quốc sẽ nghĩ đó là trợ cấp.”
Một người khác thì viết: “Dù hoàn thuế không được coi là trợ cấp, nhưng dám nói trắng trợn rằng không có trợ cấp thì cũng quá ‘trơ trẽn’.”
Từ khóa Lý Cường Ursula von der Leyen trợ cấp sản xuất
