6 điều ông Trump có thể học từ các hội nghị thượng đỉnh trước đây
- Tú Anh
- •
Tổng thống Trump sẽ gặp lãnh đạo Bắc Hàn vào ngày 12 tháng 6 ở Singapore. Tờ Wall Street Journal mới đây đưa tin khả năng cũng sẽ có thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Để chuẩn bị cho những cuộc họp này, ông Trump có thể rút ra bài học từ những cuộc hội nghị thượng đỉnh trong nhiều thập kỷ qua giữa các tổng thống Mỹ tiền nhiệm và các nhà lãnh đạo Điện Kremlin.
Bắt đầu với hội nghị Tehran thời chiến năm 1943 và tiếp diễn tới các cuộc họp cấp cao đầu thế kỷ 21, các nhà lãnh đạo tham gia những hội nghị thượng đỉnh này đã có không ít thành công, nhưng cũng phải học những bài học đắt giá.
Bài học 1: Sức thu hút cá nhân và kỹ năng thuyết phục đều cần có giới hạn. Trong nỗ lực nhằm xây dựng lòng tin với lãnh đạo Liên Xô Josef Stalin, Tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt đã ở tại Sứ quán Liên Xô trong thời gian diễn ra hội nghị Tehran và tâng bốc Stalin tại hội nghị Yalta năm 1945. Nhưng ở cả hai cuộc họp đó, Stalin đã đạt được hầu hết các mục đích của mình. Tuy nhiên, tại cuộc họp thượng đỉnh Geneva 1985, lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachov và Tổng thống Ronald Reagan đã chỉ dùng để bắt đầu xây dựng mối quan hệ cá nhân giữa họ mà có thể đã giúp ích cho những tiến bộ sau đó. Sức hút cá nhân cũng có thể gây ảnh hưởng theo hướng ngược lại. Tại hội nghị Slovenia 2001, Tổng thống George W. Bush đã nhiệt tình thái quá khi ông nói “đã có thể cảm nhận được” “tâm hồn” của ông Putin, và thấy ông ấy “đáng tin cậy”.
Bài học 2: Về thực tế sức mạnh, các hội nghị thượng đỉnh có xu hướng xác nhận, chứ không đưa ra lựa chọn thay thế. Hội nghị Yalta đã kêu gọi thành lập một chính phủ “có đại diện rộng rãi hơn” ở Ba Lan, nhưng Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Mỹ Roosevelt sau đó đã không thành công với hy vọng về một cuộc bầu cử tự do vì khi đó Ba Lan đang bị Liên Xô chiếm đóng. Tại hội nghị thượng đỉnh Washington 1987, Gorbachov và Reagan đã ký Hiệp ước Tên lửa Hạt nhân tầm Trung (INF). Hiệp ước này yêu cầu các bên gỡ bỏ những tên lửa lắp đặt trên mặt đất với tầm bắn từ 500 đến 5.500 km. Bị ngập trong những khủng hoảng nội bộ, Gorbachov đã đồng ý với Mỹ một lập trường “cả hai cùng xóa bỏ” cho dù trước đó ông phản đối INF và ràng buộc kết luận của hiệp ước này với việc chấm dứt một chương trình phòng thủ tên lửa khác của Mỹ nhưng Tổng thống Reagan đã không đồng ý từ bỏ.
Bài học 3: Rủi ro tăng lên khi mối quan hệ tồi tệ đi. Vào ngày 1 tháng 5 năm 1960, một máy bay U-2 tầm cao bị mất tích trên lãnh thổ Nga, và Washington đã tuyên bố rằng chiếc máy bay do thám thời tiết này đã lạc đường vào không phận Nga. Sau khi lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchov đưa phi công của chiếc U-2 ra làm chứng, Tổng thống Dwight Eisenhower đã thừa nhận rằng chiếc máy bay này đang làm nhiệm vụ do thám. Vào ngày 16 tháng 5 năm 1960, tại hội nghị thượng đỉnh Paris gồm 4 cường quốc, lãnh đạo Liên Xô Khrushchov đã nổi giận và bước ra khỏi phòng họp, khiến cuộc họp sụp đổ và làm mất mặt Tổng thống Mỹ Eisenhower.
Bài học 4: Với Moscow, có thể dễ đạt được những hiệp ước về kiểm soát vũ khí hơn là những tranh chấp khu vực. Ngay cả khi Hiệp ước INF được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh Washington 1987, hai bên vẫn bất đồng về cuộc chiến của Liên Xô ở Afghanistan và việc nước này ủng hộ chế độ Sandinista ở Nicaragua. Kremlin thích những thỏa thuận kiểm soát vũ khí giúp củng cố nhận thức về sự ngang hàng với Mỹ.
Bài học 5: Sự chuẩn bị không đầy đủ nâng cao rủi ro thất bại cho cuộc họp thượng đỉnh. Các cố vấn của Tổng thống John F. Kennedy đã lo ngại rằng ông đã không được chuẩn bị tốt cho hội nghị thượng đỉnh Vienna 1961 với lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchov. Vị thế của Tổng thống Kennedy đã bị suy yếu vì 6 tuần trước đó ông đã thất bại trong việc đưa quân vào Vịnh con heo của Cuba. Sau cuộc họp thượng đỉnh này, Tổng thống Kennedy đã thừa nhận rằng Khrushchov đã “trà đạp tôi”. Hai tháng sau, Bức tường Berlin chia tách nước Đức bắt đầu được xây dựng. Đối với hội nghị Washington 1987, Tổng thống Reagan đã chuẩn bị tốt hơn, và cuộc họp đã đem lại không chỉ là một hiệp ước lớn, mà còn nâng cao sự lạc quan. Cả lãnh đạo Liên Xô Gorbachov và Tổng thống Mỹ Reagan đều được nâng cao vị thế.
Bài học 6: Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nên đồng hành cùng Quốc hội. Tại hội nghị thượng đỉnh Moscow 1974, lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev và Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã ký Hiệp ước Ngưỡng Cấm thử, giới hạn độ lớn của các cuộc thử hạt nhân dưới lòng đất. Hiệp ước này có nhiều thiếu sót rõ ràng trong việc kiểm tra quy mô các vụ thử hạt nhân, nên Thượng viện Mỹ đã từ chối phê chuẩn. Tại hội nghị Vienna 1979, lãnh đạo liên Xô Brezhnev và Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã ký Hiệp ước SALT II, thỏa thuận nhằm tìm cách làm chậm sự tăng trưởng của vũ khí hạt nhân tầm xa nhưng rất gây tranh cãi. Lại một lần nữa Thượng viên Mỹ đã cản trở. Tổng thống Reagan đã học được từ những thất bại này. Năm 1985, ông đã mời Thượng viện và Hạ viện thành lập các nhóm quan sát viên kiểm soát vũ khí, thường xuyên tham dự những cuộc đàm phán hạt nhân ở Geneva. Chính nhờ sự hỗ trợ của nhóm quan sát viên của Quốc hội này mà Thượng viện đã phê chuẩn INF và START – hiệp ước đã cắt giảm một nửa vũ khí hạt nhân tầm xa.
Một vài trong số những yếu tố nêu trên có thể ảnh hưởng đến cuộc họp thượng đỉnh của Tổng thống Donald Trump với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un. Như với Khrushchov ở hội nghị 1960, khả năng bất ngờ tiềm ẩn có thể cao. Thời gian chuẩn bị ngắn gần như không có những cuộc đàm phán thực chất trước của các chuyên gia có thể cản trở những việc chuẩn bị cho hội nghị. Bắc Hàn đã rất quyết tâm nỗ lực để có được vũ khí hạt nhân và không hăng hái từ bỏ điều đó. Nếu bất cứ thỏa thuận nào với Bắc Hàn yêu cầu những nhượng bộ quân sự của Mỹ, thì Thượng viên nhiều khả năng sẽ nhấn mạnh việc xác minh chặt chẽ, như với các hiệp ước về vũ khí hạt nhân khác.
Mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Nga có thể làm mờ triển vọng cho một cuộc họp thượng đỉnh Trump-Putin. Nga đang tiến hành chiến tranh ở miền đông Ukraine, đã can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ và đang chống đỡ cho chế độ tàn bạo của Bashar Assad ở Syria. Nếu có tiến triển tại hội nghị thượng đỉnh này thì một thỏa thuận gia hạn Hiệp ước START mới có lẽ sẽ nhiều khả năng đạt được hơn là một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.
Những thành quả lịch sử như các hiệp ước INF và START là sản phẩm của những cuộc đàm phán chi tiết ở cấp chuyên gia, cùng với việc những nhà lãnh đạo quyết tâm cắt giảm những rủi ro hạt nhân và cải thiện mối quan hệ giữa các nước họ. Không chắc đây có phải là những mối ưu tiên của Kim Jong Un và Putin hay không. Cả hai đều nổi tiếng với những động thái hăm dọa hạt nhân.
Tác giả: Michael Haltzel và William Courtney
Michael Haltzel là nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Quan hệ xuyên Đại Tây Dương thuộc Đại học Johns Hopkins, và đã từng là chánh văn phòng Đảng Dân chủ phụ trách Châu Âu của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và cố vấn của Thượng nghị sĩ Joseph R. Biden lúc đó.
William Courtney là một nhà nghiên cứu cao cấp tạm thời ở RAND Corporation phi lợi nhuận, phi đảng phái và đã từng là Đại sứ Mỹ ở Kazakhstan, Georgia, và một ủy ban Mỹ-Xô để thực hiện Hiệp ước Ngưỡng Cấm thử.
Tú Anh biên dịch
Xem thêm:
Từ khóa Donald Trump Hội nghị Thượng đỉnh Quan hệ Mỹ - Nga Quan hệ Mỹ - Bắc Hàn Hội nghị Trump - Kim