Đại tướng Wieslaw Kukula, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Ba Lan, cho biết, quân đội nước này được triển khai dọc biên giới với Belarus, một đồng minh thân cận của Nga, sẽ được trang bị tốt hơn và ở lại trong tương lai gần.

quan doi Ba Lan
Binh lính Ba Lan tại Lữ đoàn Thiết giáp Warsaw vào ngày 23 tháng 4 năm 2024. (Nguồn ảnh: Omar Marques/Getty Images)

Warsaw đã điều hàng nghìn binh sĩ quân đội chính quy đến tăng cường cho Lực lượng Biên phòng của nước này vào mùa hè năm ngoái, viện dẫn lý do có sự hiện diện của các nhân viên “Tập đoàn Wagner” ở Belarus. Ba Lan cáo buộc Moscow và Minsk đang tiến hành một “cuộc chiến hỗn hợp.”

Trong cuộc họp báo ở Warsaw hôm thứ Ba (11/6), Tướng Kukula lưu ý: “Việc [Ba Lan] điều binh sĩ mang súng đến hỗ trợ Lực lượng Biên phòng là một tín hiệu mạnh mẽ. Ngày nay, bản chất của cuộc xung đột hỗn hợp đang hiện rõ ở biên giới. Đó là một cuộc chạy đua liên tục giữa chiến thuật và kỹ thuật ứng dụng.

Warsaw cáo buộc, dòng người di cư từ châu Phi và châu Á qua Belarus vào châu u là một phần trong âm mưu của Nga và Belarus nhằm gây bất ổn cho EU và Ba Lan, một thành viên của NATO.

Tướng Kukula chỉ trích: “Áp lực về di cư sẽ được duy trì. Đây là mục tiêu của Belarus, đây là mục tiêu của Liên bang Nga. Chúng tôi có thông tin tình báo xác nhận rằng áp lực này sẽ được duy trì. Chúng tôi thừa nhận việc triển khai lâu dài Lực lượng Vũ trang để hỗ trợ Lực lượng Biên phòng. Chúng tôi sẽ không ngừng [việc này].

Ngoài ra, Tướng Kukula lập luận rằng quân đội dọc biên giới cần phải được trang bị vũ khí đầy đủ bởi vì “có thể xảy ra tình huống súng được sử dụng để chống lại chúng tôi.” Tuy nhiên ông lưu ý, Ba Lan đang duy trì “kiềm chế sâu rộng” để không tạo cớ cho Belarus và Nga leo thang căng thẳng.

Ba Lan đóng vai trò cầu nối chính của NATO trong việc cung cấp vũ khí, đạn dược và thiết bị cho Ukraine, mặc dù Warsaw tuyên bố họ thực sự không phải là một bên trong cuộc xung đột giữa Kyiv và Moscow.

Sự thay đổi chính phủ ở Ba Lan vào tháng Mười Hai năm ngoái, khi đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền trước đây thua suýt sao trước liên minh do Diễn đàn Dân sự lãnh đạo, đã không làm thay đổi lập trường chính sách đối ngoại của Warsaw.

Phát biểu của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda về việc Warsaw tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ đã gây ra sự chỉ trích từ Thủ tướng Donald Tusk vào tháng Tư. Mặc dù không phản đối thỏa thuận “chia sẻ hạt nhân” với Washington, nhưng Thủ tướng Tusk cáo buộc rằng ông đã không được cho biết về vấn đề này.

Phản ứng trước câu chuyện hạt nhân của Ba Lan, Nga đã cảnh báo Warsaw rằng các cơ sở của nước này sẽ là “mục tiêu hợp pháp trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột quân sự trực tiếp” giữa Nga với NATO.

Gia Huy (Theo RT)