Bắc Hàn kiếm 200 triệu USD từ buôn lậu; tuồn vũ khí trái phép cho Syria, Myanmar
- Hùng Cường
- •
Một báo cáo của các nhà điều tra độc lập tại Liên Hiệp Quốc mới đây cho biết trong năm 2017 Bắc Hàn đã kiếm được gần 200 triệu USD từ buôn lậu hàng hóa. Báo cáo này cũng nói rằng chế độ Kim Jong-un đang bí mật tuồn khí tài quân sự sang Syria và Myanmar.
Bắc Hàn vẫn đang thu được ngoại tệ từ xuất lậu than sang Nga, Hàn Quốc, Malaysia và Việt Nam.
Reuters cho hay báo cáo nêu trên gồm 213 trang do các giám sát viên độc lập của Liên Hiệp Quốc (LHQ) thực hiện và đã gửi tới Ủy ban Chế tài của Hội đồng Bảo an LHQ. Reuters, cũng đã được xem báo cáo này, nói rằng Bắc Hàn đã vận chuyển than bằng đường biển sang các cảng của Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia và Việt Nam, chủ yếu sử dụng các giấy tờ nguồn gốc xuất xử giả mạo, đội lốt là than của Nga hoặc Trung Quốc.
“Bắc Hàn đã phá vỡ hầu hết các nghị quyết trừng phạt gần đây [của LHQ] bằng cách khai thác chuỗi cung ứng toàn cầu, các công dân nước ngoài đồng lõa, các công ty đăng ký ở nước ngoài và hệ thống ngân hàng quốc tế”, Reuters trích dẫn báo cáo.
Xuất lậu than sang Nga, Hàn Quốc, Malaysia và Việt Nam
Theo nghị quyết trừng phạt năm 2016, Hội đồng Bảo an đã áp đặt hạn ngạch số lượng than Bắc Hàn được phép xuất khẩu và yêu cầu các nước khác phải báo cáo số lượng than nhập từ Bắc Hàn lên Ủy ban Chế tài LHQ. Sau đó, sang năm 2017, LHQ đã cấm hoàn toàn Bắc Hàn xuất khẩu than kể từ 5/8/2017.
Các giám sát viên LHQ đã điều tra 16 tàu chở than tới Nga, Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam từ giữa tháng 1 đến 5/8/2017. Các nhà điều tra nói rằng Malaysia đã báo cáo một tàu lên Ủy ban Chế tài và vẫn còn 15 tàu khác vi phạm chế tài mà nước này không thông tin.
>>Nga là trạm trung chuyển để than Bắc Hàn tới Hàn Quốc và Nhật Bản
Sau thời hạn ngày 5/8, các giám sát viên LHQ điều tra thêm 23 tàu chở than tới các cảng của Nga, Hàn Quốc và Việt Nam và phát hiện rằng tất cả các tàu hàng này “sẽ cấu thành vi phạm nghị quyết của LHQ, nếu được xác nhận”.
Các giám sát viên LHQ nói: “Bắc Hàn đã kết hợp các biện pháp như sử dụng thiết bị định vị lừa đảo, tắt định vị, sang hàng cho tàu khác cũng như sử dụng các giấy tờ giả để che dấu nguồn gốc xuất xứ than”.
Các điều tra viên “cũng điều tra các trường hợp sang chuyển xăng dầu từ tàu sang tàu [ở vùng biển quốc tế] vi phạm chế tài LHQ… và phát hiện rằng mạng lưới đứng sau các tàu hàng hàng này chủ yếu là từ Đài Loan, Trung Quốc”.
Báo cáo cũng nói thêm rằng nhiều công ty dầu mỏ đa quốc gia, không nêu tên cụ thể, cũng đang bị điều tra về vai trò trong chuỗi cung ứng sản phẩm xăng dầu trái phép sang Bắc Hàn.
Phái đoàn Bắc Hàn tại LHQ chưa có phản ứng gì khi được Reuters yêu cầu bình luận về báo cáo của LHQ. Trong khi, Nga và Trung Quốc đã nhiều lần nói họ đang thực hiện đầy đủ các lệnh trừng phạt mà LHQ áp đặt lên chế độ Kim Jong-un.
Tuồn công nghệ và bán vũ khí cho Syria và Myanmar
Các giám sát viên LHQ cho biết họ đã điều tra thấy có sự hợp tác tiếp diễn về tên lửa đạn đạo giữa Syria, Myanmar và Bắc Hàn. Trong đó, các nhà điều tra nói rằng từ năm 2012 đến 2017, đã có hơn 40 chuyến tàu của Bắc Hàn bí mật chở hàng cho Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Syria. Trung tâm này chịu trách nhiệm giám sát chương trình vũ khí hóa học của chính quyền Tổng thống Assad.
Các giám sát viên LHQ viết trong báo cáo rằng cuộc điều tra cho thấy “thêm bằng chứng về việc vi phạm lệnh cấm vận vũ khí và các vi phạm khác, bao gồm việc chuyển các mặt hàng có tiện ích trong các chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hoá học”.
Họ cũng kiểm tra hàng hóa từ hai chuyến hàng của Bắc Hàn bị các quốc gia không nêu tên thu giữ trên đường vận chuyển tới Syria. Cả hai tàu hàng bị bắt đều chở gạch kháng axit. Theo các giám sát viên LHQ, số lượng gạch này có thể dùng để xây tường bao phủ một khu vực rộng bằng một dự án công nghiệp quy mô lớn.
Một quốc gia, báo cáo không nêu tên, đã nói với các giám sát viên LHQ rằng các lô hàng bị tịch thu có thể “được sử dụng để xây tường gạch bên trong một nhà máy hóa chất”.
Syria đã đồng ý phá hủy kho vũ khí hóa học của họ vào năm 2013. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao và các thanh tra vũ khí nghi ngờ Syria có thể đã bí mật duy trì hoặc phát triển một kho vũ khí hoá học mới.
Reuters đã liên lạc với Đặc sứ của Syria tại LHQ để yêu cầu bình luận về thông tin nêu trên nhưng không nhận được câu trả lời.
Các quan sát viên LHQ cũng cho biết một quốc gia, không nêu tên, nói rằng họ có bằng chứng cho thấy Myanmar đã nhận từ Bắc Hàn hệ thống tên lửa đạn đạo cùng với các loại vũ khí thông thường, trong đó có các máy phóng rocket đa nòng và tên lửa đất đối không.
Đại sứ Myanmar tại LHQ, Hau Do Suan cho biết chính phủ Myanmar “không có mối quan hệ quân sự nào với Bắc Hàn” và đang tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.
Hùng Cường
Xem thêm:
Từ khóa Bắc Hàn Chế tài chế tài kinh tế Triều Tiên buôn lậu